Vượt núi rừng chữa bệnh cho trẻ nghèo

 Bé Giàng A Dua (dân tộc Mông) được nhóm Hành trình niềm vui phát hiện và vận động đưa về Hà Nội chữa bệnh. Ảnh: Trần Hoàng
Bé Giàng A Dua (dân tộc Mông) được nhóm Hành trình niềm vui phát hiện và vận động đưa về Hà Nội chữa bệnh. Ảnh: Trần Hoàng
TP - Vượt quãng đường khó khăn hàng trăm kilomet để đến từng thôn, xã, nhóm thiện nguyện không chỉ phát thuốc chữa bệnh, tặng quà người nghèo mà còn trợ giúp những bệnh nhân đặc biệt khó khăn về Hà Nội chữa bệnh nặng.

Hành trình của những tấm lòng nhân ái

Cách Hà Nội khoảng 170 km về phía tây - tây bắc, Kim Bon là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Sau 4 tiếng, đoàn tình nguyện gồm 30 người, thuộc 2 nhóm từ thiện Bàn tay nhỏ và Hành trình niềm vui đến được huyện Phù Yên.

Con đường từ huyện lên xã Kim Bon bị sạt lở, xói mòn nghiêm trọng. Quãng đường nhỏ, hẹp ven sườn núi, những phiến đá hộc lớn trơ ra là thách thức đối với mọi phương tiện. Để lại ô tô 45 chỗ, đoàn bác sĩ cùng các tình nguyện viên thuê một chiếc xe ben để chất toàn bộ hàng hoá cùng người lên Kim Bon.

Trên sườn dốc chênh vênh, 30 con người trên thùng xe ben nín thở lắc lư theo từng vết bánh. Nhiều đoạn đường hai bên chỉ còn vừa đúng cho một chiếc xe, chỉ cần lệch một bước chân xe có thể bị trượt bánh. Tham gia chuyến đi, hầu hết tình nguyện viên là bác sỹ trẻ, viên chức, sinh viên mới tốt nghiệp ở Hà Nội.

Người dân xã Kim Bon chủ yếu là dân tộc thiểu số, hơn 90% là người Mông và người Dao. Toàn bộ diện tích là núi đồi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khiến cho người dân chỉ có thể trồng cây ngô là cây lương thực và thương phẩm chủ chốt. Xã có gần 80% hộ nghèo, cận nghèo, hầu hết không biết đến các dịch vụ chăm sóc y tế. Chính vì thế chuyến khám, chữa bệnh, phát quà cho các hộ nghèo được người dân nơi đây háo hức mong đợi.

Đoàn có mặt tại xã Kim Bon lúc sáng sớm, dù các tình nguyện viên khá mệt mỏi sau hành trình vất vả nhưng khi thấy người dân Kim Bon đã có mặt tại đây từ lâu đón đoàn, mọi mệt mỏi tan biến. Anh Bằng, công an viên xã cho biết: “Biết tin có đoàn khám bệnh, bà con từ bản đi sớm lắm, có người ở xa đi từ 5h sáng”.

Trước sự chờ đợi của người dân, những tình nguyện viên bắt tay ngay vào việc chuẩn bị để khám, chữa bệnh cho bà con. 9h30 sáng, lượng người đổ về khám bệnh đông kín UBND xã, trong đó nhiều người không hiểu tiếng phổ thông khiến cho việc thăm khám diễn ra chậm, vất vả hơn rất nhiều.

“Lúc đưa con đến xã khám bệnh, cả người cháu lở loét, không mở được mắt vì bỏng, giờ có thuốc, bác sỹ nói sống được là mừng rồi”

Anh Giàng A Dế, bố cháu Giàng Thị Dua

“Chúng tôi thay phiên nhau ăn vội bữa trưa bằng vài miếng bánh mỳ để kịp khám cho bà con. Kết quả chỉ trong một ngày, chương trình đã khám, phát thuốc cho hơn 700 người. Ngoài ra, 360 suất quà gồm chăn, sữa, bánh kẹo, đường muối cùng quần áo cũng được trao trực tiếp cho các hộ nghèo và cận nghèo của xã. Mệt mỏi, kiệt sức nhưng ai cũng có cảm giác phấn chấn vì đã làm được việc có ích cho người dân nơi đây”, chị Nguyễn Thanh Vân, trưởng nhóm Hành trình niềm vui nói.

