Đổi mới tuyển sinh: Đột phá ở khâu nào?

Đổi mới tuyển sinh là để chọn đúng con người phù hợp, tốt nhất vào đại học Ảnh: Hồ Thu
Đổi mới tuyển sinh là để chọn đúng con người phù hợp, tốt nhất vào đại học Ảnh: Hồ Thu
TP - Muốn đổi mới tuyển sinh, việc đầu tiên là phải xác định đổi mới để làm gì và phải thống nhất cao độ trong toàn hệ thống; phải đặt đổi mới tuyển sinh trong việc đổi mới toàn diện nền giáo dục đại học.

> 12 trường đại học công bố điểm thi

Đổi mới tuyển sinh là để chọn đúng con người phù hợp, tốt nhất vào đại học Ảnh: Hồ Thu
Đổi mới tuyển sinh là để chọn đúng con người phù hợp, tốt nhất vào đại học. Ảnh: Hồ Thu.
 

Thực ra, từ năm 2002 Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) đã đề xuất về sự cấp bách của việc đổi mới thi tuyển sinh và vấn đề này cũng được nhắc đi nhắc lại trong 10 năm qua. Vì vậy, vấn đề nằm ở câu hỏi: có thực sự muốn đổi mới hay chưa và sau đó mới là đổi mới như thế nào.

Lập ngân hàng đề thi đủ lớn

Bấy lâu nay người ta thường đặt vấn đề đổi mới tuyển sinh ĐH là để tiết kiệm, là để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, cho thí sinh… Như vậy có đúng hướng hay không? Theo tôi phải đặt đổi mới tuyển sinh là để nâng cao chất lượng thì bài toán mới được đặt đúng tầm của nó: đổi mới tuyển sinh là để chọn đúng người có năng lực phù hợp nhất, tốt nhất để vào học ĐH, CĐ, sau ĐH…

Nội dung cốt lõi của đổi mới thi cử là phải xây dựng được một bộ đề kiểm tra năng lực (phân tích tổng hợp, sáng tạo, giải quyết vấn đề) chứ không tập trung kiểm tra kiến thức như các đề thi hiện nay. Tất nhiên bộ đề đó cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa trắc nghiệm khách quan với đề thi tự luận và phải bao hàm các kiến thức lớn bao trùm: Toán, Văn, Lịch sử, ngôn ngữ, Hóa học, Vật lý…Chỉ một đề duy nhất và không cần các khối A, B, C, D, E… lằng nhằng.

Sau đó, những trường mang tính chuyên biệt về năng khiếu sẽ có phần kiểm tra riêng năng khiếu bên cạnh việc kiểm tra năng lực có thể bổ sung thêm. Khi ngân hàng đề đủ lớn, máy tự đảo các câu hỏi theo yêu cầu khác nhau, ví dụ bao nhiêu phần trăm câu hỏi năng lực sáng tạo, bao nhiêu phần trăm năng lực phân tích, tổng hợp… Số lượng câu hỏi phải đủ lớn.

Hiện nay chúng ta đang đặt ra vấn đề tạo ít áp lực, thi ít thôi là chưa đúng. Phải đặt ra một kỳ thi kiểm tra năng lực thực sự, trong đó có kiểm tra năng lực chịu áp lực trong thời gian 3 tiếng, kiểm tra trí tuệ, sức khỏe, tâm lý…

Kiểm tra thế nào để sau này ra cuộc sống con người có thể sáng tạo, giải quyết được các vấn đề cuộc sống tạo ra. Đó mới là những năng lực cốt lõi để con người có thể học những bậc học cao hơn. Nếu chỉ kiến thức đơn giản, vào mạng kích chuột là xong, vấn đề của cuộc sống là làm thế nào giải quyết vấn đề.

Đề thi với 235 câu hỏi, xử lý trong 180 phút; 1 câu hỏi có 5 phương án trả lời; như vậy, trong thời gian 180 phút phải trả lời khoảng 1.400 câu hỏi và chọn ra 235 phương án đúng. Bài thi như thế đòi hỏi tốc độ xử lý siêu nhanh, không kịp quay cóp và sẽ phân định ngay được ai có năng lực thực sự.

Tổ chức nhiều đợt thi trong năm

Sau đó, là việc tổ chức nhiều đợt thi trong 1 năm, trong nhiều khu vực trên cả nước để dãn bớt sự căng thẳng. Khu vực thi có thể nằm ở miền Bắc 3 địa điểm, miền Trung: 3, Tây Nguyên: 3. Tổng số 9 địa điểm trong toàn quốc. 1 năm thi 3 đợt rải ra.

Như vậy chẳng bao giờ có cảnh căng thẳng. Các nước đều làm thế cả. Mỹ, chẳng hạn, không có khái niệm mùa thi, không có cảnh đổ về các trung tâm lớn làm các thành phố trong ngày thi cử cứ căng ra, gồng mình lên vì quá tải.

Thi, như đã nói ở trên, mới chỉ là điều kiện cần, các trường ĐH, sau đó, có quyền rất lớn trong khâu tuyển: ra tiêu chí trong khâu tuyển. Đề thi đã kiểm tra 7 năng lực của thí sinh; trường nào thích sáng tạo thì chọn nhân điểm hệ số sáng tạo; trường cần năng lực phân tích thì làm tương tự. Cùng 1 kết quả thi, thí sinh được vào các trường khác nhau với các yêu cầu khác nhau.

Phải làm gì để đổi mới là lại quay lại câu hỏi đầu tiên: muốn hay không, có quyết tâm không, có chỉ đạo quyết liệt hay không? Sau đó, chỉ cần thêm thời gian hướng dẫn và tạo sự đồng thuận của xã hội. Nếu quyết tâm thay đổi thì đó thực sự là một cuộc cách mạng trong giáo dục đòi hỏi người học cũng phải học theo lối kiểm tra năng lực và quan trọng nữa là cách dạy ở phổ thông cũng phải điều chỉnh theo hướng này.

Như vậy, gần như là thay đổi toàn bộ hệ thống. Cỗ máy quá lớn như vậy không thể chuyển động rùng rùng một lần. Có thể, giai đoạn đầu, chúng ta làm trên ngọn trước - đổi mới từ khâu thi tuyển sinh và giáo dục ĐH, sau đó mọi việc sẽ tự điều chỉnh theo.

Có nghĩa là chỉ cần, trước mắt, hướng dẫn xã hội bắt đầu khi nào, kiểm tra thế nào, dạy ở phổ thông sẽ điều chỉnh theo hướng đó, cho học sinh làm quen với hình thức này bằng cách thi thử trong các kỳ kiểm tra. Sau đó là cả một sự thay đổi toàn diện, ngay từ khâu viết sách giáo khoa đang được khởi động hiện nay, đổi mới cách dạy theo hướng phát triển năng lực cho thế hệ trẻ chứ không phải nhồi nhét kiến thức.

Hồ Thu ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG