Thêm bốn động vật ở Việt Nam vào Sách Đỏ của IUCN

Thêm bốn động vật ở Việt Nam vào Sách Đỏ của IUCN
TPO - Lại có thêm bốn động vật ở Việt Nam được liệt vào Sách Đỏ các Loài vật Nguy cấp vừa được Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN) công bố chiều hôm qua, 6/10, tại buổi họp đầu tiên của Đại hội môi trường thế giới kéo dài 10 ngày ở Barcelona, Tây Ban Nha.

>> Khai mạc Đại hội môi trường lớn nhất hành tinh

Bốn loài động vật của Việt Nam được đưa vào Sách Đỏ năm 2008 gồm sẻ thông họng vàng (tên khoa học là Carduelis monguilloti); gà lôi làm đuôi trắng (Lophura hatinhensis ) chỉ có duy nhất ở Việt Nam; Dơi thùy tai to (Paracoelops megalotis); và lợn rừng Đông Dương (Sus bucculentus), một trong số các loại đặc hữu ở Đông Dương (khu vực ba nước Việt Nam, Lào, và Campuchia).

Đánh giá đáng chú ý nhất của Sách Đỏ toàn cầu công bố bốn năm một lần này là cảnh báo về cuộc khủng hoảng tuyệt chủng của gần một phần tư số loài động vật đã biết.

Báo cáo công bố vào chiều muộn hôm qua tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Barcelona mới khánh thành cho thấy, trong khi từ năm 1500 đến nay ít nhất 76 loài động vật đã tuyệt chủng, thì vào thời điểm hiện tại, ít nhất có tới 1141 trong tổng số 5487 loài đã biết đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Bất chấp các nỗ lực bảo tồn của chính phủ các nước, chỉ có khoảng 5%  trong tổng số các loài bị de doạ tuyệt chủng có dấu hiệu phục hồi mà thôi.

“Chỉ trong một vòng đời của mỗi chúng ta, có tới hàng trăm loài có thể bị biến mất do hành động của chính chúng ta”, Julia Marton Lefevre, Tổng Giám đốc IUCN, nói tại phiên khai mạc đại hội.

Các nhà bảo tồn cho rằng bức tranh thực sự có thể còn tệ hơn khi còn tới 836 loài nằm trong nhóm thiếu hụt dữ liệu để có thể đưa ra đánh giá và những nhóm này, về thực chất, rất có thể cũng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

“Thực tế là số động vật bị đe doạ tuyệt chủng có khả năng lên đến 36%”, Jan Schipper, thuộc Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) nhận định.

Từ Barcelona, ông Vũ Văn Triệu, Trưởng Đại diện IUCN tại Việt Nam đã chuyển cho các đại biểu quốc tế và các nhà báo đĩa DVD về thực trạng suy giảm động vật ở Việt Nam với bức tranh còn tồi tệ hơn so với mô tả của Sách Đỏ IUCN vừa công bố.

“Theo Sách Đỏ Việt Nam công bố vào tháng 7/2008, từ năm 1996 đến nay, Việt Nam có hơn 100 loài được đưa vào danh sách động vật nguy cấp”, ông Triệu nói. “Trong khi đó, từ năm 1992 - thời điểm Việt Nam bắt đầu xây dựng Sách Đỏ, đến năm 1996 – thời điểm Sách Đỏ được chỉnh sửa lần thứ nhất, mới có hơn 10 loài bị liệt vào diện nguy cấp”.

Sách Đỏ của IUCN đặc biệt lưu ý mèo cá (Prionailurus viverrinus), vốn chỉ tìm thấy ở Đông Nam Á và Việt Nam (phát hiện từ năm 1833), được nâng cấp báo động từ mức tổn thương lên mức nguy cấp do môi trường sống của chúng ở các vùng đất ngập nước bị thu hẹp nhanh chóng, do quá trình chuyển đổi với tốc độ chóng mặt đất nông nghiệp sang thành đất công nghiệp và dân cư.

