Danh mục phụ gia thực phẩm: Bộ Y tế quên cập nhật?

Bao nhiêu phần trăm mỳ ăn liền ở Việt Nam dùng E102? Ảnh: TL
Bao nhiêu phần trăm mỳ ăn liền ở Việt Nam dùng E102? Ảnh: TL
TP - Bản “danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” được Bộ Y tế ban hành năm 2001 dựa trên công bố của quốc tế vào thời điểm đó. Nhưng có dấu hiệu cho thấy, danh mục này không được cập nhật suốt 10 năm qua trong khi quốc tế hầu như cập nhật thường niên.

> E102, đừng đùa
> Không được dùng phẩm vàng E102 trong mỳ tôm

Bao nhiêu phần trăm mỳ ăn liền ở Việt Nam dùng E102? Ảnh: TL
Bao nhiêu phần trăm mỳ ăn liền ở Việt Nam dùng E102? Ảnh: TL.

Cục ATVSTP là đơn vị của Bộ Y tế được giao trực tiếp phụ trách xây dựng và cập nhật “danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”. Trao đổi với PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, được biết đúng là danh mục đó không được cập nhật 10 năm qua.

Quốc tế chuyển động

Lần đầu tiên, năm 1995, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Quốc tế (CODEX) ban hành tiêu chuẩn chung về phụ gia thực phẩm mang ký hiệu Codex 192-1995. Từ đó đến nay, tiêu chuẩn này hầu như năm nào cũng được cập nhật. Vậy mà có ý kiến chỉ dựa vào tiêu chuẩn năm 2006 để đưa ra kết luận về quy định sử dụng phụ gia thực phẩm ở Việt Nam.

Lấy ví dụ phẩm màu vàng tổng hợp E102 mà Tiền Phong liên tiếp phản ánh trong các số báo tuần trước làm ví dụ. Có thể nói E102 nhận được sự quan tâm sát sao của quốc tế liên tục trong các năm. Theo đó, từ chỗ hầu như “không có chuyện gì”, E102 trở thành mối quan ngại của các nhà khoa học và tổ chức quốc tế do phát hiện ra đặc tính kỳ dị của E102.

Ngay từ danh mục năm 2002, CODEX đã đưa các khuyến cáo về E102 và lưu ý có các đề xuất cấm dùng chất này. Trong thông cáo chung của Hội nghị Đại hội đồng CODEX thế giới lần thứ 29 (dự thảo tháng 5- 2006), Tartrazine vẫn nằm trong danh sách các chất phụ gia được phép sử dụng. Tuy nhiên, văn bản ghi rõ “cũng cần lưu ý rằng mức dùng tối đa Tartrazine (tức E102)… có thể được xem xét lại trong tương lai”.

Trong tài liệu chính thức tháng 7-2006, tiêu chuẩn chung của CODEX đã loại bỏ Tartrazine hay còn gọi là E102 ra khỏi danh mục chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Sang năm 2007, tiêu chuẩn CODEX cập nhật cũng không thấy có tartrazine.

Năm 2008, văn bản của CODEX có lưu ý Cộng đồng châu Âu (EC) mặc dù vẫn cho phép dùng E102 nhưng đã hạ mức cho phép có mặt trong thực phẩm xuống thấp hơn tiêu chuẩn của CODEX ban hành năm 2003.

Trên trang web của CODEX, chúng tôi tìm thấy thông tin “Tiêu chuẩn chung về phụ gia thực phẩm” được cập nhật tại hội nghị đại hội đồng CODEX thế giới lần thứ 33 (tháng 7-2010). Trong trang này, vào danh mục các chất phụ gia thì vẫn có chữ Tartrazine. Nhưng khi nhấn vào hạng mục Tartrazine thì hiện ra thông tin trong đó có dòng chữ “Hiện không có quy định của CODEX cho Tartrazine”.

Còn với Hội nghị Đại hội đồng CODEX thế giới lần thứ 34 vừa kết thúc như nêu trên, không rõ chất này đã được cập nhật trở lại vào danh mục cho phép hay chưa. Nhưng theo dự thảo cho hội nghị này, quy định mức dùng tối đa (ML) của E102 hay Tartrazine đã giảm còn 100mg/kg từ mức trung bình 200 mg/kg thể trọng. Trong phần diễn giải quy định phụ gia dùng trong thực phẩm, không thấy nhắc tới Tartrazine nữa.

Tính đến thời điểm hiện nay, văn bản CODEX 2010 vẫn là văn bản cập nhật nhất mà, theo đó, Tartrazine không được phép sử dụng.

Mỳ tôm không có trong danh mục 26 nhóm thực phẩm được phép dùng phẩm màu vàng tổng hợp E102 Ảnh: Quốc Dũng
Mỳ tôm không có trong danh mục 26 nhóm thực phẩm được phép dùng phẩm màu vàng tổng hợp E102. Ảnh: Quốc Dũng.
 

10 năm vẫn chạy tốt?

Một trong những căn cứ để Bộ trưởng Y tế ban hành Quyết định Số 3742/2001/QĐ-BYT về việc ban hành “Quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” là “Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm”. Danh mục đính kèm quyết định này là để thay thế “Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm” ban hành năm 1998. Các tiêu chuẩn ban hành trong danh mục chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn của CODEX.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa đủ sức để tự ban hành một bộ tiêu chuẩn quốc gia căn cứ vào thể trạng người Việt Nam và các điều kiện khác ở Việt Nam. Tiến bộ mới nhất mà Việt Nam đạt được là tại Hội nghị Đại hội đồng CODEX tổ chức ở Geneva, Thụy Sỹ tuần trước là: Lần đầu tiên Việt Nam chủ trì và cùng nước láng giềng Thái Lan biên soạn thành công một tiêu chuẩn quốc tế về nước mắm.

Việt Nam còn trình dự thảo về mức giới hạn tối đa melamine trong thức ăn lỏng cho trẻ sơ sinh nhưng chưa được thông qua.

Nói qua như thế để thấy, một mặt, Việt Nam vẫn còn phải phụ thuộc quốc tế để ban hành bộ tiêu chuẩn thực phẩm cho mình; mặt khác, một tiêu chuẩn ban hành hoặc chưa ban hành có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và cả sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, 10 năm nay, danh mục phụ gia thực phẩm không cập nhật, thay đổi để phù hợp với hướng dẫn của quốc tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".