Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội):

Khuất tất nhận học sinh chuyển trường

Khuất tất nhận học sinh chuyển trường
TP - Sau bài viết đầu tiên trong loạt bài dài kỳ Loạn thu nhân danh xã hội hóa giáo dục, Tiền Phong tiếp tục được bạn đọc, cung cấp thêm  thông tin liên quan những tiêu cực ở trường THPT Phạm Hồng Thái. 

Từ nhiều tháng nay, nhiều học sinh lớp 12A3 trường THPT Phạm Hồng Thái băn khoăn về một nam sinh có tên là Nguyễn Đ. vừa mới chuyển đến học ở lớp mình.

Theo thông tin các em trao đổi với nhau, em Nguyễn Đ. vốn là học sinh lớp 11A5 (năm học 2008 – 2009), diện lưu ban nhưng vẫn được đôn lên lớp 12 (năm học 2009 – 2010). Mấy tháng đầu năm học, em Đ. vẫn ngồi học ở lớp 12A5 nhưng bị giáo viên chủ nhiệm lớp này trả lại.

Nhà trường đành chuyển em sang lớp 12A3. Dù nhận được sự ưu ái của nhà trường, nhưng đến hết học kỳ I năm học 2009 – 2010, Nguyễn Đ. vẫn là một trong bốn học sinh có kết quả học lực thấp nhất lớp 12A3.

Dù đã học đến lớp 12 của trường nhưng Nguyễn Đ. là ai, từ đâu đến, với nhiều học sinh cùng lớp (cả lớp cũ và mới) vẫn là điều bí mật. Chuyện sẽ không ai để ý nếu không có việc những cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường liên quan việc chuẩn bị hồ sơ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 của trường nháo nhác lên tìm thông tin về Nguyễn Đ.

Trong sổ điểm của lớp 12A3 (lớp Đ. đang theo học) chỉ có tên của Đ. mà không có bất kỳ thông tin nào kèm theo như những học sinh bình thường khác (địa chỉ, điện thoại nhà, họ tên/ nghề nghiệp bố mẹ). 

Nhiều khả năng những thông tin này có trong sổ điểm lớp năm học 2008 – 2009 nhưng tài liệu này lại do hiệu trưởng giữ. Ngay cả học bạ của Đ. ở đâu, chỉ hiệu trưởng mới biết. Nhiều lần các giáo viên, nhân viên liên quan tìm gặp hiệu trưởng để xin lại các tài liệu này thì đều được khất lần là sẽ trả sau.

Nguồn tin đáng tin cậy cho biết, tên em Đ. không có trong hồ sơ chuyển đến của trường, một học sinh học cùng em Đ. năm ngoái ở lớp 11A5 khẳng định: “Đầu năm học trước, bạn Đ. mới từ trường khác chuyển vào lớp em. Nhưng từ trường nào thì không ai biết. Khi học cùng chúng em bạn ấy rất hay nghỉ học và bị điểm kém ở nhiều môn”. 

Kết thúc năm học 2008-2009 em Đ. có kết quả học lực yếu và kém ở nhiều môn nên thuộc diện lưu ban. Tuy nhiên em này vẫn được lên lớp (?).

Phạm Hồng Thái là một trường thuộc diện có điểm tuyển sinh khá cao trong khu vực I (các quận Ba Đình, Tây Hồ), chỉ sau Chu Văn An và Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, hai năm nay, cơ hội dành cho những thí sinh điểm tuyển đầu vào lớp 10 thấp vẫn được mở ra cho nhiều học sinh muốn học ở Phạm Hồng Thái.

Chẳng hạn, trước Tết Canh Dần vừa qua, khối 10 trường này đã nhận 16 trường hợp từ trường khác chuyển về, trong đó hầu hết trường hợp đều có kết quả tuyển sinh vào lớp 10 thấp hơn điểm tuyển đợt I, đợt II vào trường Phạm Hồng Thái.  Thậm chí có trường hợp chỉ được 42 – 43 điểm trong khi điểm tuyển đợt 1 năm 2009 của trường này là 49,5 (đợt 2 là 48,5).

Song điều khiến dư luận phụ huynh học sinh và cả giáo viên trường Phạm Hồng Thái bất bình hơn cả là cách làm thiếu minh bạch của hiệu trưởng trong việc nhận học sinh từ trường khác chuyển về trường mình.

Theo lời kể của những người trong cuộc hoặc có liên quan, để xin cho con em mình từ trường khác chuyển về trường Phạm Hồng Thái, từng học sinh sẽ được thầy hiệu trưởng tiếp riêng tại phòng làm việc của thầy. Tại đây, học sinh sẽ được làm bài kiểm tra môn toán do chính thầy hiệu trưởng ra đề.

Chị T., một nhân chứng kể, trường hợp của cháu chị không làm được bài, nhưng cháu vẫn được nhận vào trường sau khi phụ huynh của cháu có “dăm câu ba điều” với thầy hiệu trưởng.

Về quy trình nhận một học sinh từ trường khác chuyển về trường mình, nhiều giáo viên cho biết họ không hề biết gì. Một giáo viên khẳng định: “Sau khi hiệu trưởng đồng ý tiếp nhận một học sinh nào đó thì thầy ấy mới tổ chức một hội đồng sát hạch để hợp thức hóa hồ sơ. Lạ một điều là thầy hiệu phó phụ trách chuyên môn lại không hề được tham gia hội đồng này”.

Trong số báo ra ngày 4-12-2009, Tiền Phong phản ánh tình trạng loạn thu nhân danh xã hội hoá giáo dục ở trường Phạm Hồng Thái mà biểu hiện cụ thể là ở các khoản mua máy chiếu, tiền hỗ trợ giáo dục.

Ngay sau khi báo đăng, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra vụ việc báo nêu và có báo cáo cũng như có văn bản trả lời bạn đọc báo Tiền Phong. Nhưng đến nay Tiền Phong chưa nhận được hồi âm nào từ Sở GD&ĐT Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.