Đề văn gây tranh cãi

Đề văn gây tranh cãi
Đề kiểm tra học kỳ II môn tiếng Việt, phân môn tập làm văn dành cho học sinh lớp 5 của Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ có một câu nhưng đã gây nhiều tranh cãi: “Tả cảnh trường em sau buổi học".

Đề văn gây tranh cãi

Đề kiểm tra học kỳ II môn tiếng Việt, phân môn tập làm văn dành cho học sinh lớp 5 của Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ có một câu nhưng đã gây nhiều tranh cãi: “Tả cảnh trường em sau buổi học".

Học sinh lớp 5/4 Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM vừa dự kiểm tra học kỳ II xong. Ảnh: Như Hùng
Học sinh lớp 5-4 Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM vừa dự kiểm tra học kỳ II xong. Ảnh: Như Hùng.

Ngay sau buổi kiểm tra kết thúc (ngày 17-5), Tuổi Trẻ nhận được khá nhiều email, điện thoại của bạn đọc cho rằng yêu cầu đề thi không rõ ràng, khiến học sinh hiểu sai, dẫn đến làm bài lạc đề.

Không rõ ràng

Ôn “tủ” nên lạc đề?

Ông Lê Ngọc Điệp cho biết: “Tôi biết khi ôn tập một số giáo viên đã ôn “tủ” cho học sinh là “Tả cảnh trường em trong giờ ra chơi”. Do đó khi gặp đề kiểm tra này, học sinh đọc không kỹ nên mới lạc đề. Thật ra sở hoàn toàn có thể ra một đề nằm trong sách giáo khoa.

Những đề như: “Tả cảnh trường em trước buổi học” hay “Tả cảnh trường em trong giờ ra chơi” học sinh sẽ làm đúng hết. Chắc chắn sẽ không có ý kiến phản ảnh nào, học sinh đạt điểm 10 rất nhiều và “vui vẻ cả làng”. Nhưng nếu cứ ra đề theo cách cũ, làm sao rèn luyện được học sinh?”.

Một phụ huynh Trường tiểu học Trương Văn Hải, Q.Thủ Đức phản ảnh rất nhiều học sinh đã tả cảnh giờ ra chơi vì nghĩ đơn giản rằng giờ ra chơi cũng là sau buổi học.

Sau giờ thi, cô chủ nhiệm mới nói với các em rằng ý của đề bài là tả cảnh lúc tan trường. Học sinh nào tả cảnh giờ ra chơi là “lạc đề”.

“Tôi rất bức xúc với cách ra đề này. Cùng một ý, tại sao không ghi “tả cảnh trường em lúc tan trường” hoặc rất nhiều cách đặt câu khác rõ ràng hơn. Với cách xếp loại học lực như hiện nay (kết quả học kỳ II là kết quả học lực của cả năm), đề thi này đã vô tình làm giảm kết quả xếp loại của rất nhiều học sinh” - phụ huynh này đặt vấn đề.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ học sinh ở Q.Thủ Đức mà học sinh tại nhiều quận, huyện khác ở TP.HCM cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Một giáo viên coi thi tại một quận nội thành đã thừa nhận: “Khi thấy quá nhiều học sinh làm lạc đề, chính giám thị phải giải thích cho học sinh hiểu và cho các em làm lại”.

Tương tự, cô L.L - giáo viên ở Q.3 - nhận định: “Từ ngữ trong đề thi không rõ ràng, quá mông lung và gây hiểu lầm cho học sinh. Học sinh của tôi phần lớn học bán trú, có em sau khi đọc đề xong không biết phải tả cảnh giờ ra chơi sau khi học hai tiết, tả cảnh trường sau khi kết thúc buổi học sáng hay buổi chiều khi ra về”.

Chưa kể, một số giáo viên còn cho biết: “Nếu tả cảnh trường sau buổi học, chắc chắn học sinh sẽ sa đà vào việc tả cảnh sinh hoạt. Bởi khi ấy sân trường đông nghẹt học sinh và phụ huynh, nhiều em sẽ tả hoạt động của mọi người khi ấy như thế nào mà quên đi việc tả cảnh. Trong khi đó, nếu xét đúng thể loại văn tả cảnh, miêu tả cảnh vật, cảm xúc của người ngắm cảnh là chính, hoạt động của con người chỉ đưa thêm vài ý cho bài văn thêm sinh động mà thôi”.

Bởi những lý do trên, nhiều giáo viên cho biết đề thi đã gây nhiều tranh cãi cho chính các giáo viên trong trường. Hiện tại mọi người đang hồi hộp chờ đợi đáp án của Sở GD-ĐT TP.

Học sinh khối lớp 5, Q.1, TP.HCM vừa dự kiểm tra học kỳ II. Ảnh: Hoàng Hương
Học sinh khối lớp 5, Q.1, TP.HCM vừa dự kiểm tra học kỳ II. Ảnh: Hoàng Hương.

Đề “mở” và rất thoáng?

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - hiệu trưởng Trường tiểu học Giồng Ông Tố, Q.2 - nhận định: “Với kiến thức của một học sinh lớp 5, các em sẽ hiểu rõ khái niệm “buổi học” và “tiết học”, không thể lạc đề được.

Tuy nhiên, với đề thi “Tả cảnh trường em sau buổi học” sẽ rất khó khăn cho một số học sinh thiếu kỹ năng quan sát, kỹ năng diễn tả sự vật. Bởi vì các em sẽ có ít tư liệu để làm bài. Nhưng với học sinh khá, giỏi các em vẫn làm được”.

Ông Lê Ngọc Điệp - trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM - phân tích: “Ở tuần thứ 32 của năm học 2010-2011, các học sinh lớp 5 đã được học về “Tả cảnh trường em trước buổi học” (trang 144 sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2). Nếu giáo viên nào không dạy cho học sinh nội dung này là lỗi ở giáo viên.

Đề kiểm tra yêu cầu học sinh “Tả cảnh trường em sau buổi học” là hoàn toàn nằm trong chương trình. Sau khi chuông reng hết buổi học, học sinh sẽ xếp bài vở, chào thầy cô giáo, ra sân xếp hàng ra về. Các khối lớp lần lượt đi ra theo thứ tự sắp xếp của ban giám hiệu nhà trường chứ cũng không phải chạy ào ra cổng trường.

Khi đi ra có bạn được cha mẹ đón ngay, có bạn phải ngồi chờ, có bạn được ôtô đón về, có bạn được người nhà đón bằng xe đạp... Như vậy, không thể nói đề kiểm tra trên không gợi mở, học sinh có quá ít tư liệu để làm bài”.

Ông Điệp cũng khẳng định đề kiểm tra trên không yêu cầu thí sinh phải kể ra được nhiều chi tiết, mà quan trọng là miêu tả được hình ảnh của nhà trường sau buổi học, là cảm xúc của học sinh trong hoàn cảnh ấy.

Về ý kiến ngôn ngữ trong đề kiểm tra không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm, ông Điệp cho rằng: “Đây là đề “mở” và rất thoáng, đối với học sinh một buổi/ngày có thể tả cảnh ra về, học sinh hai buổi/ngày có thể tả cảnh sau buổi học sáng, các em được cô bảo mẫu hướng dẫn đi rửa mặt, rửa tay rồi ăn trưa, đánh răng, đi ngủ... Nếu ra đề “Tả cảnh trường em sau giờ tan học” thì chỉ gói gọn trong cảnh học sinh ra về mà thôi”.

Theo Hoàng Hương
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.