Chương trình tiên tiến đang thụt lùi?

Sinh viên trong giờ thí nghiệm tại ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hồ Thu
Sinh viên trong giờ thí nghiệm tại ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hồ Thu
TP - Được rót kinh phí hàng trăm tỷ đồng, song qua 4 năm triển khai, chương trình đào tạo tiên tiến ở bậc đại học vẫn chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Nhiều ngành đào tạo thiếu sinh viên, chất lượng đào tạo cũng không nhỉnh hơn so với chương trình… chưa tiên tiến.
Sinh viên trong giờ thí nghiệm tại ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hồ Thu
Sinh viên trong giờ thí nghiệm tại ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hồ Thu.

Cả nước hiện có 23 trường ĐH triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo tiên tiến (CTTT) hợp tác với 22 trường ĐH trên thế giới, theo chủ trương đổi mới giáo dục đại học VN giai đoạn 2006-2020, theo đề án đã được chính phủ phê duyệt.

Mang tiếng là CTTT, nhiều ngành kỹ thuật rất khó tuyển sinh và luôn trong tình trạng “ăn đong” sinh viên. TS Tôn Thất Dụng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho biết, trường được giao đào tạo CTTT cho ngành Vật lý. Nhà trường chỉ chủ trương mỗi năm tuyển 30 sinh viên (SV) nhưng chưa bao giờ tuyển đủ. Số luợng SV giảm dần theo các năm và đến khóa thứ 4 mới đây có 21 người đỗ thì chỉ có 7 SV vào học.

Theo ông Dụng, trở ngại lớn nhất là SV chưa nhận thức đầy đủ về CTTT, vật lý là môn khoa học cơ bản nên khó xin; không có kinh phí mời giảng viên nước ngoài nên phải sử dụng giáo viên tại chỗ...

Ngoại trừ các trường có ngành đào tạo “ăn khách” như ĐH Ngoại thương Hà Nội có thể thu học phí cao lên tới vài chục triệu đồng/năm/sinh viên, nhiều trường triển khai CTTT phải đào tạo các khóa sau bằng chính kinh phí của trường. Sinh viên chỉ được học giảng viên nước ngoài những năm đầu, bởi kinh phí thuê dạy quá tốn kém.

Lấy ví dụ số giảng viên của CTTT khóa tuyển sinh 2006 chỉ đạt 50% so với kế hoạch của các trường. Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội mời được 9 lượt giảng viên cho 2 CTTT trong 3 khóa, ĐH Cần Thơ có 16 lượt giảng viên cho 2 khóa...

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để triển khai chương trình đào tạo tiên tiến và các chương trình mới thì ngành GD&ĐT phải đảm bảo 5 sẵn sàng: sẵn sàng về ý chí - coi đây là thời cơ để đổi mới; sẵn sàng đổi mới quản lý để tiếp thu và triển khai chương trình; sẵn sàng cán bộ có trình độ; sẵn sàng về tài chính; sẵn sàng để chọn đối tác.

Ông Phạm Quang Trung, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân HN, để CTTT thực sự tiên tiến cần phải thay đổi nhận thức của giảng viên, người quản lý và đội ngũ thực hiện phải mang tính chuyên nghiệp. “Các trường không nên quá phụ thuộc vào kinh phí của Bộ GD&ĐT. Nếu phụ thuộc, khi hết đề án, CTTT sẽ không tồn tại”, ông Trung nói.

Ông Trương Trí Hiền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM đề nghị cần phải tái cấu trúc lại các môn học trong chương trình đào tạo để giúp các sinh viên có điều kiện tự học nhiều hơn. Tuy nhiên, việc “duy trì phong độ” sau khi đề án kết thúc vẫn là câu hỏi lớn nhất.

Hiện có hơn 2.000 SV theo học CTTT, số tiền đầu tư cho chương trình là 860 tỷ đồng được cho là quá nhiều. Nhưng ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM lạc quan nhìn nhận: “Đây là sự đầu tư cho tương lai, bởi mục tiêu của CTTT là tính hiệu quả, bền vững và lan tỏa sang toàn bộ các trường ĐH, các chương trình đào tạo ở Việt Nam.

Ông Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG HN đồng quan điểm: Cái được lớn nhất của CTTT là sau khi đề án kết thúc, đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy đã thay đổi hẳn. Tuy nhiên, để duy trì chương trình này, các trường đào tạo khoa học cơ bản đều đề nghị phải hỗ trợ kinh phí đào tạo sau khi đề án kết thúc.

MỚI - NÓNG