Báo động về tốc độ tan chảy các dòng sông băng

Báo động về tốc độ tan chảy các dòng sông băng
Tốc độ tan chảy băng trên các dòng sông băng của thế giới đang ở mức báo động. Lời cảnh báo này được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra trong báo cáo mang tên "Tình trạng băng tan trong các dãy núi" công bố ngày 16/3.
Báo động về tốc độ tan chảy các dòng sông băng ảnh 1
Năm ngoái, hàng trăm người đã khỏa thân trên dòng sông băng Aletsch, Thụy Sỹ, để chụp ảnh nhằm tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường. (BBC)

Báo cáo kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, nguyên nhân trực tiếp khiến các sông băng ngày càng thu hẹp.

Trên cơ sở đo độ dày các lớp băng từ 30 dòng sông băng nằm trong 9 dãy núi, UNEP kết luận trong khoảng thời gian 2004-2005 và 2005-2006, tỷ lệ băng tan trung bình đã tăng gấp đôi.

Trong số đó, sông băng Breidalblikkbrea tại Na Uy đã bị mỏng đi nhiều nhất với gần 3,1m băng "biến mất" trong năm 2006, so với 0,3m hao hụt năm 2005. Tiếp đến là dòng sông băng Ossoue của Pháp, mỏng đi 3m năm 2006, so với 2,7m năm 2005, sông băng Malaville tại Italy (1,4m năm 2006, 0,9m 2005), Grosser Goldbergkees của Áo....

Các chứng cứ mới nhất cũng chỉ ra rằng chiều hướng này không có dấu hiệu kết thúc trong thời gian trước mắt. Trong số 30 dòng sông băng trên, chỉ có duy nhất sông băng Echaurren Norte ở Chi-lê có có độ dày không thay đổi trong năm 2006 so với năm 2005.

Ước tính, năm 2006 đã có trung bình 1,5m băng hao hụt, trong khi con số này của năm 2005 là 0,5m. Theo UNEP, đây là giai đoạn tốc độ băng tan chảy diễn ra nhanh nhất kể từ thời điểm bắt đầu cuộc điều tra. Tính từ năm 1980 đến nay, độ dày của các dòng sông băng đã giảm tổng cộng tới 11,5m.

Người đứng đầu UNEP Agim Steiner cho biết "thủ phạm" đứng đằng sau sự hao hụt một khối lượng lớn băng này là tình trạng biến đổi khí hậu Trái Đất, xuất phát từ hành động sử dụng nhiên liệu hoá thạch của con người. Băng tan tất yếu sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đối với ngành nông nghiệp, sản xuất điện, gây gián đoạn nguồn nước sinh hoạt tới người dân, đồng thời khiến mực nước biển dâng cao.

Trước thực trạng này, ông Steiner cho biết hiệp định về khí hậu năm 2009 sắp tới tại Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) sẽ đóng vai trò một "chất thử" đo mức độ tin cậy trong các cam kết của các chính phủ trong các nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu là khí CO2 thải ra từ việc đốt nhiên liệu hoá thạch.

MỚI - NÓNG