Trịnh Tuấn và 3 bản tuyên ngôn độc lập bằng thư pháp

Trịnh Tuấn và 3 bản tuyên ngôn độc lập bằng thư pháp
TP - Từ 24 - 28/7 tại Triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư-Vân Hồ- Hà Nội), nhà thư pháp trẻ Trịnh Tuấn trưng bày cuốn sách gỗ, trong đó thể hiện 3 bản tuyên ngôn độc lập. TP đã có cuộc trò chuyện với nhà thư pháp trẻ này. 
Trịnh Tuấn và 3 bản tuyên ngôn độc lập bằng thư pháp ảnh 1
Trịnh Tuấn đang thể hiện 3 bản tuyên ngôn bằng thư pháp

3 bản tuyên ngôn độc lập bằng thư pháp trong lần triển lãm này là: bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều người nói thư pháp tiếng Việt không khó như thư pháp chữ Hán. Tuấn có chơi thư pháp Hán không?

Tôi bỏ thư pháp Hán để sang tiếng Việt. Xã hội nào văn chương ấy. Tôi quan niệm, thư pháp phải tải được cái bên trong, cái nội dung dưới cái vỏ ngôn ngữ.

Tôi không làm để bán, và tác phẩm mà tôi chọn viết thư pháp phải có giá trị đích thực về văn chương, chính trị, văn hóa cộng đồng. Vì thế không thể làm bừa.

Tại sao Tuấn có ý tưởng thể hiện 3 bản Tuyên ngôn bằng nghệ thuật thư pháp?

Tôi có ý định từ khi tốt nghiệp đại học. Nhưng khi đó, tôi di chuyển quá nhiều, vả lại cơm áo gạo tiền cuốn đi, nên đến lúc học ĐH Văn hóa Hà Nội mới có điều kiện ngồi một chỗ tập trung làm, và đầu tiên là Truyện Kiều nhân 240 năm ngày sinh Nguyễn Du (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Du-Nghi Xuân-Hà Tĩnh).

Cuốn sách đặc biệt ở chỗ nào?

Bìa bằng gỗ vàng rè dày, ruột gồm 43 trang, mỗi trang dày 5cm, bằng giấy xuyến chỉ bồi fomech, không bao giờ hư hỏng nếu không dây vào axit hoặc lửa.

Chuyên gia Trung Quốc bồi fomech, và đóng thành một cuốn sách dày gần 30cm, nặng 300 kilôgam, dài hơn 2m, rộng gần 1m. Tôi tạm hài lòng với việc mình đã làm.

Lấy kinh phí ở đâu mà làm được như vậy?

Từ thu nhập của chính tôi. Trong khi các bạn văn chương đang phải làm tất cả những thứ khác để có mặt trên thi đàn, trên báo chí thì mình làm văn hóa chính thống. Và thi thoảng mình bị gọi là chơi trội. Thế thì còn ai dám làm văn hóa nữa?

Trịnh Tuấn từng lang thang ở Sài Gòn, làm phụ hồ, phu xe, bán báo dạo để sống và học.

Năm 2005, chàng trai 26 tuổi gốc Thọ Xuân-Thanh Hóa này viết thư pháp Truyện Kiều và trao tặng cho Bảo tàng Nguyễn Du, năm 2006 tổ chức giao lưu thư pháp tiếng Việt bằng bút lửa cùng Dzũ Kha tại Hà Nội.

Hiện, Trịnh Tuấn là Tổng giám đốc Cty cổ phần truyền thông QT.

Có người hỏi tôi: “Anh thích làm kỷ lục?” Tôi không thích chữ này. Bởi người VN nào cũng có thể làm nên kỷ lục nếu họ quyết tâm.

Có quá nhiều kỷ lục và chuyện lạ, nhưng tôi không bao giờ ngồi vào đấy. Nói nó là chuyện lạ, tôi đồng ý. Nếu ai đó làm vì kỷ lục, thì tôi khuyên: Đừng làm.

Không nói chuyện kích thước kỷ lục, giá trị nghệ thuật của những tác phẩm Tuấn làm đến đâu?

Xin để các nhà chuyên môn đánh giá. Tôi chỉ muốn nói rằng những tác phẩm thư pháp tiếng Việt góp phần đẩy tầm chữ Việt. Chúng tôi sử dụng toàn bộ nguyên liệu công cụ từ bút lông, mực Tàu, giấy bản đều của Hán học nhưng trên bố cục chương pháp chữ Việt, thư pháp tiếng Việt còn chứa đựng giá trị truyền thống. Mỗi người viết thư pháp trẻ bây giờ sẽ có trách nhiệm bổ sung vào hệ thống lý luận thư pháp tiếng Việt.

Thông điệp của cuốn sách thư pháp này là gì?

Là thông điệp về lịch sử. Trong lịch sử Việt Nam, cứ khoảng 500 năm lại có một bản tuyên ngôn. Nếu bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền và quyết tâm đánh giặc, bản Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi tôn vinh chiến thắng quân Minh và khẳng định nền độc lập của Đại Việt từ trước đến thời điểm đó, thì bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9 làm nên một nước Việt Nam mới để hôm nay chúng ta được ngồi đây.

Tại sao Tuấn tung ra 3 tác phẩm tuyên ngôn vào thời điểm này?

Những bản tuyên ngôn độc lập đều viết bằng xương và máu của những người nằm xuống. Sau triển lãm này, tôi sẽ rước tác phẩm từ Hà Nội vào TPHCM rồi tặng cho một bảo tàng nào đó.

MỚI - NÓNG