Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“

Anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn phát biểu khai mạc tọa đàm "Tổ quốc mãi gọi tên". Ảnh: Hồng Vĩnh
Anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn phát biểu khai mạc tọa đàm "Tổ quốc mãi gọi tên". Ảnh: Hồng Vĩnh
TPO - Đúng 9h20 ngày 19/8, tại trụ sở báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội) diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: “Tổ quốc mãi gọi tên”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do T.Ư Đoàn chỉ đạo tổ chức. Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật...

Chương trình do T.Ư Đoàn, Báo Tiền Phong tổ chức nhằm chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015).

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt, thuộc các thế hệ, ở các lĩnh vực khác nhau: Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhạc sỹ An Hiếu, ca sỹ Thái Thuỳ Linh, tiến sỹ Nguyễn Bá Hải (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014)...

Cùng tham gia tọa đàm có anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn và nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong. 

Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“ ảnh 1

Các đoàn viên thanh niên tham dự tọa đàm "Tổ quốc mãi gọi tên". Ảnh: Hồng Vĩnh

Mở đầu buổi toạ đàm, anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn phát biểu nhấn mạnh vai trò của tuổi trẻ cả nước đối với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc, với Tổ quốc: 

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chúng ta có mặt tại báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên”.

Trong những ngày này, tuổi trẻ cả nước có nhiều hoạt động chào mừng hai sự kiện này. Tọa đàm hôm nay nằm trong chuỗi hoạt động diễn đàn, tọa đàm có chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi” được tổ chức trên khắp cả nước.

Trong những ngày qua, có nhiều diễn đàn, tọa đàm được tổ chức trong thanh niên công nhân; thanh niên nông dân, ngư dân; thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo, lực lượng vũ trang... được tổ chức thành công, qua đó, khẳng định được tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Tọa đàm Tổ quốc mãi gọi tên được báo Tiền Phong tổ chức có sự tham gia của các đại biểu như Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Nhạc sĩ An Hiếu... Hy vọng các vị khách mời chia sẻ nhiều câu chuyện; các bạn trẻ đặt nhiều câu hỏi tới các vị khách mời để thể hiện được tình cảm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.

Tiếp theo, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu: 

Rất nhiều người nghĩ rằng, chỉ trong những thời điểm đặc biệt, khi có cái gì đó nghiêm trọng như độc lập, chủ quyền bị đe dọa, dân tộc gặp tai ương lớn, Tổ Quốc mới kêu gọi con dân.

Nhưng chúng tôi nghĩ, bất cứ thời điểm nào, Tổ quốc cũng gọi tên mỗi đứa con của mình. Để nhắc nhở hãy sống và cống hiến. Cho xứng đáng với non sông, với dòng giống, với lịch sử mấy nghìn năm đẫm mồ hôi và không ít máu xương. Cho xứng đáng với những thế hệ đi trước, với dòng giống, tổ tông, với gia đình, với tập thể có mình trong đó, với những người xung quanh, với bạn bè. Tóm lại là với Tổ quốc mình.

Tiếng gọi đó càng vang vọng, hùng tráng, thiết tha khi Tổ quốc khi có việc lớn như nguy cơ đe dọa chủ quyền, chiến tranh vệ quốc, thiên tai, thảm hoạ, công cuộc tái thiết sau những biến cố lớn lao...

Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“ ảnh 2 Tổng biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu đề dẫn tại tọa đàm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tổ quốc mấy nghìn năm thử thách gian lao vẫn mãi trường tồn vì những đứa con Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam luôn luôn lắng nghe và đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc mình.

Trong những ngày kỷ niệm lịch sử này, trong khuôn khổ chương trình “Tôi yêu Tổ Quốc tôi” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, báo Tiền Phong tổ chức cuộc tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên”  với sự tham gia của các diễn giả khách mời từ tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, những người mà tiếng nói luôn có hàm lượng tri thức cao và sức lan tỏa lớn với hi vọng cùng với tuổi trẻ cả nước ôn lại truyền thống lịch sử, nói lên tiếng nói trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc, với Tổ quốc.

Chúng tôi cũng mời nhiều đoàn viên, thanh niên sinh viên tham gia tọa đàm để cùng lắng nghe, trao đổi ý kiến về vấn đề  rất lớn này.

