Trên 90% tốt nghiệp : Lãng phí lớn ?

Trên 90% tốt nghiệp : Lãng phí lớn ?
TP - Ở châu Âu, 60% số học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào học tại các trường học nghề. Còn ở ta thì hơn 90% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, và hơn 50% trong số đó lao vào ĐH, gây nên cảnh thừa thầy, thiếu thợ, làm lãng phí cho xã hội - Phó Tổng cục trưởng Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) Dương Đức Lân phân tích.
Liệu bao nhiêu phần trăm các sĩ tử đỗ tốt nghiệp THPT thực sự có đủ năng lực học tiếp lên ĐH, bao nhiêu trong số họ muốn học một cái nghề đến nơi đến chốn. Ảnh minh họa : Minh Đức
Liệu bao nhiêu phần trăm các sĩ tử đỗ tốt nghiệp THPT thực sự có đủ năng lực học tiếp lên ĐH, bao nhiêu trong số họ muốn học một cái nghề đến nơi đến chốn. Trong ảnh : Cảnh sĩ tử thi tốt nghiệp THPT 2010 tại Hà Nội. Ảnh : Minh Đức.


Không cần công nhân biết tích phân

Có người cho rằng, HS phải nhồi những kiến thức cao cấp như số phức, tích phân…thì ra đời mới làm được việc. Nhưng ở các doanh nghiệp thì công nhân không cần phải có những kiến thức như vậy.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Cty Cổ phần cao su Sao Vàng khẳng định: “Công nhân chỉ cần biết cộng, trừ, nhân, chia”, miễn là họ có tay nghề tốt, làm được việc. Cũng với quan điểm này, bà Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Lao động Cty Giầy Thượng Đình, Hà Nội rất ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi: “Công nhân ở Cty của chị có cần biết tích phân không?”. Vì theo bà Mai, công nhân không cần đến những kiến thức ở mức độ đó, mà chỉ cần thành thạo công việc được giao.

Khi mà hàng trăm nghìn thí sinh tốt nghiệp THPT nhưng lại thi trượt ĐH, rồi quay sang học nghề cũng không xong thì sẽ gây nên lãng phí cho xã hội. Các trường dạy nghề và doanh nghiệp đều khẳng định: công nhân chỉ cần những kiến thức cơ bản học hết lớp 9 là đủ điều kiện để theo học nghề và ra làm công nhân.

Công nhân thu nhập cao nhưng ít người theo

Cả nước : 92,57% đỗ tốt nghiệp

Theo thống kê của Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước năm nay là 92,57%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT 66,7%. Năm ngoái, các con số này lần lượt là 83,8% và 39,6%.

Năm 2009, nhiều địa phương như: Sơn La có kết quả tốt nghiệp THPT thấp nhất nước (38,76%) thì năm nay đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 92,07%; Tuyên Quang từng có kết quả thi tốt nghiệp vào diện thấp nhất nước trong một số năm trước thì năm nay đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp khoảng 95%…

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT thì kỳ thi tốt nghiệp năm nay diễn ra nghiêm túc. Điều này biểu hiện ở số thí sinh và giám thị vi phạm kỷ luật bị lập biên bản giảm rất nhiều so với những năm trước trong bối cảnh cả nước vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động hai không.

“Lương trung bình là 4-5 triệu đồng/người, riêng nghề hàn thì công nhân có thể đạt mức lương 10 triệu đồng/tháng” – ông Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH cho biết về mức lương của những người học tại các trường nghề của Bộ sau khi ra trường.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lân, loại hình đào tạo này chưa thu hút được HS, mặc dù cơ sở vật chất của các trường nghề được đầu tư tốt. “Nhiều khi, sinh viên Bách khoa còn phải sang trường chúng tôi mượn các thiết bị thực hành” - một vị lãnh đạo trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội khẳng định.

Giải thích về thực tế này, Phó Vụ trưởng Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - Phạm Như Nghệ cho rằng, vì chúng ta còn sính bằng cấp, nên những ai học ĐH thì được xã hội coi trọng hơn. “Người ta khoe con mình đỗ ĐH chứ chả ai khoe con mình giỏi nghề điện hay cơ khí” – ông Nghệ nói.

ĐH kém chất lượng mở tràn lan giết chết trường dạy nghề

Phó Tổng cục trưởng Dạy nghề, ông Dương Đức Lân cho rằng, thế giới cũng sính bằng cấp, nhưng họ phân luồng lao động tốt hơn ta, vì ngay từ bậc THCS, họ đã ấn định tỉ lệ vào THPT. “Ở châu Âu, chỉ tiêu học sinh vào THPT là 30-40%, lấy từ cao xuống thấp xét về trình độ” - ông Lân cho biết.

Theo vị phó Vụ trưởng này thì, Nhà nước phải can thiệp, khống chế lượng học sinh vào THPT, để hướng những người còn lại vào các trường nghề.

Nhưng hiện nay, chúng ta không những không hạn chế bậc ở bậc THPT mà còn mở tràn lan trường ĐH. “ĐH mở ra rồi thì làm sao phân luồng? - Nếu được học ĐH thì chẳng có ai lại đi học nghề!” – Ông Nghệ nêu nghịch lý.

Mặt khác, việc quá nhiều thí sinh thi vào THPT cũng gây bao căng thẳng cho xã hội. Ngay hôm nay, gần 84 nghìn HS Hà Nội sẽ thi vào THPT. Theo nhiều phụ huynh thì kỳ thi này còn cam go hơn thi ĐH, vì thi ĐH trượt thì các em có thể thi lại, chứ thi vào THPT công lập không xong thì gia đình sẽ rất lo vì con họ sẽ phải học trường dân lập khó thi đỗ ĐH hơn.

Công nhân mới trực tiếp tạo ra sản phẩm

Ông Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH: Ở Đức, cứ 10 người thì có 7 người đi học nghề từ bậc THCS, 3 người học lên ĐH. Còn Việt Nam thì chưa đến 30% số lao động được qua học nghề…

Chính những người học nghề, sau này mới trực tiếp tạo ra sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam. Hiện nay, khoa học công nghệ của chúng ta chưa có đóng góp gì đáng kể.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.