Vì sao lại bày đào, quất trong nhà dịp Tết?

GS, TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam. (Ảnh: laodong.com.vn).
GS, TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam. (Ảnh: laodong.com.vn).
GS.TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam nói về thói quen bày đào hoặc trồng quất, mai trong nhà đã trở thành tục lệ.  

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, trong mỗi gia đình người Việt Nam đều bày những cành đào hoặc trồng cây quất, cây mai. Đây là một truyền thống tốt đẹp đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người con đất Việt từ bao đời nay. Không chỉ làm đẹp thêm ngôi nhà mà những loại cây này thể hiện mong ước mang lại sự may mắn cho gia chủ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS, TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam về thói quen đã trở thành tục lệ này.

PV: Dưới góc độ một người nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, ông có thể lý giải như thế nào về thói quen người dân Việt Nam bày cành đào hoặc trồng cây quất, cây mai trong nhà mỗi dịp Tết đến?

GS Ngô Đức Thịnh: Trước hết, phải nói rằng cây đào và cây quất rất đẹp, phù hợp với sinh thái Tết của miền Bắc của Việt Nam. Còn ở miền Nam, cây hoa mai mới phù hợp. Khi nói chuyện với những người trồng đào, trông quất, tôi mới biết được rằng ẩn chứa trong mỗi cây là cả một sự công phu chăm sóc rất nhiều.

Cây quất bày ngày Tết có quả, có hoa, có cành, có lá, có lộc. Quả không nên to quá, cũng không nên nhỏ quá. Khi chín có màu vàng tươi. Nó phải được xen giữa đám lá xanh. Còn tuỳ từng cá nhân mà thích cây có thế hay để tự nhiên.

Người ta cho rằng cây quất là biểu tượng của sự trọn vẹn của đất trời trong nhà. Việc để cây quất trong nhà đem lại cảm giác hanh thông cho gia chủ. Từ cây quất người ta thấy được tính chất của ngũ hành theo tư duy vũ trụ luận của người phương Đông. Cụ thể, khi nhìn cây quất ta thấy 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung ương. Ngoài ra, ở cây quất, người ta còn thấy được 5 màu sắc cơ bản tương ứng ngũ hành: Kim (hoa màu trắng) sinh Thủy (lá xanh đậm), Thủy sinh Mộc (thân cây), Mộc sinh Hỏa (quả chín màu cam), Hỏa sinh Thổ (đất trong chậu) và Thổ sinh Kim (hoa màu trắng). Sự kết hợp ngũ hành trên một thứ cây, đó là biểu hiện của sự may mắn.

Còn cây đào, nó không xum xuê như cây quất. Cây đào biểu tượng của một người con gái đẹp. Ngoài tạo cảm giác ấm cúng ngày Tết thì trên bàn thờ tổ tiên của nhiều gia đình cũng có cắm một cành đào nhỏ. Tôi có hỏi các cụ thì các cụ nói rằng ngày Tết các vị tổ tiên về ăn tết với con cháu. Việc cắm cành đào là để các vị tổ tiên để nhớ lạ quãng thời gian còn sống với con cháu. Thực ra trong sâu thẳm của tâm thức người Việt, đào là thứ hoa có thể chống chọi lại tà khí, rủi ro. Việc cắm cành đào mang ý nghĩa chống lại những điều hắc ám, tà ma xâm nhập vào gia đình. Đối với người Kinh thì như vậy, còn một số dân tộc khác thì lại có hình thức khác. Họ cắt một cành đào to để lên mái nhà với mong muốn là cành đào đó chống tà ma, quỷ dữ.

Tóm lại việc trồng đào, quất không chỉ mang lại cảnh đẹp trong ngày xuân mà còn có ý nghĩa đem lại sự may mắn và trừ bỏ những điều không tốt đẹp.

Vì sao lại bày đào, quất trong nhà dịp Tết? ảnh 1 Cây quất cảnh, cây đào cảnh thường được bày trong nhà mỗi dịp Tết đến.