Hi vọng các diễn giả và các bạn đoàn viên thanh niên tham gia tích cực vào buổi tọa đàm.

Kết thúc phần phát biểu, Nhà báo Lê Xuân Sơn mời giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo chia sẻ về thời đại Hồ Chí Minh, thời đại mà người trẻ đã hướng ứng tiếng gọi của non sông Tổ quốc, đứng lên chống Pháp, Mỹ làm nên những chiến công vang dội.

Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“ ảnh 3

Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Bảo: Tôi rất xúc động tham dự tọa đàm thân mật này. Cảm ơn T.Ư Đoàn, báo Tiền Phong đã tổ chức chương trình. Trong cuộc đời, ai cũng có một lần qua tuổi trẻ. Tuổi trẻ để lại dấu ấn của một đời người. Bác Hồ nói Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước. Các bạn hiện diện niềm tin, sức sống của đất nước.

Trong tọa đàm hôm nay xuất hiện nhiều thế hệ. Thế hệ chúng tôi trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến, bước vào thời kỳ đổi mới. Các bạn là sản phẩm của thời đại đổi mới – thời đại đẹp nhất trong đất nước chúng ta.


Nói về dân tộc chúng ta, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, đất nước đã vào thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc Khánh, hơn bao giờ hết là nhớ tới Bác.

Bản di chúc Bác để lại cho toàn dân toàn Đảng, để lại rất nhiều lời tâm huyết. Bản di chúc này xếp vào bảo vật quốc gia. Dân tộc Việt Nam có ngày lễ trọng là Quốc lễ giỗ Tổ, hoa sen – Quốc hoa; di chúc của Bác và nhiều tác phẩm điển hình khác đã được Đảng và Nhà nước xếp vào hàng quốc bảo.

Đó là những giá trị tinh thần linh thiêng để chúng ta sống phấn đấu. Chúng ta có quyền tự hào dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.

Tổ quốc gọi tên mình. 70 năm về trước, đây là cuộc cách mạng vĩ đại, điển hình của thế kỷ trong lịch sử nhân loại. Các bạn hãy nhớ, thế giới trong thế kỷ 20 chỉ có 4 cách mạng điển hình: Cách mạng tháng 10 Nga; Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam; Cách mạng của Trung Quốc và Cách mạng Cu Ba.

Cách mạng Tháng Tám được coi là sự kiện anh hùng, nâng tầm vóc của dân tộc vì là cách mạng cáo chung chủ nghĩa thực dân. Cách mạng này biểu dương lòng yêu nước của dân tộc, chứng minh sức mạnh đoàn kết toàn dân. Nếu không có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng thì không có sự thành công. Thiên thời địa lợi, nhân hòa – nhân hòa là gốc.

Cách mạng tháng Tám mở ra thời đại mới với Tuyên ngôn độc lập là sự kế thừa của Cáo Bình Ngô, Hịch tướng sĩ. Bản tuyên ngôn độc lập là áng thiên cổ hùng văn của dân tộc.

Trong những ngày đầu dựng nước, dưới sự lãnh đạo của Bác, chúng ta đi qua những khó khăn thách thức. Chúng ta đánh thắng 2 đế quốc to. 70 năm , trong đó có 30 năm đổi mới, tuổi trẻ chúng ta lớn lên trưởng thành. Nhờ đổi mới chúng ta mới có thế và lực ngày hôm nay. Nếu nhìn tổng quát, 30 năm qua đã đưa đất nước chúng ta thoát khỏi tình trạng lạc hậu, có mặt trong những nước có mức thu nhập trung bình, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đảng ta coi lòng yêu nước là động lực xây dựng đất nước. Xin các bạn nhớ, Việt Nam có nhiều biểu tượng tinh thần cao quý. Trong lịch sử Việt Nam, nhiều người đã trở thành huyền thoại. Trước nạn giặc ngoại xâm, hình tượng cậu bé Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà triệu. Trong những bước ngoặt của lịch sử, chúng ta đều có những biểu trưng, biểu tượng: cây tre – đức tính người hiền, cao quý của người Việt Nam. Tre đã đi vào các tác phẩm văn học.

Nói đến Việt Nam là nói đến phẩm giá thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước... Đất nước của chúng ta đang bị đe dọa, việc khích lệ lòng yêu nước là thắp ngọn lửa trường tồn. Tổ quốc gọi tên mình, chúng ta cần ý thức được trách nhiệm cuộc sống hôm nay và mai sau để xứng đáng niềm tin của nhân dân, bạn bè thế giới gửi vào chúng ta.

