Phải đào tạo lại giáo viên mầm non

Phải đào tạo lại giáo viên mầm non
TPO - Liên quan đến vụ cô giáo nhốt học sinh 4 tuổi ở nhóm trẻ tư thục Hoa Lan (quận Tân Phú, TP.HCM) và nhiều vụ hành hạ học sinh khác, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn, phải đào tạo lại.

>> Mẹ cháu bé bị thang máy cuốn hoảng loạn
>> Trẻ bốn tuổi suýt chết vì bị cô giáo nhốt trong thang máy 

dsfdsf
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội

Chưa thổi chín nồi cơm đã dạy mẫu giáo

Thưa ông, một số tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây như cháu bé ngã xuống ao dẫn đến tử vong, cô giáo nhốt học sinh vào thang máy khiến cháu hoảng loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe…, ý kiến của ông như thế nào?

Tôi nghĩ, có lẽ, cô giáo không ác ý để làm việc đó, nhưng vì không được đào tạo, không hiểu biết về tâm, sinh lý của trẻ, dẫn đến áp đặt, cháu không ăn thì đe nẹt. Nhưng dọa đến nỗi làm cháu bị thương khắp người, hoảng loạn tinh thần như thế thì quá dã man.

Có nhiều ý kiến cho rằng, vì lương thấp, giáo viên không tận tâm với học sinh và để xảy ra những chuyện đáng tiếc?

Tôi không nghĩ như vậy. Nếu vì lương, người ta đã chọn làm việc khác. Đây là vấn đề lương tri của nghề làm thầy. Anh chấp nhận nghề rồi thì không thể làm qua quýt, vô trách nhiệm. Nhiều khi càng nhiều tiền càng vô trách nhiệm chứ không phải cứ có nhiều tiền là có trách nhiệm.

Phần lớn giáo viên dạy mẫu giáo ở nước ta vẫn chưa được trang bị nhiều về tâm lý học, thưa ông?

Đúng là các trường vẫn coi thường, chưa trang bị đủ. Giáo viên mầm non phải học kĩ tâm lý lứa tuổi của trẻ từ 3 - 5 tuổi, từng tuổi phát triển như thế nào, biểu hiện tâm lý ra sao. Mỗi cháu một nết, đến lớp, cô giáo bắt đồng đều như nhau là không đúng.

Thực ra, chuyên môn của mẫu giáo đâu có nhiều, trẻ mẫu giáo đâu phải học nhiều, nhưng giáo viên lại phải biết để dạy các cháu tìm hiều tự nhiên, tìm hiểu xã hội, giao tiếp ứng xử với bạn bè.

Giáo viên mầm non của chúng ta chỉ nặng về dạy chữ cái, giờ lại dạy thêm những câu tiếng Anh. Nó không phải là mục tiêu của mẫu giáo. Dạy mẫu giáo khó lắm, nhiều giáo viên tôi nói đùa là chưa thổi chín nồi cơm mà đi dạy mẫu giáo là không được. Tức là giáo viên mà không hiểu biết cuộc sống, là người trưởng thành chưa hoàn thiện mà lắp vào làm cô mẫu giáo thì làm làm sao được, có chất lượng sao được.

Không thể “tráng qua” sư phạm

Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính của một số tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây như: cô giáo dán băng keo vào miệng trẻ dẫn đến tử vong, học sinh úp mặt vào ca nước trong nhà vệ sinh?

Theo tôi đó là đào tạo của chúng ta chưa đến nơi đến chốn. Tất nhiên, chúng ta chỉ đổ lỗi cho trường sư phạm không thì chưa đủ, nhưng mỗi trường sư phạm phải đào tạo lại giáo viên, cập nhật chương trình huấn luyện,

Đào tạo giáo viên không chỉ có kiến thức, phương pháp sư phạm mà phải dấy lên tinh thần yêu nghề, có tấm lòng với trẻ. Học sinh phải được tôn trọng chứ không thể chỉ thầy cô áp đặt.

Khâu đầu tiên chúng ta cần nghĩ đến là đào tạo. Khi cấp phép trường mầm non, giáo viên phải được kiểm tra. Không thể học ở đâu đó về, một hai tháng, được cấp chứng chỉ sư phạm, là cho dạy ngay. Những giáo viên đó phải được đào tạo tiếp, như nghề luật sư, có đoàn luật sư, phải có thời gian đi thực tế, người ta chứng nhận lúc đó mới có giấy phép hành nghề.

Tôi cho rằng, giáo viên cũng phải có giấy phép hành nghề. Không phải học tráng qua sư phạm rồi được làm ngay.

Những học sinh mầm non bị tai nạn thời gian gần đây đều ở nhóm trẻ tư thục. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

"Đào tạo giáo viên không chỉ có kiến thức, phương pháp sư phạm mà phải dấy lên tinh thần yêu nghề, có tấm lòng với trẻ. Học sinh phải được tôn trọng chứ không thể chỉ thầy cô áp đặt" - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm.

