Hà Nội dự kiến tăng học phí gấp 5 lần

Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, nhất là đối với khu vực nông thôn
Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, nhất là đối với khu vực nông thôn
TP - Kỳ họp HĐND TP Hà Nội vào tuần tới sẽ bàn về việc thu, sử dụng học phí ở trường phổ thông công lập. Dự kiến mức học phí đối với học sinh ở nội thành sẽ tăng tới 5 lần.
Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, nhất là đối với khu vực nông thôn
Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, nhất là đối với khu vực nông thôn . Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng ban Văn hoá xã hội (HĐND TP) cho biết, thực hiện Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh học phí là cần thiết phải làm. Tuy nhiên, tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, được đông đảo cử tri quan tâm, nên phải xem xét kỹ lưỡng mức điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện của từng khu vực nội, ngoại thành, phù hợp với thu nhập của người dân.

Ông
Ông Nguyễn Đức Toàn - Trưởng Ban Văn hóa xã hội

Cụ thể, mức đề xuất tăng học phí giữa các bậc học phổ thông công lập như thế nào, thưa ông?

Tờ trình phương án tăng học phí ở các bậc học mà UBND TP đề xuất, phân ra 3 mức học phí, trong đó thành thị một mức chung, còn nông thôn chia 2 mức (một mức cho các em có cha mẹ làm nghề nông, một mức cho các em có cha mẹ làm nghề khác).

Đối với bậc học mầm non, ở khối mẫu giáo, mức thu theo đề án đề xuất với học sinh ở khu vực thành thị là 160.000 đồng/học sinh/tháng; học sinh ở khu vực nông thôn sẽ thu theo hai mức 30.000đồng/học sinh/tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp); mức 50.000 đồng/học sinh/tháng (có cha hoặc mẹ làm nghề khác).

Tương tự, mức thu đối với khối nhà trẻ ở khu vực thành thị được đề xuất 175.000 đồng/học sinh/tháng; ở khu vực nông thôn sẽ thu 35.000 đồng/học sinh/tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp) và thu 70.000 đồng/ học sinh/tháng (có cha hoặc mẹ làm nghề khác).

Với khối THCS, mức thu ở khu vực thành thị sẽ là 100.000 đồng/học sinh/tháng; ở khu vực nông thôn sẽ thu 30.000 đồng/học sinh/tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp) và thu 50.000 đồng/học sinh/tháng (có cha hoặc mẹ làm nghề khác).

Theo đề xuất, bên cạnh việc tăng mặt bằng học phí, sẽ có 15 xã thuộc các khu vực khó khăn nhất của huyện như, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức... được miễn, giảm học phí theo quy định. 

Đối với khối THPT, mức thu ở khu vực thành thị sẽ là 120.000 đồng/học sinh/tháng và ở khu vực nông thôn sẽ thu theo hai mức 35.000 đồng/học sinh/tháng (cha và mẹ làm nông nghiệp) và 55.000 đồng/học sinh/tháng (cha và mẹ làm nghề khác).

Vậy, HĐND TP đánh giá thế nào về mức đề xuất trên?

HĐND TP đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến cử tri tại nhiều địa phương. Chúng tôi cũng đã làm việc trực tiếp với Sở GD&ĐT - đơn vị được thành phố giao soạn thảo tờ trình. Qua các cuộc tiếp xúc, nhìn chung, ý kiến cử tri, đông đảo nhân dân đồng tình với chủ trương phải tăng học phí, nhưng vẫn băn khoăn với các mức điều chỉnh.

Một số cử tri cho rằng, không để tăng học phí ảnh hưởng đến việc học của con em họ. Một số đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ, tính toán làm sao để mức tăng thấp xuống. Cụ thể, nếu điều chỉnh, mức tăng tối đa không quá 1,5 đến 2 lần, thay vì tăng tới 4-5 lần. Ngoài ra, cử tri cũng chưa hài lòng với việc chia hai nhóm ở khu vực ngoại thành, nông thôn mà chỉ nên xây dựng một mức chung.

Có nghĩa căn cứ để tăng học phí chưa rõ, thưa ông?

Theo Nghị định 49, các địa phương được phép tự tính toán mức tăng học phí với nhóm trường học công lập dựa vào tình hình kinh tế, xã hội và mức học phí đóng không quá 5% mức thu nhập bình quân tại địa phương.

Về căn cứ để tính học phí này, Cục Thống kê Hà Nội đã chia thu nhập của người dân thành 3 nhóm (nhóm 1 là nội thành, 2 nhóm còn lại ở ngoại thành). Còn theo lý giải của Sở GD&ĐT, chia như vậy nhằm đảm bảo học sinh có cha mẹ là nông dân sẽ có mức đóng học phí thấp nhất.

Tuy nhiên, nhiều cử tri đang thắc mắc về con số này và cho rằng thu nhập thực tế của họ thấp hơn. Chắc chắn HĐND TP trong kỳ họp này sẽ thảo luận rất kỹ vấn đề này, làm rõ căn cứ đề xuất, làm sao mức tăng học phí phù hợp với điều kiện của từng vùng.

MỚI - NÓNG