Trong quá trình khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc, những y bác sĩ phát hiện 2 bệnh nhân đặc biệt khó khăn cần sự giúp đỡ. Đó là bé Pàng Thị Cang (sinh năm 2013) bị hở hàm ếch; bé Giàng Thị Dua (sinh năm 2010), bị lở loét da mỗi khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nghi bị bỏng da ánh sáng. Cả 2 bé đều ở bản Kim Bon, xã Kim Bon nằm trong diện hoàn cảnh khó khăn. Ngay khi về đến Thủ đô, nhóm Hành trình niềm vui đã có chương trình quyên góp để đưa 2 cháu ra Hà Nội khám chữa bệnh.

Vượt núi rừng đưa trẻ nghèo đi chữa bệnh

Với cháu Pàng Thị Cang, ngày 30/7, các bác sĩ của nhóm đã mổ thành công hở hàm ếch cho cháu tại Viện Y học Hàng không. Sau khi hồi phục, gia đình đã đưa cháu Cang về nhà. Toàn bộ chi phí ăn ở, điều trị, đi lại đều được nhóm Hành trình niềm vui chu cấp. Khó khăn hơn là ca bệnh của bé Giàng Thị Dua với triệu chứng bị bỏng da ánh sáng.

Do gia đình cháu Dua còn khó khăn lại chưa hiểu biết về tiến bộ của y khoa nên nhóm đã rất vất vả để vận động đưa cháu lên Hà Nội chữa trị. Phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bí thư xã Kim Bon vận động, cùng bố mẹ đưa cháu bé tới bệnh viện Da liễu T.Ư để điều trị. Khi đến bệnh viện, tình trạng sức khỏe của cháu Dua rất xấu, da bỏng, lở loét nhiều hơn, mắt bị viêm kết mạc hầu như không mở ra được.

Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ cho biết, cháu Dua bị khô da sắc tố, cháu bé có thể bị ung thư bất cứ lúc nào do cấu trúc da không tự bảo vệ. Nguyên nhân bệnh một phần do tập quán lấy nhau cận huyết của người Mông (bà nội và bà ngoại cháu Dau là 2 chị em ruột). Hơn nữa, cháu Dua bị bệnh hơn 3 năm mà không được điều trị nên khả năng tử vong là rất cao. Các bác sĩ yêu cầu phác đồ điều trị lâu dài, sẽ phải đi lại điều trị dài ngày.

Nắm bắt diễn biến xấu của tình trạng sức khỏe cháu bé, nhóm đã huy động mọi nguồn kinh phí từ kêu gọi trên mạng xã hội, bạn bè, người quen để giúp đỡ. Đồng thời thay phiên túc trực tại bệnh viện, hỗ trợ do bố mẹ cháu không thạo tiếng phổ thông.

Quá trình điều trị tại bệnh viện Da liễu được miễn viện phí. Tuy nhiên, thuốc men, sinh hoạt, đi lại tăng liên tục, vượt ngoài khả năng của một nhóm từ thiện, nhóm tiếp tục kêu gọi sự trợ giúp của các nhà hảo tâm.

Chị Trần Thanh Vân, người trực tiếp chăm sóc cho cháu Dua những ngày ở Hà Nội chia sẻ: “Cứu được một mảnh đời là ươm mầm thiện cho tương lai, rất mong cộng đồng chung tay giúp đỡ bà con vùng cao bớt khó khăn”.

Không chỉ cứu chữa cho các bệnh nhân nghèo, nhóm Hành trình niềm vui tiếp tục hành trình về những nơi gian khó, nhóm vừa vận động quyên góp, thực hiện chương trình khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho 1.000 bà con thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tại xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang)

MỚI - NÓNG