Hà Nội: Nóng tuyển dụng giáo viên mầm non

Giáo viên mầm non vẫn chưa được bình đẳng với giáo viên các cấp học phổ thông
Giáo viên mầm non vẫn chưa được bình đẳng với giáo viên các cấp học phổ thông
TP - Gần đây, Hà Nội có nhiều chính sách nhằm vực dậy hệ thống giáo dục mầm non công lập. Tuy nhiên, trong cuộc họp giao ban với một số sở, ban, ngành và các quận, huyện do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 3-12, phần lớn đại biểu vẫn than phiền về việc tuyển dụng giáo viên mầm non.
Giáo viên mầm non vẫn chưa được bình đẳng với giáo viên các cấp học phổ thông
Giáo viên mầm non vẫn chưa được bình đẳng với giáo viên các cấp học phổ thông . Ảnh: Quý Hiên

Khủng hoảng thiếu cán bộ quản lý

Là một thành phố lớn, nhu cầu đi học của trẻ mầm non rất cao nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có tỉ lệ trẻ mầm non đi học thuộc diện cao nhất nước: 85% trẻ mẫu giáo, 25% trẻ nhà trẻ. Đặc biệt, năm học 2010 – 2011, với tỉ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 99,4% so với trẻ trong độ tuổi, Hà Nội là một trong số ít địa phương gần cán đích phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội không chỉ dành một khoản ngân sách rất lớn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp mầm non mà còn đưa ra những chính sách nhằm giúp giáo viên mầm non được bình đẳng với giáo viên các cấp học phổ thông.

Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu các quận huyện trong cuộc họp giao ban cho thấy, từ chính sách tới thực tế tại cơ sở giáo dục là một khoảng cách khá xa. Tiếp tục thiếu giáo viên mầm non là tình trạng không của riêng quận, huyện nào.

Ông Đàm Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho rằng, Sở GD&ĐT cũng như Sở Nội vụ nên có giải pháp về nguồn tuyển khi hiện nay giáo viên mầm non chỉ thích dạy trường tư thục.

Bà Cao Bích Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm xác nhận: “Năm vừa rồi, chính tôi đã phải ký quyết định cho khoảng 10 trường hợp giáo viên chuyển sang công tác tại trường tư thục. Sang đó lương người ta cao hơn, người ta cũng được hưởng các loại bảo hiểm. Chúng ta tuy hơn ở chỗ môi trường làm việc tốt nhưng nếu không tạo cho giáo viên sự yên tâm công tác, chúng ta sẽ tiếp tục không giữ được người”.

Nhiều quận, huyện không chỉ thiếu giáo viên đứng lớp mà ngay cả cán bộ quản lý dù thiếu cũng không được bổ nhiệm. Bà Lã Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, hệ thống giáo dục mầm non cả huyện này chỉ có 62 biên chế, trong đó có 53 cán bộ quản lý.

“Thanh Trì đang thiếu 16 cán bộ quản lý các trường mầm non, trong khi nguồn biên chế còn 9 người nhưng không thể bổ nhiệm vì họ không đủ năng lực. Có những trường mầm non có quy mô khá lớn nhưng chỉ có duy nhất hiệu trưởng”.

Không thể có trường mà không có lãnh đạo nên ở nhiều địa phương vẫn phải bổ nhiệm tạm thời người chưa vào biên chế vào vị trí quản lý trường. Theo thống kê của Sở Nội vụ, cả thành phố hiện có 86 trường hợp như vậy.

Có chỉ tiêu nhưng không... tuyển

Thực hiện đề án Nâng cao chất lượng Giáo dục Mầm non TP Hà Nội đến năm 2015, khoảng 500 trường mầm non bán công của thành phố đều được chuyển sang mô hình trường công lập tự chủ.

Theo định biên của thành phố giao (6 biên chế/ trường), Hà Nội cần tổ chức thi hoặc xét tuyển 3.000 chỉ tiêu biên chế cho những trường mầm non công lập tự chủ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, năm 2009, thành phố vẫn phải “nợ” 500 trường mầm non này 3.000 chỉ tiêu biên chế.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng thắc mắc về việc thành phố đã quyết định năm 2011 hệ thống giáo dục mầm non được tuyển gần 5.000 giáo viên vào biên chế nhằm phục vụ kế hoạch phổ cập mầm non 5 tuổi nhưng cho đến nay các quận/ huyện chưa nhận được quyết định phân bổ chỉ tiêu.

Theo bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố đã giao cho Sở Nội vụ bàn bạc với Sở GD&ĐT khẩn trương giải quyết vấn đề này.

Bà Hằng yêu cầu: chậm nhất là trước 10-1, Sở Nội vụ trình UBND ký duyệt phân bổ chỉ tiêu cho các quận huyện không chỉ 5.000 giáo viên biên chế mầm non mà còn cả với 26.000 giáo viên hợp đồng được hưởng chế độ mọi mặt như giáo viên biên chế. Kèm theo đó là quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển chọn giáo viên mầm non theo quyết định phân bổ.

Theo bà Hằng, UBND TP ủy quyền cho UBND các quận, huyện tự quyết định hình thức tuyển chọn: xét tuyển hay thi tuyển, căn cứ vào điều kiện tình hình thực tế của địa phương. Nếu địa phương chọn phương án xét tuyển thì cần triển khai trước Tết. Theo phương án thi, sẽ tổ chức thi đồng loạt ở cả thành phố, chậm nhất tổ chức thi vào tháng 7 để tháng 8 có kết quả, tháng 9 các trường ổn định nhân sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG