Một ví dụ về quản lý đại học

Một ví dụ về quản lý đại học
TP - Quốc hội đang bàn về chất lượng đại học. Đại học Quảng Bình là một ví dụ. Thanh tra liên ngành do UBND tỉnh Quảng Bình thành lập vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện trường ĐH Quảng Bình (ĐHQB). Nội dung kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm.
Thông báo thu tiền sai quy định do bà Lê Thị Hoài Thu –Phó hiệu trưởng Đại học Quảng Bình ký
Thông báo thu tiền sai quy định do bà Lê Thị Hoài Thu
–Phó hiệu trưởng Đại học Quảng Bình ký.


Thiếu hiểu biết hay cố ý?

Trong các giải trình liên quan các sai phạm ở trường ĐHQB, ông Nguyễn Huỳnh Phán, Hiệu trưởng trường cho rằng do thiếu hiểu biết về các quy định của Nhà nước nên đã... lỡ sai và đổ tội cho cấp dưới tham mưu. Cách này giúp ông Phán thoát nhiều lỗi lớn.

Ngoài việc ban hành một quy chế chi tiêu nội bộ phạm luật, làm lợi cho ê kíp của mình dẫn đến chi sai gần 700 triệu đồng, với tư cách là chủ tài khoản, ông Phán còn ký quyết định cho phép các khoa, phòng tự ý thu tiền của học sinh, sinh viên nhưng không nộp vào quỹ tiền mặt của nhà trường mà để lại chi tiêu riêng với số tiền hàng tỷ đồng.

Nhằm tránh việc các cơ quan chức năng thanh kiểm tra, ông Phán đã ban hành nhiều quyết định, thông báo không ghi số văn bản quy định nhằm để “lưu hành nội bộ” về thu phí cấp phát bằng, chứng chỉ, bảng điểm đối với học sinh, sinh viên; mức thu lệ phí của thí sinh dự thi tuyển giảng viên... Các khoản thu này (hơn 1,4 tỷ đồng) không nằm trong danh mục quy định phí và lệ phí của Nhà nước và của HĐND tỉnh Quảng Bình.

Ngoài ra, nhiều chứng từ liên quan tiền bạc, nhiều bảng kê thu tiền trực tiếp của học sinh, sinh viên cũng được ông Phán chỉ đạo tẩy xóa, sửa chữa ngày tháng để hợp thức thời gian nộp chậm giữa bảng kê và phiếu thu với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Cán bộ, giáo viên trường ĐHQB cho rằng, ông Phán cố ý làm trái chứ không phải thiếu hiểu biết. Điển hình việc tuyển sinh năm 2008. Công văn của Bộ GD&ĐT gửi trường ĐHQB nêu: “Trường chỉ được vận dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực tối đa là 1 điểm; mức chênh lệch điểm trúng tuyển theo đối tượng là 1 điểm theo quy định của quy chế”.

Nhưng để tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐHQB lại áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực là 2 điểm, sau giảm còn 1,5 điểm, nâng điểm chênh lệch giữa 3 khu vực tối đa lên 4,5 điểm và mức chênh lệch điểm trúng tuyển theo đối tượng cũng được nâng lên 2 điểm. Với cách tính điểm này, nhiều thí sinh có tổng số điểm 3 môn thi từ 6 đến 8 điểm cũng được công nhận trúng tuyển.

Đã thu sai thì không có chi đúng

Trong kết luận thanh tra của đoàn liên ngành, khi phân tích các khoản thu sai của trường ĐHQB thường có câu: Tuy nhiên, các nội dung chi, mức chi đều thực hiện theo dự trù và quy chế chi tiêu nội bộ; có chứng từ đầy đủ...

Khi được hỏi về những khoản thu chi sai phạm ở trường ĐHQB, một chuyên gia tài chính khẳng định: “Đã thu sai thì không có chi đúng”.

Theo chuyên gia này, trường ĐHQB hoạt động dưới hình thức đơn vị sự nghiệp có thu. Mọi khoản thu đều được thể hiện rõ trên hóa đơn chứng từ kế toán để tài chính căn cứ cấp bù ngân sách hàng năm. Việc thu trong khuôn khổ cho phép và ngân sách cấp bù hàng năm của tài chính đảm bảo đủ để trường này hoạt động. Việc viện ra lí do để thu thêm ngoài quy định là vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự.

MỚI - NÓNG