Đông Nam Á và Việt Nam được liệt vào nhóm khu vực làm suy giảm môi trường sống của động vật với tốc độ ghê gớm nhất. “Mất và xuống cấp môi trường sống ảnh hưởng 40 phần trăm động vật toàn cầu. Đáng báo động nhất là ở Trung và Nam Mỹ, Tây, Đông, và Trung Phi, Madgascar, và ở Nam và Đông Nam Á ”, báo cáo và tranh luận hôm qua kéo dài ba tiếng rưỡi cho biết. “Khai thác quá mức dẫn đến gần như quét sạch lượng lớn động vật hoang dã, đặc biệt quan ngại ở Đông Nam Á”.

Giáo sư Luigi Boitani, Đại học Roma nhận định : “Chiều hướng gây sức ép lên sự sống còn của các loài động vật cực kỳ nghiêm trọng tại Đông Nam Á, nơi đang chịu quá nhiều tác động ngày càng tăng của con người, nhất là của hoạt động huỷ hoại rừng”.

Quốc Dũng (tường thuật từ Barcelona)

Thêm bốn động vật ở Việt Nam vào Sách Đỏ của IUCN ảnh 1
Sẻ thông họng vàng (Carduelis monguilloti). Ảnh : Phùng mỹ Trung. Nguồn : vncreatures.net.

Sẻ thông họng vàng (Carduelis monguilloti) được phát hiện ở Việt Nam năm 1927, thuộc Họ Sẻ Đồng Fringillidae, Bộ Sẻ Passeriformes. Chúng chuyên ăn các loài côn trùng, cào cào, châu chấu, chuyên kiếm ăn và làm tổ ở các khu vực rừng thông trên núi cao, nhất là ở rừng thông tự nhiên lâu năm trong vùng Langbian - Đà Lạt.

Một số nơi khác có thể tìm thấy chúng là huyện Lạc Dương và Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), nơi có độ cao khoảng 1200m trở lên. TÌnh trạng các khu rừng thông ở Lâm Đồng đang bị xuống cấp hiện nay không chỉ ảnh hưởng đén các loài thông đặc sản hiếm ở nước ta mà còn tác động cả các loài chim quý sống ở đó.

Thêm bốn động vật ở Việt Nam vào Sách Đỏ của IUCN ảnh 2
Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis). Ảnh: Karen Phillipps. Nguồn : vncreatures.net 

Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis) phát hiện năm 1975, thuộc Họ Trĩ Phasianidae, Bộ Gà Galliformes. Ngày 15/6/1987, người ta từng tìm thấy ba chim non rời tổ. Chúng chuyên ăn hạt quả cây, kiến và ốc nhỏ. Đây là loài mới phát hiện được ở vùng Hà Tĩnh.

Các thông tin gần đây cho biết vùng phân bố của loài này có thể kéo dài đến phía bắc tỉnh Quảng Bình (Tuyên Hóa), ranh giới phía bắc vùng phân bố hiện chưa rõ.

Nơi ở tự nhiên của chúng ở các điểm tìm thấy trước đây và hiện nay dần bị thu hẹp và thậm chí bị mất đi do rừng bị phá huỷ ngày càng nhiều ở những nơi còn lại thường bị tác động mạnh do nhân dân địa phương thường xuyên vào rừng chặt gỗ và tìm kiếm các lâm sản khác như mây, song. Là đối tượng bị săn bắn của nhiều người. Số lượng bị giảm sút nghiêm trọng.

Thêm bốn động vật ở Việt Nam vào Sách Đỏ của IUCN ảnh 3

Dơi thùy tai to (Paracoelops megalotis). Ảnh : Peter Paul van Dijk.

Dơi thùy tai to (Paracoelops megalotis), theo Sách Đỏ Việt Nam, là loài dơi hiếm gặp, không thấy có trên thế giới. Lần đầu tiên bắt được ở TP Vinh, tỉnh miền trung Nghệ An, các nhà khoa học vẫn chưa rõ nơi sinh sống và sinh thái của chúng.

Đánh giá năm 2008 của các nhà khoa học nước ngoài công bố trên website của IUCN, cho biết cụ thể hơn. Theo đó, không có thông tin gì về số lượng, không rõ loài này có mặt trong các khu bảo tồn hay không. IUCN nhấn mạnh, đến nay, chưa có bất cứ biện pháp bảo tồn tại chỗ nào được thực hiện và khuyến cáo cần có thêm các nghiên cứu về loài chỉ thấy có ở Việt Nam này.

MỚI - NÓNG