Tôi muốn nói triết lý: Thời gian ủng hộ chúng ta, nhưng không chờ đợi ai. Dấu ấn đẹp nhất là tuổi trẻ. Gửi tới niềm tin, cùng Đảng, nhà nước, nhân dân bước vào thời kỳ huy hoàng mới. Tất cả bắt nguồn từ lòng yêu nước, trách nhiệm với cuộc sống.

Tôi nhớ lại, những bài thơ thúc giục lòng yêu nước, huyền thoại mẹ không bao giờ phai nhạt trong tôi. Chế lan Viên: Ôi Tổi quốc ta yêu như máu thịt... Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết... Tình yêu tổ quốc đó thể hiện trong huyền thoại mẹ việt Nam vĩ đại. Mỗi chúng ta có mẹ hiền, còn có mẹ đất nước.

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Hôm nay, con trai Linh được 2 tháng 1 tuần tuổi và thú thật sự xuất hiện của Linh ở đây hy vọng phần nào thể hiện được tâm huyết của Linh với chương trình tọa đàm, bởi đây là chương trình sớm nhất mà Linh nhận lời tham dự kể từ sau khi sinh em bé thứ 2.

Động lực của Linh khi đến với các chương trình tình nguyện thực ra không phải bắt nguồn từ những điều gì to tát, lớn lao mà đến từ những điều rất giản dị và thực tế. Linh tâm niệm rằng trước khi nghĩ đến Tổ Quốc, hãy nghĩ đến gia đình, bản thân và con cái của mình trước.

Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“ ảnh 4 Ca sĩ Thái Thùy Linh. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Linh đã tham gia các chương trình tình nguyện. Nhiều nhất là năm 2002, khi bắt đầu vào miền Nam lập nghiệp. Còn nhớ khi đó, mùa hè nào tôi cũng lên đường để đến những vùng đất khó khăn, đôi khi đi chỉ để phục vụ các thanh niên tình nguyện cũng thấy vui và tự hào.

Đến năm 2011, sau khi sinh con đầu lòng, sự đồng cảm trong Linh lớn hơn bao giờ hết. Làm mẹ rồi, Linh mới có động lực thực hiện các chương trình tình nguyện mặc ấm cho trẻ em miền núi hay mang âm nhạc vào bệnh viện, cùng chia sẻ với các bệnh nhân, những số phận còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Linh luôn thấy bản thân mình, thấy gia đình và đứa con bé bỏng trong những hoàn cảnh đáng thương mà mình đã được gặp gỡ. Linh nghĩ rằng, nếu coi Tổ quốc, đất mẹ là một cơ thể lớn thì mỗi chúng ta chính là một tế bào. Nếu từng tế bào khỏe mạnh thì sẽ có một cơ thể khỏe mạnh.

Linh tự thấy mình được may mắn và có một chút thành công trong xã hội nên mình sẽ phải có nghĩa vụ hỗ trợ những tế bào xung quanh còn yếu hơn được khỏe hơn.

Với niềm tin đó, hơn 4 năm nay, Linh không ngại ngần lao vào các chương trình tình nguyện, liên tục những chuyến đi lên miền núi rồi vào bệnh viện. Linh chưa thấy mệt và chắc chăn thời gian tới, những chuyến đi đó sẽ vẫn tiếp tục.

Cách đây 1 tuần, Linh cũng đã bắt đầu chương trình thiện nguyện đầu tiên để đưa âm nhạc vào bệnh viện K.

Qua đây, tôi cũng mong các bạn thanh niên, trước khi yêu Tổ Quốc hãy biết cách yêu bản thân, làm những điều tốt cho bản thân, cho gia đình và những người xung quanh. Đó chính là một cách gián tiếp để chúng ta làm cho tổ quốc tốt hơn.

Linh khá bức xúc với một số bạn trẻ tham gia họat động tình nguyện nhưng lại thiếu thực tế. Trong khi vẫn nhận trợ cấp của gia đình, trong khi gia đình, làng xóm, quê hương mình vẫn còn nhiều khó khăn thì các bạn ấy lại nhiệt tình đi giúp đỡ những người ở xa.

