Tròng trành thuyền chở chữ tâm thời @

Tròng trành thuyền chở chữ tâm thời @
“Gương mặt vuông vức sáng sủa thế kia nhưng lại để cho cô phải dùng từ ‘tao’ với ‘mày,’ biến cô thành quỷ dạ xoa, còn mình thành một con ma. Nếu bây giờ có một chiếc gương ở sau lưng các em kia, cô soi thì chắc mặt cô cũng phải thành quỷ dạ xoa, điều đó không ai có thể phủ nhận được. Các em thấy ngồi trong lớp mà để cô giáo mình phải so sánh cô như vậy và nói bạn như thế các em có buồn không?”
Các em học sinh chúc mừng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)
Các em học sinh chúc mừng cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN).

Những lời trên của cô giáo T.N, giáo viên dạy Anh văn trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Phú, Hải Phòng gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua không chỉ khiến người nghe ngỡ ngàng về mối quan hệ thầy trò hiện nay mà còn ngỡ ngàng khi đối diện với một tâm trạng xót xa, đầy bất lực của một người thầy đứng trước sự xúc phạm của học trò.

Chiếc thuyền của “người lái đò” thời hiện đại đang tròng trành khi chở một chữ tâm vượt qua con sóng “nhân tình thế thái.”

“Sóng” đánh từ ba phía

Hầu hết các thầy cô giáo đều thừa nhận, làm nghề giáo hiện nay khó hơn cách đây 20 năm rất nhiều. Có rất nhiều áp lực khiến người thầy khó có thể vững tâm khi bước trên bục giảng.

Một trong những áp lực được nhắc tới nhiều nhất hiện nay là thu nhập của giáo viên, đặc biệt là giáo viên hợp đồng với trên dưới một triệu đồng mỗi tháng. Chính đồng lương ít ỏi này khiến giáo viên thay vì chuyên tâm vào việc nâng cao năng lực chuyên môn thì phải lao vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền.

Điều này đã dẫn đến một nghịch cảnh là nhiều khi trò còn “chuẩn” hơn thầy vì các em được bố mẹ, nhất là những gia đình khá giả, đầu tư lớn vào việc học cho con, thuê thầy người nước ngoài dạy ngoại ngữ, học nâng cao trước chương trình. Sự phát triển của hệ thống mạng internet cũng giúp cho nguồn tri thức của học sinh ngày nay mở rộng ra không giới hạn, trong khi người giáo viên bị cuốn theo những lo toan của đời sống thường nhật nên có lúc lạc hậu về kiến thức so với chính học trò.

Theo thầy Trần Quốc Hải, giáo viên dạy tiếng Anh (Yên Thành, Nghệ An) thì thầy đã từng rơi vào tình huống trò hỏi mà mình không trả lời được hoặc bị trò “chỉnh” mặc dù Yên Thành chỉ là khu vực nông thôn, nơi học sinh ít có điều kiện học tập hơn thành phố.

“Điều này khiến giáo viên đôi khi lên lớp giảng bài với tâm trạng căng thẳng, không tự tin, sợ học sinh bắt lỗi và dễ bị chính học sinh gây áp lực lại. Và khi tình huống này xảy ra, giáo viên rất dễ mất bình tĩnh, mất kiểm soát, nhất là với những học sinh ngỗ ngược,” thầy Hải chia sẻ.

Chính cô T.N cũng phải thừa nhận cô “bàng hoàng với chính mình” khi nghe lại đoạn băng ghi âm. Chính thái độ của học trò với ý khiêu khích đã khiến cho người dạy bị kích động cao độ.

Còn thầy Nguyễn Văn Đồng, giáo viên trường Trung học phổ thông Mê Linh (Hà Nội) thì ngậm ngùi chia sẻ: “Nhiều khi học sinh vô lễ, nhưng mình cũng không muốn làm rùm beng lên, vì các em dù sao vẫn chỉ là học trò.”

Tại hội thảo về vấn đề kỹ năng sống của học sinh được tổ chức gần đây, Giáo sư Hoàng Xuân Sính đã vô cùng bức xúc khi nói tới sự yếu kém của đạo đức học sinh: “Chúng tôi rất tốn kém trong việc uốn nắn các em cách xử sự như một công dân. Sinh viên năm thứ nhất vào trường, việc đầu tiên của các em là phải phá trường. Sau một buổi sinh hoạt ở hội trường, các em phá hơn 100 cái ghế. Trường mất gần nửa tỷ với đèn chiếu mà các em bẻ ở các lớp. Các em thích làm ngược, thích học ở nhà ăn, ăn ở thư viện và ngủ trên lớp.”