Hiện nay, chúng ta đang phát triển trẻ mầm non năm tuổi, tạo điều kiện cho trường mầm non tư thục phát triển. Cho người ta mở trường nhưng không kiểm soát được giáo viên, cứ mở trường ồ ạt thì làm gì đủ giáo viên. Theo tôi, như thế cực kì nguy hiểm. Những người được đào tạo để trông trẻ mà không hiểu biết gì thì trẻ biết bấu víu vào đâu? Cô là mẹ nhưng làm như thế là… hổ báo, làm sao mà chấp nhận được.

Ở đây chúng ta xem xét quy chế mở trường, đào tạo giáo viên mầm non. Với trẻ, phải có tình thương trước đã rồi không có hiều biết vẫn điều chỉnh được. Còn giáo viên không có tình thương ngay từ đầu nên mới dám làm liều như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, do chúng ta cho mở trường ồ ạt nhưng không kiểm soát được chất lượng về giáo viên?

Theo tôi, tất cả các trường học phải có trách nhiệm đào tạo lại giáo viên của mình. Lỗi giáo viên, hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm không kém so với “đương sự”. Chúng ta phải đưa ra cái chuẩn, không hiệu trưởng cứ lấy bừa người, không huấn luyện, chỉ bảo. Để xảy ra việc như thế, dứt khoát giáo viên đó phải bỏ nghề.

Đối với trường hợp nhốt trẻ trong cầu thang máy, sau khi sự việc xảy ra, phường phối hợp với phòng giáo dục Tân Phú (TPHCM) ra quyết định đình chỉ giáo viên và hoạt động nhóm trẻ này một thời gian. Ông có nghĩ biện pháp này đủ mạnh?

Tôi cho là đúng. Cô ấy đã đẩy cháu bé bị tổn thương nghiêm trọng. Theo tôi những hành vi đó phải bị trừng trị rất nghiêm vì xâm hại thân thể của cháu, dẫn đến hoảng loạn như thế rất nguy hiểm, nhất là cháu bé mới bốn tuổi, chưa có khả năng tự vệ.

Quan điểm của tôi là cô giáo đó vĩnh viễn không được hành nghề, không thể là thương xót rồi lại cho đi huấn luyện.

Vấn đề nữa là phải xử lý hiệu trưởng. Giáo viên nào chưa đúng, chưa có lương tâm, chưa được đào tạo đến nơi đến chốn thì nhà trường phải đào tạo lại cho họ. Nếu ai làm người ấy chịu thì làm sao mà xử lý hết được.

Tôi cho rằng, giải pháp đó là nghiêm túc. Bởi vì, cần đình chỉ để rà soát lại đội ngũ giáo viên ở đó xem được đào tạo bài bản chưa, làm sao lại xảy ra tình trạng sai sót như thế.

Nhưng đình chỉ đến bao giờ, khi nào được mở, mở ra sao, xây dựng lại đội ngũ thế nào, bổ nhiệm hiệu trưởng ra sao là chuyện khác. Vì một chuyện đó mà xóa hẳn một trường là không được, nhưng đình chỉ để tổ chức, sắp xếp lại để không có trình trạng đau xót xảy ra với các cháu nữa.

Thưa ông, đâu là giải pháp để cho học sinh mầm non không còn là nạn nhân trong những vụ tai nạn khủng khiếp?

Theo tôi, nên tập trung vào ba vấn đề.

Thứ nhất là lòng yêu nghề của giáo viên. Từ yêu nghề, người ta tự bồi dưỡng và làm tốt>

Thứ 2, phải thường xuyên làm công tác bồi dưỡng về tâm lý học, nắm vững tâm lý của trẻ. Trau dồi nghề nghiệp bằng cách dự giờ, để giáo viên được trình bày giờ dạy tốt, không bắt ép mỗi năm dạy 1 - 2 tiết, rồi đóng kịch, hoan hô nhau.

Thứ ba là chính sách tiền lương, đừng để giáo viên sống dưới mức bình thường, làm sao bắt người ta làm tốt được. Nhiều giáo viên miền núi không có nhà cho người ta ở, tôi thấy kì lạ. Giáo viên mầm non phải đi cấy, đi cày, hưởng lương thấp. Chúng ta không thể vô trách nhiệm như vậy.

Các trường tư thục cần có bảng lương hẳn hoi chứ không phải nhà trường trả bao nhiêu giáo viên chịu bấy nhiêu là phi lý. Lương cao thì giáo viên đâu có dạy lơ mơ được.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Trực thăng vũ trang tổng duyệt trên bầu trời Điện Biên
Trực thăng vũ trang tổng duyệt trên bầu trời Điện Biên
TPO - Sáng 5/5, tại tỉnh Điện Biên, cùng với các khối diễu binh, diễu hành trên mặt đất, các biên đội trực thăng vũ trang của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tham gia chương trình tổng duyệt, trước khi bay trình diễn chính thức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5 tới đây.