Nhiệt tình giúp đỡ thì rất đáng hoan nghênh, nhưng Linh mong rằng song song với việc giúp đỡ những người ở xa thì các bạn hãy thiết thực hơn, ra đường không vượt đèn đỏ, không vứt rác bừa bãi…

Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất như thế, những việc mà đôi khi ta nghĩ rằng không ai nhìn thấy, không ai ghi nhận, nhưng vẫn hãy vui vẻ đóng góp . Rổi sẽ có ngày chúng ta làm được những việc lớn lao hơn. Đó là cách tốt nhất để chúng ta thể hiện tình yêu tổ quốc, tình yêu đất nước.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Tôi là nhà thơ trẻ Hoàng Nhuận Cầm - một thế hệ xếp bút nghiên ra trận. Tôi có 2 ngày sinh 7/2/1952 ; ngày sinh thứ 2 6/9/1971 khi tôi xếp bút, khoác áo lính lên đường - là ngày Tổ quốc sinh ra người lính, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Đó là những năm tháng gian khổ, ác liệt. Khi đó, mỗi gia đình đều là gia đình quân nhân. Giấy báo tử liên tiếp gửi về cho nhiều gia đình. Sau thời gian được huấn luyện, tôi có mặt tại Quảng Trị để chiến đấu. Qua sông Thạch Hãn đã thành anh hùng.

Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“ ảnh 5 Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sau mỗi trận đánh, nhiều đồng đội đã hy sinh. Những trận sau lại thấy toàn lính mới. Không hiểu sao tôi còn sống? Thấm thoát đã 44 năm, những dấu chân rồi cũng lùi lại phía sau. Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình. Tuổi 20 ai mà không tiếc nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn đâu Tổ quốc. Tình yêu Tổ quốc đến thật giản dị, thật bình yên. Tôi muốn nói với các bạn trẻ Tổ quốc thiêng liêng, cao xa mà cũng rất gần gũi, thật hiền. Tình yêu Tổ quốc có trong mỗi chúng ta, nhưng tiềm ẩn một cách lạ kỳ mà ngay chính các bạn cũng không hiểu hết. Tình yêu nước mãi mãi trường tồn trong các bạn. Tuổi trẻ mỗi thời mỗi khác, nhưng tổ quốc chỉ có một. Cuối cùng, tôi xin mượn lời bài thơ “Tôi không thể nào mang về cho em” để nhắn gửi tới các thế hệ Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ: “Tôi không thể nào mang về cho em Trên những đồi biên cương chảy máu Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hoà An …………………. Việt Nam! Ôi yêu thương Chữ vất vả, gian nan người quá thấu Bao thế hệ trọn đời đi chiến đấu Bao cuộc đời nhắc đến đã gương soi Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu Mà môi cười tha thiết - Việt Nam ơi...” 

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014 chia sẻ:  Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, tôi phải chăn trâu cắt cỏ đến lớp 12 nên không biết từ bao giờ, trong tôi đã tâm niệm nếu muốn thoát khỏi cảnh chăn trâu thì chỉ đi học thôi, không còn con đường nào khác. Có lẽ, xuất thân từ khó khăn cũng là một may mắn để tôi có động lực đi tiếp con đường sau này.

Trước khi sang Hàn học, tôi đã tự hỏi sao các nước tư bản lại giàu vậy, tại sao Việt Nam mình luôn phải đi xin, đi mua, luôn phải nhập siêu và tại sao người Việt Nam phải đi du học nước ngoài mà không phải người Mỹ đến Việt Nam du học?....

Ban đầu khi sang Hàn, tôi chỉ xuất phát từ khao khát cá nhân muốn thoát nghèo nhưng sau khi được học tập, ganh đua cùng các sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, máu dân tộc trong tôi đã nổi lên, tôi bắt đầu có khái niệm rõ ràng hơn về dân tộc. Tôi đã nghĩ mình phải học làm sao mang đến niềm tự hào cho người Việt Nam.

Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“ ảnh 6

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải tại tọa đàm. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ra trường, tôi được mời chào với mức lương 5 ngàn đồng, tính ra cũng gần 700 triệu đồng, rất cao so với ở quê. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định về Việt Nam. Mang theo khát vọng mở một phòng thí nghiệm. Tôi nghĩ với một thế giới phẳng, việc bạn làm ở đâu không quan trọng bằng điều chúng ta thực sự có đam mê gì? Chúng ta đã làm gì?

