Bộ trưởng GD&ĐT: Điểm Sử thấp, đừng vội coi là thảm họa

Bộ trưởng GD&ĐT: Điểm Sử thấp, đừng vội coi là thảm họa
TP - "Bây giờ hô hào các cháu học ngoại ngữ, tin học nhưng môn lịch sử, văn học bị xem nhẹ một chút thì cũng đừng vội coi là thảm họa. Chúng ta cần điều chỉnh, nhưng đừng coi đấy là thảm họa" - Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận xét với báo chí bên hành lang Quốc hội, sáng 29-7.

> Đề vừa sức, vẫn dùng điện thoại trong phòng thi

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: Để có nền móng căn bản phải đầu tư làm hàng chục năm, thậm chí hôm nay làm nhưng thế hệ sau mới thừa hưởng. Cần bình tĩnh nhìn nhận toàn diện những hiện tượng giáo dục hiện nay.

Bây giờ hô hào các cháu học ngoại ngữ, tin học nhưng môn lịch sử, văn học bị xem nhẹ một chút thì cũng đừng vội coi là thảm họa. Chúng ta cần điều chỉnh, nhưng đừng coi đấy là thảm họa.

Kết quả môn lịch sử kỳ thi đại học vừa rồi quá thấp, có hàng trăm điểm không, Bộ trưởng có đánh giá gì?

Thi đại học là cuộc thi tuyển nên đề thi có sự phân loại người giỏi, khá, yếu kém để tuyển chọn. Điểm lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Nhìn rộng ra nhiều nước, như nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới, không chỉ ở Việt nam có hiện tượng ấy - Khi mà khoa học lịch sử, tiếng nói của nó trong cuộc sống hiện đại hôm nay ít, cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít.

Tin học là môn học khó và không phải với ai cũng hấp dẫn. Nhưng nếu không có nó, người ta không thể sống trong xã hội hiện đại, người ta phải học và khi học người ta lại tìm thấy cơ hội có thu nhập cao, cuộc sống ổn thỏa thì người ta sẽ thấy hay.

Vậy nên, có những thứ phải do thời đại, do xu thế phát triển. Nhìn kỹ một chút sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động.

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân việc này chủ yếu do vấn đề dạy và học?

Đấy là một ý kiến có khía cạnh đúng, nhưng nếu đổ hết cho vấn đề dạy, học thì không đúng. Tôi nghĩ việc dạy lịch sử là để hiểu biết truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm. Nếu chỉ hướng tới việc yêu cầu học sinh nhớ bài, thì nay nhớ mai lại quên. Tôi từng nói với anh Dương Trung Quốc về việc phối hợp với Viện Lịch sử để nghiên cứu, thay đổi nhưng việc này cũng không đơn gian.

Trong hướng tìm tòi thay đổi toàn diện thì có cả thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung phương pháp dạy và học. Tôi đã trao đổi với bên Viện Lịch sử để phối hợp, kể cả một số môn khác nữa.

Bộ trưởng cho rằng môn lịch sử xuống cấp là do xu thế thời đại. Nhưng nhiều học sinh và cả người lớn chúng ta lại thuộc làu Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc?

Tôi đồng ý với nhận xét ấy, nhưng chuyện đó không phải của giáo dục. Đấy là vấn đề của xã hội. Không phải chúng ta dạy sử Trung Quốc mà do xem phim Trung Quốc, đọc truyện Trung Quốc nhiều. Không phải học sinh Việt Nam đi học sử Trung Quốc rồi yêu lịch sử Trung Quốc. Đừng nhầm lẫn. Xem phim Tam quốc, Thủy Hử, Đường Minh Hoàng nhiều đâm ra ai ai cũng thuộc rành rẽ thôi.

Lâu nay, việc dạy sử chủ yếu là dạy các sự kiện, việc ra đề cũng yêu cầu học sinh phải nhớ được các mốc sự kiện?

Cái đó cũng cần thiết chứ. Ngày thành lập Đảng, ngày sinh nhật Bác mà quên có được không? Nhưng cũng không nên cực đoan. Có những thứ có thể bỏ nhưng có những thứ máu thịt của chúng ta thì phải nhớ. Ra nước ngoài mà ngày giỗ tổ, giỗ cha, ngày tết truyền thống không nhớ thì còn đâu lòng yêu nước.

Nguyễn Tuấn ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ lập báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hoàn thiện và thực hiện trong thời gian tới, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.