“Tự đi trên đôi chân mình”

Doanh nghiệp muốn ra biển lớn vẫn phải đi trên đôi chân của mình, chứ không dựa vào quan hệ thân quen. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Doanh nghiệp muốn ra biển lớn vẫn phải đi trên đôi chân của mình, chứ không dựa vào quan hệ thân quen. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “DN trước hết phải tự đi bằng đôi chân mình là chính”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói vậy tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam chiều 3/6 do Hội Doanh nghiệp trẻ tổ chức.

Bây giờ hoặc không bao giờ

Mở đầu diễn đàn, Chủ tịch Tập đoàn FPT-  ông Trương Gia Bình kể: Đầu năm 2016, Chủ tịch diễn đàn Kinh tế thế giới có gửi một hồ sơ bình chọn về cuộc cách mạng thế giới lần thứ tư. “Ông ta muốn nói rằng, đó là cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu -cách mạng số, khi mà mỗi công dân thành DN số, ngân sách thành ngân sách số…”- ông Bình nói.

Ông Bình cho biết, có thể thấy ngay tại Việt Nam như Grab hay Uber, khi DN không có mét vuông đất nào, hay không một chiếc taxi nào, nhưng vẫn trở thành tập đoàn taxi lớn nhất thế giới. “Có dự báo rằng, khoảng 10 năm nữa, 10% quần áo nhân loại sẽ kết nối GPS, còn ở Mỹ khoảng 10% ô tô không người lái”- ông Bình nói.

Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp ở Việt Nam, cùng với một loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đó chính là cơ hội. Ông nói: “Một là anh đi theo, hai là anh bị bỏ rơi”.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, ở Việt Nam thời gian qua các DN tư nhân đang cho thấy họ sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, vốn, lao động so với DN nhà nước. 

Theo ông, thách thức của Việt Nam tới đây, chính là năng suất lao động còn thấp. Cùng đó, việc thực thi chính sách còn yếu, phân phối thị trường vốn, đất đai chưa dựa vào hiệu suất mà vẫn dựa vào quan hệ thân quen... Do vậy, chính sách cần hướng đến minh bạch, công bằng hơn với khu vực tư nhân.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch TĐ Hoa Sen cho rằng, hội nhập và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, cộng đồng DN tư nhân Việt Nam, phần đông là DN non trẻ, yếu về vốn, quản trị, thương hiệu.

Ông Vũ cho rằng, “bây giờ hoặc không bao giờ” bởi DN Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển khi đất nước đang trong thời kỳ “dân số vàng”. Theo ông, với DN, cần lấy năng động để khắc phục hạn chế về quy mô, lấy sáng tạo để thắng kinh nghiệm.

Thiên đường khởi nghiệp

Theo Phó Thủ tướng Vương Huệ, DN tư nhân chính là động lực quan trọng phát triển kinh tế và Chính phủ sẽ tập trung mọi nỗ lực hỗ trợ, trong đó có các DN nhỏ và vừa. Trong tháng 7 này, Chính phủ sẽ ban hành nghị định các ngành nghề cần điều kiện và bãi bỏ tất cả  thủ tục cản trở phát triển.

Phó Thủ tướng cho biết, chỉ 5 tháng đầu năm 2016, số lượng DN thành lập mới tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt số vốn đăng ký tăng 60%, vốn quy mô bình quân tăng 23%.

Trong khi đó, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm là 10 tỷ USD, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ và hiện hơn 5,5 tỷ USD đã được giải ngân. “Đó là hiệu ứng tích cực từ Chính phủ trong việc tập trung tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho DN”- ông Huệ nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có thể gọi là thiên đường cho khởi nghiệp, vì tiềm năng, dư địa phát triển rất lớn với thị trường trên 90 triệu dân, lao động dồi dào… “Có những nước, họ nói rằng sau 5 năm nữa, nếu không có lao động, họ sẽ đóng cửa nhà máy, vì già hoá dân số”- Phó Thủ tướng nói.

Theo ông, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hội nhập đa tầng nấc. Phát triển kinh tế tư nhân gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ông nói: “Đã khởi nghiệp không phải lúc nào cũng thành công, nên thành công của DN Chính phủ cũng xem đó là thành công của chính mình”.

MỚI - NÓNG