Tuy nhiên, theo Giáo sư Văn Như Cương, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự vô lễ, ý thức kém của học sinh ngày nay cũng do chính phụ huynh. Từ khi học mẫu giáo, các em đã được bố mẹ đèo đến nhà thầy cô và thấy cô nhận tiền của cha mẹ mình thì sự tôn trọng đã không còn, hình ảnh người giáo viên vì thế đã bị méo mó. Vô tình, phụ huynh lại là người tiếp tay cho sự bào mòn tình nghĩa thầy trò.

Điều này cũng được chính cô T.N nhắc đến khi bức xúc với học sinh: “Các em cứ nghĩ một cách đơn giản, muốn điểm cao thì chỉ cần ngày nọ ngày kia phong bao phong bì cho cô. Nhưng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh.”

Sức ép từ phía phụ huynh, học sinh và từ bản thân, gia đình đã khiến nhiều giáo không cân bằng được giữa công việc và cuộc sống, nhất là những giáo viên trẻ mới vào nghề. Ngay cả những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cũng tâm sự, chính những ứng xử của học sinh và phụ huynh hiện nay, nỗi buồn "nhân tình thế thái" đã khiến họ mệt mỏi và không còn giữ nhiệt huyết với nghề. Tình cảm thày trò, vì thế, cũng nhạt dần.

Vẫn có nhiều chuyến đò cập bến

Mặc dù chịu tác động nhiều mặt của nền kinh tế thị trường, nhưng đi sâu vào từng mái trường, từng lớp học, chúng ta vẫn gặp rất nhiều những “người lái đò” thầm lặng, miệt mài và đầy nhiệt huyết, cần mẫn chở lớp lớp học trò qua sông.

Đó là hình ảnh những thầy cô giáo của trường Trung học phổ thông Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) lội bộ 40 cây số đường rừng để vận động học sinh tới lớp; là hình ảnh cô giáo Y Thách của núi rừng Tây Nguyên mỗi sáng đem bầu, bí, khoai, sắn ra chợ bán đổi lấy gạo, thịt về cải thiện bữa ăn cho học trò.

Ở phía Nam, thầy cô của trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) tất bật, cô đi chợ, thầy xách nước, nấu cơm, bao bọc học trò mỗi mùa thi tới. Đã 5 năm qua, thương học trò ở xa trường phải mang cơm nắm muối vừng đi ăn trưa mỗi khi phải học cả ngày vì ôn thi, các thầy cô giáo nơi đây đã tình nguyện quyên góp đồng lương eo hẹp của mình nấu ăn cho các em.

Để tiết kiệm chi phí tối đa, thầy cô giáo trực tiếp làm đầu bếp. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, cô thủ thư Trần Thị Chinh đã dậy để đi chợ mua đồ về nấu ăn cho học trò. Trong khi các em miệt mài trên lớp thì dưới bếp, các cán bộ, thầy cô không có tiết cũng hối hả nhặt rau, vo gạo, chuẩn bị bữa trưa.

Ngoài miền Bắc là hình ảnh cô giáo Nguyễn Kim Dung, giáo viên trường Tiểu học Bình Nguyên (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) sẵn lòng dạy học miễn phí cho cậu học trò nghèo Phạm Xuân Hà ham học nhưng bị chứng động kinh nên không thể tới trường. Em bị bệnh nên tiếp thu bài không được tốt như học sinh bình thường. Mỗi bài cô phải thật kiên trì giảng đi giảng lại, nhắc đi nhắc lại nhiều lần Hà mới nhớ.

Có những hôm, hai cô trò đang ngồi học thì Hà lên cơn co giật. Cô hoảng quá, ôm chầm lấy, sợ em bị ngã. Lúc tỉnh lại, Hà cố cười gượng trấn an: “Cô ơi, cô đừng sợ! Con tỉnh lại ngay thôi”. Nhưng nói chưa hết câu em lại bị cơn co giật thứ hai. Cơn động kinh của Hà thường vẫn cứ xảy ra hai lần liên tiếp như thế.

Và giữa lòng Hà Nội, vẫn có những tấm gương thầy cô khiến bất cứ ai cũng phải cảm động là thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiện (trường Trung học phổ thông Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) bạc cả mái đầu sau bao đêm trăn trở vì học trò hư. Và cả những “anh giáo, chị giáo” đi dạy không lương cho những trẻ em nghèo nơi xóm bãi sông Hồng…

Giữa khi những giá trị nhân văn đang bị thương mại hóa, những thông tin không mấy tốt đẹp về người giáo viên đang tràn ngập trên mặt báo thì họ đã thắp lên niềm tin về những hình ảnh người cha, người mẹ hiền thứ hai. Và nói như thầy Hiện, “để thuyền cập bến thì quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người cầm lái, vì khi tâm sáng và vững, họ sẽ kéo được học trò, kéo được phụ huynh về cùng phía với mình.”.

Theo Phạm Mai
Vietnam+

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.