Và điều chúng ta làm có ích cho bản thân và xã hội như thế nào? Ngôi trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật nơi tôi trở về công tác khi đó là một trong những môi trường tốt – nơi tôi có thể tiếp tục những hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và gắn kết công việc dạy học và nghiên cứu của bản thân với xã hội. Rất may tôi cũng sống dư với mức lương nhà nước 4,5 triệu.

Thậm chí, tôi còn nghĩ mình giàu có, bởi lẽ, số tiền mình làm ra nhiều hơn số tiền mình tiêu xài. Đến hôm nay, tôi đã có được 3 doanh nghiệp, có tiền để mua xe hơi nhưng tôi vẫn chạy xe máy, dành tiền mua linh kiện, robot… Khi mới về, tôi cũng gặp khó khăn là mức lương khá thấp so với chi phí và trang trải nghiên cứu.

Sau đó, tôi vừa dạy vừa tranh thủ tìm kiếm các dự án có liên quan lĩnh vực chuyên môn của các doanh nghiệp để trang trải thêm cho cuộc sống. Tôi về nước vì yêu chính mình, yêu khoa học. Và có lẽ, tình yêu đất nước của tôi cũng bắt đầu giản dị vậy thôi. Từ sự cảm thông với những thiệt thòi của người khiếm thị, tôi đã nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm mắt kính dành cho người mù. Khi mang mắt kính, bộ cảm biến sẽ phát hiện vật cản phía trước và báo về cho hộp điều khiển, rồi truyền đến người khiếm thị bằng tín hiệu rung.

Ban đầu bắt tay vào làm cũng khó khăn lắm, nhưng tôi đã gặp được những người cộng sự cùng đam mê, cùng lý tưởng và chúng tôi đã vượt qua khó khăn. Chúng tôi làm với niềm tin và hy vọng khi nhắc đến nghiên cứu người mù, thế giới sẽ phải nhắc đến Việt Nam. Năm nay, ngân sách chúng tôi trao tặng kính cho người mù khoảng 2 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Cuộc sống là biến thiên, ai dám chắc ngày mai chúng ta sẽ như thế nào, bởi vậy, chúng ta hãy yêu thương những người xung quanh, giúp đỡ hết khả năng của mình. Tôi rất thích câu “Thời nào người nấy”. Bây giờ cuộc sống bình yên, cũng là lúc chúng ta cần làm giàu cho đất nước, xây dựng nền tảng văn hóa , gắn liền với tình yêu dân tộc. Chúng ta đã có quốc kỳ, quốc hoa, quốc bảo, bây giờ chúng ta cần có thêm quốc trí, quốc lượng để đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc, dân tộc.  

Nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ: Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi được tham gia vào buổi tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên”.

Sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, không trải qua thời gian bom đạn, khói lửa nhưng chúng tôi được trải nghiệm cuộc sống thời bao cấp với cơm độn, cơm chan nước mắm. Trải qua những vất vả, những gian khó tôi tự nhủ phải học hành để vươn lên.

Cho đến ngày nay, đất nước thay đổi quá nhanh. Mỗi bạn trẻ hằng ngày được cầm trên tay iPhone, iPad để check in thì đó là một may mắn, hạnh phúc.

Với tôi, tình yêu đất nước vô cùng đơn giản. Nói như ca sĩ Thái Thùy Linh, yêu nước đơn giản là quét sạch con ngõ, yêu thương những người xung quanh mình. Yêu Tổ quốc là hành động đúng. Ra nước ngoài có thể chỉ là giữ trật tự trên phương tiện giao thông công cộng.

Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“ ảnh 7 Nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo tôi, mỗi người hãy làm tốt công việc của mình. Tôi là nhạc sĩ, có nhiệm vụ mang tới cho xã hội những sản phẩm tốt nhất, định hướng thẩm mỹ âm nhạc một cách đúng đắn. Bên cạnh đó, là một người thầy, tôi phải là một người thầy tận tâm, có chuyên môn để đào tạo những tài năng, hạt giống cho đất nước. Cũng như vậy, mỗi người có một công việc, một nhiệm vụ, trọng trách khác nhau với đất nước, không phân biệt người đó là ai, có thể là bác sĩ, trí thức, có thể là những người công nhân, lao công… Và tôi tự nhủ, khi tổ quốc thật sự gọi tên, chúng ta sẽ đáp lời. Cuối cùng, muốn gửi tới các bạn trẻ, hãy yêu Tổ quốc bằng những hành động thiết thực. Đừng nói nhiều, hãy hành động dù đó là hành động nhỏ thôi.

