Cần có trường riêng cho trẻ thần đồng

Cần có trường riêng cho trẻ thần đồng
Mới đây, “thần đồng” Lâm Chí Hiếu được Sở GD-ĐT Cà Mau đặc cách học trước tuổi. Nhưng đó chỉ là cách giải quyết duy nhất, bởi chúng ta chưa có trường riêng đối với những trường hợp đặc biệt này.
Cần có trường riêng cho trẻ thần đồng ảnh 1
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Bùi Mạnh Nhị. Ảnh: Người lao động.

Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Bùi Mạnh Nhị, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Hiện tượng những em bé dù chưa đến trường nhưng biết đọc, biết làm những phép tính, gần đây được báo chí thông tin nhiều. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Đối với những trẻ khi đã biết nói và biết quan sát xung quanh thì các cháu rất dễ bắt chước. Việc các cháu có thể đọc, làm phép tính... trước khi đến trường là điều bình thường, vì hằng ngày các cháu có thể được những người xung quanh dạy cho làm cái này cái kia, cũng có thể là trong đời sống hằng ngày các cháu được quan sát những sự việc và sau đó bắt chước.

Việc này diễn ra hết sức hồn nhiên như các cháu chơi trò chơi. Điều này không có gì là đặc biệt.

Tuy nhiên, những em bé này có khả năng nhớ rất tốt, vấn đề quan trọng là làm sao duy trì được khả năng đó. Khoa học đã chỉ ra rằng phải tổ chức rèn luyện cho các cháu. Ngay cả những người có khả năng nhớ rất tốt cũng phải rèn luyện.

Cũng xin lưu ý là trước những hiện tượng này, nhiều bậc bố mẹ cho rằng con mình là “thần đồng”. Điều này cũng xuất phát từ tâm lý của người làm cha, mẹ. Trước những hiện tượng này, các bậc cha mẹ không nên ép buộc các cháu học tập, mà phải tạo môi trường để các cháu được phát triển tự nhiên.

Ở nước ta hiện nay đã có trường riêng cho đối tượng này chưa, thưa ông?

Để phát triển năng khiếu, đối tượng này cũng phải có những trường, ngành đặc biệt. Hiện nay ở nước ta cũng đã có trường múa, xiếc, âm nhạc, hội họa, những môn thể thao khác... Riêng về năng khiếu văn hóa, theo tôi rất cần thiết có trường riêng.

Tôi được biết, ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh đã có các lớp dành cho những học sinh có năng lực thật sự về những lĩnh vực nhất định. Trong thực tế đã có nhiều nhà khoa học xuất sắc đi lên từ những lớp này. Tuy nhiên, chương trình và giáo viên là do các nơi này tự soạn, chứ chưa có thống nhất trong cả nước.

Còn lứa tuổi mẫu giáo - tiểu học, đến nay vẫn chưa có trường riêng, vậy theo ông thì nguyên nhân do đâu?

Ở bậc phổ thông hiện nay, phải thừa nhận mỗi trường làm mỗi kiểu, chưa hình thành một hệ thống có bài bản. Riêng ở bậc tiểu học hiện nay chưa có trường cho những đối tượng đặc biệt này. Đây là một hạn chế.

Việc xây dựng những trường này không khó, vấn đề là nhà quản lý phải biết tập hợp các chuyên gia giỏi để thực hiện. Đối với những em có năng lực về các môn văn hóa, nên tổ chức ở năm cuối của bậc tiểu học hoặc đầu bậc THCS, vì lúc này khả năng đặc biệt của các em mới thật sự bộc lộ rõ.

Theo kinh nghiệm các nước, các trường dành cho trẻ đặc biệt thường được giao cho các trường sư phạm. Riêng đối với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nếu được giao, chúng tôi sẵn sàng bắt tay thực hiện.

Xin cảm ơn ông.

Theo Huy Lân
Người lao động

MỚI - NÓNG