Rồi lại 11 năm sau tiếp...

10 năm Internet Việt Nam và tư duy của Đổi mới

10 năm Internet Việt Nam và tư duy của Đổi mới
TPO - Nếu ai hỏi những biến đổi về lịch sử đất nước mà tôi đã chứng kiến, tôi sẽ nói ba thời điểm sau : 1975 - kết thúc chiến tranh, 1986 - Đổi mới,  và 1997 - mở cổng internet. Sự trùng lặp kỳ lạ sau từng thời kỳ 11 năm đã gợi cho chúng ta nhiều điều phải suy ngẫm...

>> Gặp người 'tín chấp' chức vụ để VN vào Net

10 năm Internet Việt Nam và tư duy của Đổi mới ảnh 1

Sinh viên sử dụng laptop kết nối Internet qua WiFi ở Trường ĐHKHTN (ĐHQG TP.HCM) - Hình ảnh mà 10 năm trước khó tưởng tượng nổi. Ảnh: Tuổi trẻ.

Sau thời gian dài chiến tranh tàn khốc, năm 1975 không còn tiếng bom rơi. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ vì không còn chiến tranh và chết chóc, đó là sự hứa hẹn sáng lạn cho tương lai đất nước. Không còn chiến tranh tàn phá có thể xây dựng đất nước trong hoà bình.

Nhưng sau 11 năm, hình như chúng ta nhận ra một điều, đất nước mình đánh ngoại xâm có vẻ giỏi hơn là xây dựng đất nước. Những thất bại trong mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, giá lương tiền của hàng chục triệu người được điều tiết theo ý chí chủ quan nhưng lại thiếu hiểu biết về qui luật thị trường.

Kinh tế đất nước đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát tăng hàng ngày, đồng bằng với đất đai phì nhiêu mà dân thiếu gạo ăn. Rất may, chúng ta đã kịp thời "Đổi mới".

Có một số mục tiêu "Đổi mới" đặt ra năm 1986, nhưng tôi yêu thích nhất mục "Trao quyền sử dụng đất (Khoán 10)" được thực hiện năm 1988. Nói nôm na là nông dân (80% dân số) có thể lựa chọn ở trong hợp tác xã hoặc ra ngoài cá thể và được làm chủ ruộng đồng của mình. Để ý đến điều này vì tôi là con nhà nông chính hiệu nên biết giá trị "người cầy có ruộng" như thế nào.

Có người lo lắng "không còn hợp tác xã sẽ mất chủ nghĩa xã hội?". Thực tế đã chỉ ra, cũng những người nông dân và đồng ruộng canh tác ấy - diện tích Việt nam không thay đổi từ mấy trăm năm rồi - dân số lại tăng 1-2 triệu hàng năm thế mà từ một nước từng đi xin bột mỳ và hạt bo bo viện trợ cho dân ăn lại trở thành quốc gia xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới. Tỷ lệ 80% dân nghèo những năm 1980 nay chỉ còn dưới 20%.

Người lãnh đạo đã nhìn ra sai lầm và mạnh dạn điều chỉnh thì một dân tộc 70 triệu người được hưởng lợi. Không thấy mất gì mà chỉ "được".

Rồi lại 11 năm sau tiếp...

Có của ăn của để đôi chút người ta nghĩ đến đi ra ngoài xem thế giới họ sống ra sao. Khi đó,  70 triệu người Việt không có tiền mua vé máy bay đi ra nước ngoài nhưng họ có thể du lịch qua "thế giới ảo". Đó chính là thế giới thông tin World Wide Web và giấc mơ internet cho Việt nam.

Bàn về nối mạng với thế giới, có người đã sợ "thông tin vào, rác rưởi sẽ theo và diễn biến hoà bình sẽ làm cho đất nước lâm nguy". Bao nhiêu năm dưới sự đô hộ của ngoại bang và sự hy sinh lớn lao trong chiến tranh thì nỗi lo kia quả là có lý. Sau trì hoãn mấy năm và cuối cùng năm 1997, giới trẻ Việt Nam lần đầu biết đến mùi vị thế nào là lướt web, thư tình bằng email và Yahoo chatting.

Internet vào 10 năm rồi, nước Việt đâu có mất. Không những không mất mà nước Nam ta lại phát triển mạnh hơn bao giờ hết với nhịp độ tăng trưởng 7-8% năm. Vào WTO, tham gia hội đồng bảo an LHQ, có vai trò quan trọng trong ASEAN, Việt nam đang bước đến ngưỡng cửa của các quốc gia 1000$/người/năm từ một nước có thu nhập dưới 100$/người/năm.

Từ nay, hơn 80 triệu người của dân tộc ta vốn cần cù chịu khó lại được trang bị thông tin tiến bộ của thế giới chắc chắn không phải ngửa tay xin viện trợ bo bo. Biết đâu ta còn gửi gạo tám thơm tặng bạn. Thử hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không nối mạng với thế giới trong 10 năm qua.

Internet chính là đòn bẩy cho kinh tế đất nước, là "cái cày" của người dân trong "đồng ruộng" toàn cầu hoá. Đưa internet đến từng người dân giống như ta đã trả lại ruộng đất cho nông dân thuở trước. Họ tự biết làm thế nào để tạo ra sản phẩm trên "đồng ruộng tri thức" ấy để xuất khẩu loại "gạo" mới.

Muốn tiến tới xã hội tri thức thì phát triển IT và internet phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo đất nước. Không nên vì chuyện lo "vô cớ" của vài người mà tìm cách trì hoãn sự đi lên của cả một dân tộc. Chúng ta đã học được những bài học đắt giá về sự lo lắng không cần thiết trong quá khứ - thật ra là thiếu hiểu biết về thế giới quanh ta.

Cách đây 20-30 năm, những nhà lãnh đạo Singapore, Hàn Quốc hay Malaysia quan niệm IT và internet là cứu cánh cho họ nên không ngạc nhiên thấy đất nước người ta đã "hoá rồng" từ lâu.

Thiết nghĩ, chính khách thời nay cần có hiểu biết về xu hướng công nghệ, có tầm nhìn xa vài thập kỷ và đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên hết. Từ "Đổi mới" cách đây hai chục năm bây giờ vẫn còn nguyên giá trị : đất nước đang cần sự đổi mới về công nghệ trong tư duy lãnh đạo ! 

Tên đất nước vang vọng, quốc ca hùng tráng và lịch sử đấu tranh giải phóng oanh liệt. Tuy nhiên thời đại này, kinh tế đất nước cần đi nhanh hơn để có thể bàn chuyện làm ăn với thiên hạ trong thời Hội nhập và internet.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.