Tại Tọa đàm, nhiều bạn trẻ cũng đặt các câu hỏi cho các đại biểu:

* Hoàng Đức Nam (Trung tâm hỗ trợ sinh viên) chia sẻ cảm xúc: Được tham gia tọa đàm và nghe Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ, em càng trân trọng hơn những gì thế hệ cha anh đã hy sinh để gây dựng. Được nghe những việc làm hàng ngày, sự nỗ lực vượt khó của Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải, nhạc sỹ An Hiếu, ca sỹ Thái Thùy Linh, em thấy đây là tấm gương để học hỏi. Em tin rằng đây không chỉ là cảm xúc của riêng em mà còn nhiều bạn trẻ ngồi đây.

Em xin đặt câu hỏi về cho Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng: T.Ư Đoàn triển khai những hoạt động gì để hun đúc tình yêu nước trong thanh niên?

Anh Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ: Qua nghe ý kiến trao đổi của Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, ca sỹ Thái Thùy Linh, nhạc sỹ An Hiếu, Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải, chúng ta rất tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.

T.Ư Đoàn có rất nhiều chương trình hoạt động để hun đúc tinh thần tự hào truyền thống dân tộc, tình yêu thương đất nước và trách nhiệm đối với đất nước trong các bạn trẻ. Đặc biệt, những hoạt động của Đoàn thanh niên luôn mong muốn và tin tưởng tạo cơ hội cho những người trẻ cống hiến tốt hơn.

Tôi nhớ kỷ niệm đi Trường Sa, các cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo, nhà giàn DK1 chia sẻ rất xúc động khi có đoàn đại biểu thanh niên ra thăm. Nhưng tôi thấy ngược lại. Chính những cán bộ, chiến sỹ để tôi làm việc tích cực hơn, công tác tốt hơn.

Thông điệp tôi muốn gửi tới các bạn trẻ là tình yêu nước không cần hô mà được thể hiện trong việc làm hằng ngày. Đó là học sinh sinh viên hãy học tập, rèn luyện thật tốt; công nhân công chức hãy lao động, rèn luyện tốt hơn... Mỗi người trẻ hãy vì cộng đồng, vì đất nước; hãy tham gia hoạt động xã hội để xây dựng từng khu phố, xóm làng ngày càng đẹp hơn.

Bạn Nguyễn Văn Toàn, đoàn viên Tạp chí Thanh Niên chia sẻ: Bác Hồ căn dặn: “Thanh niên chúng ta cơ bản là tốt. Theo giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ nói đến thanh niên tốt và chưa tốt là những gì?”

Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo: Bác Hồ nói “Thanh niên chúng ta nói chung là tốt” đó là một mong muốn hết sức tế nhị của Bác Hồ. Đó chính là đòi hỏi chúng ta (các thế hệ thanh niên) phải tốt hơn nữa, rèn luyện nhiều hơn nữa.

Những điều tốt của thanh niên đó chính là tình yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tuổi trẻ có hoài bão, khát khao cũng là điểm tốt. Bên cạnh đó, thanh niên tốt vì luôn sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc. Thanh niên không đòi hỏi đất nước mang lại cho mình những gì mà luôn tự hỏi đã làm được những gì cho tổ quốc. Lịch sử Đoàn, lịch sử Cách mạng đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, nói về điều chưa tốt ở thanh niên, xin dẫn chứng câu nói “Ở đời nhân vô thập toàn”, không có ai toàn diện hay chính là sự cảm thông, chia sẻ với những điều chưa hay, chưa tốt ở con người. Ngay chính bản thân Bác, Bác tự nhận mình còn những khiếm khuyết và Bác từng nhắn nhủ tới thanh niên: Ở Bác có hai điều mà các cháu đừng học. Một là không học theo Bác hút thuốc, hai là các cháu đừng học Bác về chuyện không lấy vợ. Vì nó trái với lẽ tự nhiên, các cháu hãy lấy sợ, sinh con cái duy trì nòi giống.