Vì sao lại bày đào, quất trong nhà dịp Tết? ảnh 2

- Còn cây mai thì sao thưa ông?


GS Ngô Đức Thịnh: Cây mai có dáng vẻ mỏng manh, có thể có hoa vàng hoặc hoa trắng. Mai là một trong 4 loại cây quý (tùng, cúc, trúc, mai), Theo quan điểm của người xưa, hoa mai là biểu tượng của sự đẹp đẽ, ngay thẳng. Và người ta cũng coi cây mai như khí chất của người quân tử. Đó là một thứ hoa cao quý. Vì thế, cũng không có gì lạ khi trong ngày Tết, người ta lại để một cây mai trong nhà.

- Trong cuộc sống hiện nay, nhiều gia đình không chỉ đưa cây quất, đào, mai vào nhà mà họ còn mang vào nhà những cây bưởi cảnh, cây cam cảnh. Ông lý giải hiện tượng này như thế nào?

GS Ngô Đức Thịnh: Tôi cho rằng việc mang những thứ cây trên vào nhà là để tạo không khí vui tươi hơn. Các cây bưởi, cam cũng có cành, có lá, có hoa, có quả thì đó cũng là ước mong của người dân: ngày Tết đến, mọi thứ đều sung túc, dư thừa, đều tốt đẹp. Điều này làm thoả mãn được tâm thức của con người.

Và nói chung, việc đem những cây ăn quả có thể ra hoa, ra trái, ra lộc vào trong nhà mỗi dịp Tết đến đều thể hiện mong muốn có sự sinh sôi, phát triển của người dân mỗi khi mùa xuân đến.

- Như ông đã nói, những cây được bày trong nhà trong dịp Tết không chỉ thể hiện mong muốn là đem lại sự may mắn cho gia chủ mà còn có tác dụng trừ bỏ tà ma. Tuy nhiên, có một thứ vốn cũng được dùng để trừ bỏ tà ma nhưng hiện nay lại ít xuất hiện hơn chính là cây nêu. Phải chăng, thứ này đã không còn phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện nay, thưa ông?

GS Ngô Đức Thịnh: Cây nêu là một dấu hiệu ngày Tết rất hay. Thường sau ngày Tết ông Công, ông Táo, tuỳ địa phương, người ta bắt đầu trồng Nêu. Theo phong tục, ngày mùng 7 tháng giêng sẽ là ngày hạ cây nêu.

Xưa kia, cây nêu thường là cây tre còn để ngọn và gốc thì cắm xuống đất. Trên đó người ta treo nhiều thứ như hình các con giống hoặc những thứ có thể phát ra tiếng kêu như chuông... Theo truyền thuyết, cây nêu được trồng nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Cho nên thường dưới gốc cây nêu người ta cũng hay dùng vôi bột để vẽ hình cánh cung, có mũi tên chĩa ra biển.

Vì sao lại bày đào, quất trong nhà dịp Tết? ảnh 3 Cây nêu dựng tại chùa Long Sơn, Nha Trang. (Ảnh: wikipedia).
Có một thời cây nêu cũng gần như vắng bóng nhưng ở một số dân tộc thì vẫn còn. Về gốc xa xưa, cây nêu chính là một cây vũ trụ. Người ta tin rằng thời khai thiên lập địa, trời đất còn dính vào nhau: Con người lên trời cũng dễ dàng, mà các vị thần trên trời xuống đất cũng dễ dàng. Sau đó có chuyện người ta bắn cung để làm cho trời xa đất. Và cây nêu chính là cây nối liền trời, đất. Vì thế người ta gọi cây nêu là cây vũ trụ. Cây này có nhiều trạng thái khác nhau, tuỳ các dân tộc khác nhau. 

Theo tôi, đây là thứ cây rất hay và những dịp Tết sau này, chúng ta nên khôi phục tập tục này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Theo Minh Xuân (Báo Ngày Nay)
MỚI - NÓNG