Thi đại học sáu môn: Học sinh kêu khó, giáo viên phân vân

Thi đại học sáu môn: Học sinh kêu khó, giáo viên phân vân
TPO - “Khó khả thi” là nhận định của nhiều thầy cô giáo cũng như học sinh một số trường phổ thông tại địa bàn Hà Nội khi trao đổi về phương án thi đại học sáu môn đang được Bộ GD&ĐT xem xét.

 > Thêm cơ hội trúng tuyển
 > Có phương án thi đại học sáu môn

Thí sinh dự thi đại học năm 2011
Thí sinh dự thi đại học năm 2011.

Học sinh kêu khó

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Bùi Nguyên Huy – học sinh lớp 12A6 trường THPT Quang Trung (Đống Đa – Hà Nội) cho rằng, nếu áp dụng thi đại học, cao đẳng súa môn, e rằng, những học sinh phổ thông như Huy khó có khả năng đỗ vào các trường đại học.

Huy cho biết, định hướng theo khối A. Điểm những môn này của Huy tương đối tốt, nhưng những môn còn lại, điểm chỉ ở mức trên trung bình hoặc khá. “Em dự định nộp hồ sơ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, tuy nhiên, nếu thi sáu môn, thì điểm của em sẽ bị kéo xuống rất nhiều” – Huy lo lắng.

Huy phân tích thêm, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn nếu kỳ thi đại học gồm sáu môn: áp lực thi cử lớn, tình trạng ôn tập dàn trải, khó tập trung vào môn trọng tâm, điểm thi sẽ thấp… Theo Huy, nên giữ các khối thi như hiện tại.

Ngô Văn Đạt, học sinh lớp 10 A2, trường THPT Trung Văn (Từ Liêm – Hà Nội) cũng khá “choáng” khi nghe được thông tin về đề án thi đại học sáu môn.

“Theo em, nên giữ nguyên các khối tuyển sinh để học sinh tự lựa chọn theo thế mạnh của mình, cũng như khối, ngành học mình yêu thích. Nếu thi sáu môn bắt buộc, e là nhiều bạn sẽ không đủ điểm đỗ” – Đạt nói.

Giáo viên phân vân

Trong khi đó, cô Đoàn Đức Hạnh – Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung cho rằng, đề án thi đại học sáu môn là không khả thi. Theo cô Hạnh, nên giữ nguyên các khối thi, và nếu có thể thì cho thêm các môn điều kiện phù hợp với đặc thù từng trường, từng ngành tuyển dụng.

Cô Đoàn Đức Hạnh - Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung - Đống Đa - Hà Nội
Cô Đoàn Đức Hạnh - Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung - Đống Đa - Hà Nội.

“Những trường cần sử dụng nhiều đến ngoại ngữ nên thi thêm ngoại ngữ, những trường đào tạo báo chí, văn học… nên thi thêm môn điều kiện như Văn…” – Cô Hạnh nói.

Cũng theo cô Hạnh, nếu phương án thi đại học sáu môn được phê duyệt, về cơ bản, nó tương tự kỳ thi tốt nghiệp THPT và nếu vậy, chắc chắn sẽ phải bỏ một kỳ thi. Lúc đó, cơ chế, chế độ coi thi, chấm thi, xét tuyển sẽ thay đổi theo.

“Quan trọng là mức kiến thức trong đề thi sáu môn này ở mức độ nào. Nếu chỉ hỏi ở mức độ trung bình thì thi mười môn cũng được. Còn nếu hỏi về kiến thức chuyên sâu thì ba môn là đủ rồi” – Cô Hạnh nêu quan điểm.

Cô Trương Minh Tâm, giáo viên trường THPT Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) cũng cho rằng, đề án thi đại học sáu môn không khả thi. Theo cô Tâm, tùy theo yêu cầu của các trường đại học mà tuyển dụng sinh viên cho phù hợp.

“Các trường kỹ thuật, thiên về đào tạo các môn toán, lý, hóa… nên có thể ít quan tâm hơn tới những môn thuộc khoa học xã hội nhân văn như lịch sử, văn học …” – Cô Tâm lấy ví dụ.

Cô Tâm nêu quan điểm, nên giữ nguyên cách thi đại học theo các khối. “Các trường đại học chuyên làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tạo ra lao động cho xã hội. Sinh viên đã có kiến thức nền từ các bậc học trước đó, không cần thiết phải đưa vào kỳ thi tuyển sinh đại học.”

“Nếu được phê duyệt thì nên xem xét ghép hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một, sau đó xét điểm vào đại học. Từ đó, lọc sinh viên theo hình nón, ai không đủ điều kiện không được ra trường” – Cô Tâm nêu quan điểm.

Đại học nói khó được chấp nhận

Trên quan điểm cá nhân, thầy Lê Quốc Hạnh, trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Hà Nội cho rằng, đề án thi đại học sáu môn thực sự không cần thiết lắm. “Dĩ nhiên chúng tôi mong muốn sinh viên có kiến thức càng toàn diện càng tốt, nhưng tuyển sinh viên theo định hướng của ngành học, đào tạo thì vẫn tốt hơn”.

Thầy Lê Quốc Hạnh
Thầy Lê Quốc Hạnh.

Thầy Hạnh cũng phân tích thêm, tuyển sinh cần phải tính đến đặc thù của từng trường và ngành học, nên dù thi sáu môn nhưng vẫn phải có những môn đặc thù của chuyên ngành đào tạo. Đặc biệt, những trường năng khiếu thì nhiều khi tiêu chí tuyển sinh còn không liên quan đến những môn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thầy Hạnh đánh giá, dự án này khó được chấp nhận. Nếu muốn tuyển sinh đúng, nâng cao hiệu quả đào tạo thì nên duy trì kỳ thi đại học theo từng khối đồng thời tăng quyền tự chủ của các trường.

“Bất kỳ một quyết sách nào của Bộ GĐ&ĐT, Nhà nước đều có tác động đến xã hội một cách rất to lớn. Nếu được thông qua thì sẽ kéo theo sự thay đổi trong việc tổ chức giảng dạy trong hệ thống các trường phổ thông trên toàn quốc. Cùng với đó, công tác chuẩn bị kỳ thi theo hướng mới sẽ được tổ chức theo một quy trình mới khác với quy trình hiện hành đã ổn định. Việc phá bỏ một quy trình đã ổn định và thay thế quy trình mới là một công việc không hề đơn giản” – Thầy Hạnh lo ngại.

Học sinh miền núi khó cạnh tranh

Một số giáo viên trường THPT Quang Trung (Hà Nội) cho biết, đây là ý tưởng tốt, nên áp dụng. Các giáo viên cho rằng, sinh viên cũng nên có kiến thức toàn diện trong các môn, đồng thời phải có kiến thức, kỹ năng để học tập hiệu quả.

“Quan trọng là mức độ kiến thức được hỏi trong sáu môn thi này như thế nào. Nếu cả sáu môn đều hỏi kiến thức sâu như những đề thi đại học hiện tại thì khó có thể áp dụng được. Nên hỏi sâu những môn trọng tâm, đồng thời hỏi kiến thức mức trung bình đối với những môn còn lại” – Một cô giáo cho biết.

Các cô giáo trên cũng e ngại rằng, học sinh vùng sâu, xa… thiếu thốn điều kiện học tập toàn diện tất cả các môn, nên khó có thể cạnh tranh với những học sinh thành thị.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.