Cụ thể về những điều chưa tốt ở thanh niên, Bác chê tính ba hoa. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác cũng nhấn mạnh căn bệnh ba hoa phải chữa. Cũng phải nói thêm rằng, căn bệnh này xuất phát từ việc những người trẻ chưa trải nghiệm cuộc sống nhiều và lạc quan tế trước những khó khăn. Vì vậy, để chữa căn bệnh này cần chú trọng khiêm tốn, đừng tự huyễn hoặc bản thân và cho rằng cái gì cũng làm được.

Tuy nhiên, về căn bản Bác tin cậy rất nhiều vào thanh niên. Bác căn dặn, tuổi trẻ chớ ham làm quan to. Tiền bạc, danh vọng là những tham sân si của con người nhưng nếu không tiết chế, không vượt qua được sẽ dễ rơi vào hư hỏng. Tuổi trẻ phải tranh thủ thời gian, nhất là dành cho là việc học, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng. Học để nâng cao trí lực để cống hiến cho đất nước.

Một đoàn viên hỏi ca sĩ Thùy Linh: Qua theo dõi chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện, được biết chương trình có mời rất nhiều ngôi sao hàng đầu showbiz, những người vẫn đang được trả với mức cát xê rất cao. Vậy, chị làm thế nào để mời được các ca sĩ này?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Một câu hỏi được nhiều người quan tâm, nhưng có lẽ vì tế nhị nên họ thường ngại hỏi trực tiếp tôi, nhân đây, cảm ơn câu hỏi của bạn để tôi có dịp trả lời một cách chân thành và thẳng thắn. Với khoảng hơn 300 nghệ sĩ đã từng tham gia chương trình tình nguyện mang âm nhạc đến bệnh viện, có nhiều ngôi sao hạng A, được xếp vào hàng đầu của Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ đến với chương trình này, những gì mà họ ủng hộ vào thùng từ thiện nhiều hơn số tiền xăng xe mà họ nhận được, dao động từ số âm đến 1 triệu đồng.

Ví dụ như ca sĩ Uyên Linh, ca sĩ Thu Mình, MC Thanh Bạch…. thù lao đi hát thường được tính bằng nghìn đô, thậm chí đến 100 triệu trong một chương trình, thì chi phí 1 triệu đồng khi đến với chương trình của chúng tôi là quá bé nhỏ. Đôi khi họ cầm nhưng rồi đưa lại cho trợ lý, quản lý, chứ bản thân họ cũng không quan tâm đến thù lao là bao nhiêu.

Đó là lý do mà chương trình của chúng tôi đã tồn tại được từ số đầu tiên đến nay là 123 chương trình. Tôi xác định, phải có tiền xăng xe cho nghệ sĩ, kể cả 100-200 ngàn đồng. Bởi tôi không muốn họ đi làm từ thiện mà phải để nhân viên, trợ lý đi cùng mình phải thiệt thòi, vất vả.

Hiện tại, mỗi tháng chúng tôi có 2 chương trình ở Hà Nội, 1 chương trình ở TP HCM, ngoài ra mỗi năm có thêm 4 chương trình đi các tỉnh. Tôi cho rằng, dù chi phí ít ỏi nhưng sự trân trọng mà chúng tôi dành cho các nghệ sĩ đã góp phần làm nên sự thành công cho chương trình này.

Một bạn nữ hỏi Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Vì sao anh lại từ chối mức lương 5 ngàn đô ở Hàn Quốc để về Việt Nam nhận mức lương 4,5 triệu đồng?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Lúc đó, tôi nghĩ ở Hàn Quốc cũng tốt, bởi nếu bản thân có thu nhập tốt thì cũng có thể giúp đỡ được người khác. Tuy nhiên, nếu những ai đã từng đi học ở nước ngoài sẽ hiểu rõ cảm giác khi ở một đất nước nào đó quá lâu thì rồi cũng sẽ thấy mình chỉ là một người khách, vẫn đau đáu nhớ quê.

Hơn nữa, Hàn Quốc đã phát triển rồi, ở họ đã có nhiều phát minh, sáng chế hiện đại, nhưng Việt Nam thì khác, Việt Nam vẫn chỉ như một công trường ngổn ngang. Vì thế, tôi thấy Việt Nam cần nhiều khối óc bàn tay để xây dựng đất nước.

Lúc đó, tôi đứng trước 2 lựa chọn: Hoặc là một cuộc sống gia đình đầy đủ, chẳng cần phải làm gì, như vậy quá nhạt. Và một cuộc sống khác, ở đó, máu của mình sẽ chảy liện tục, tiếng nói của mình được đồng điệu, giúp ích cho Tổ quốc, ở đó, mình cảm thấy người hơn, đáng sống hơn. Và tôi quyết định về Việt Nam.

Ngày trước, khi tôi còn làm ở trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, phụ trách mảng khoa học của trường, tôi đã có ý tưởng làm băng nói cho người mù. Nhưng chưa làm được thì lại đi du học. Chính vì thế, tôi luôn cảm thấy mình thất hứa, món nợ đó luôn ở trong lòng thúc giục tôi. Khi đi học về, tôi đã tiếp tục nghiên cứu để làm kính cho người mù.

Ban đầu, tôi nghĩ chỉ mất 1 tháng là xong, nhưng không ngờ “hành trình” đó đã kéo dài 4 năm rồi, trải qua 9 phiên bản, giờ đây, nó đã có thể chinh phục được những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.

Hiện tại, “mắt thần 2” đã đến được tay người mù, “mắt thần 3” sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới, “mắt thần 4” sẽ nói đc tiếng Việt, “mắt thần 5” sẽ nhận diện được màu sắc, “mắt thần 6” có thể gọi điện thoại được. Nhưng chắc vẫn phải mất 16 năm nữa thì “mắt thần 6” mới đến được tay người dùng…

Anh Hoàng Văn Khuyến đặt câu hỏi: Vừa là nhạc sỹ, vừa là chiến sỹ, nhà quản lý văn hóa, nhạc sĩ An Hiếu có lời khuyên, tư vấn cho tổ chức Đoàn nâng cao đời sống văn hóa cho những bạn trẻ nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp xúc đời sống văn hóa tốt hơn.

Nhạc sỹ An Hiếu: Đối với chúng tôi văn hóa văn nghệ là vũ khí chiến đấu trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Là người đào tạo lớp cán bộ từ cấp xã đến quận trong quân đội, chúng tôi luôn nghĩ rằng việc giữ đất giữ làng không gì tốt hơn bằng chính việc đào tạo cho chính người ở địa phương. Có kiến thức văn hóa văn nghệ và nói tiếng nói của người dân, họ sẽ là những người tuyên truyền văn hóa sâu sắc nhất.

Về góc độ nhà quản lý, đối với tổ chức Đoàn cần định hướng, các chương trình hành động và chương trình đào tạo riêng để nâng cao kiến thức văn hóa văn nghệ cho đoàn viên thanh niên. Theo tôi nên có những chương trình đào tạo riêng, bổ túc những kiến thức cơ bản cho những thanh niên vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Tôi nghĩ, đó là việc đoàn thanh niên có thể làm thông qua đội ngũ cán bộ đoàn từ trung ương tới địa phương, xuống tận bản, tận xã. Và kết hợp đào tạo, tập huấn ngắn không chỉ là văn hóa nghệ thuật mà bổ trở các kiến thức khác nữa để bản thân đồng bào ở đó, thanh niên ở đó hưởng thụ những sản phẩm văn hóa tốt hơn, chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

11h45, chương trình Tọa đàm "Tổ quốc mãi gọi tên" kết thúc. Thay mặt Ban Tổ chức, Nhà báo Lê Xuân Sơn đã tổng kết lại chương trình bằng một đoạn trích bài thơ Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...

Tọa đàm “Tổ quốc mãi gọi tên“ ảnh 8Tọa đàm "Tổ quốc mãi gọi tên". Ảnh: Hồng Vĩnh

MV Tổ quốc gọi tên mình do báo Tiền Phong chỉ đạo sản xuất, công ty Sen Vàng TP.HCM thực hiện với sự tham gia của nghệ sĩ Tạ Minh Tâm và BTC, các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014.

Buổi toạ đàm được tường thuật trực tiếp tại báo điện tử Tiền Phong (www.tienphong.vn) và trang tin Tấm Gương (www.tamguong.vn).

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi giao lưu với các đại biểu tham gia toạ đàm thông qua địa chỉ email: tamguongonline@gmail.com.

MỚI - NÓNG