Gieo lúa miền Trung, cấy và thu hoạch miền Bắc:

Thử nghiệm lần hai

Thử nghiệm lần hai
TP - Sau thành công đầu tiên hồi năm ngoái, cuộc thử nghiệm lần thứ hai ý tưởng gieo lúa ở miền Trung, cấy và thu hoạch ở miền Bắc, để ứng phó với diễn biến cực đoan của thời tiết, chính thức được khởi động chiều hôm qua ở Đà Nẵng.
Thử nghiệm lần hai ảnh 1
Bí thư Đảng ủy xã Mai Đình cùng ông Bùi Thế Viên (bên trái, một trong hai cựu binh nghĩ ra ý tưởng) bên bó mạ gieo ở tỉnh Quảng Nam

Ông Nguyễn Sỹ, Chủ nhiệm HTX Hòa Phong 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay, bà con xã viên chiều qua đã gieo 140 kg thóc trên 2.000m2. Dự kiến, sau 23-25 ngày, sẽ nhổ mạ chuyển ra miền Bắc để cấy và thu hoạch tại địa điểm thử nghiệm năm ngoái, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Ông Trương Quang Nhàn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Tổng hợp Mai Đình (xã Mai Đình), cùng các bộ phận liên quan đã sẵn sàng cho việc đón mạ từ miền Trung chuyển ra để cấy lúa vụ đông xuân năm 2010, hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

Do thành công ấn tượng đợt thử nghiệm đầu tiên kết thúc gần giữa năm 2009, lần này, diện tích cấy thử tăng gấp năm lần, lên 10 mẫu so với 2 mẫu thử nghiệm đầu tiên. “Năm ngoái mạ mang từ miền Trung ra mọc tốt đến mức phải xén cây trong khi mạ mọc ở Bắc thấp tè”, ông Nhàn nói.

Lần thử nghiệm thứ nhất, khoảng 22 kg thóc Khang Dân, giống lúa phổ biến ở miền Bắc, được đưa vào gieo ở thôn Ngạc Kinh Tây, xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) ngày  14-1. Mạ được nhổ sáng 10-2, mang ra Bắc chiều cùng ngày và, chiều hôm sau, 11-2, cấy tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, trên diện tích 7.200 m2.

Ông Nhàn đích thân mang mạ về cấy trên sáu sào ruộng của gia đình và trực tiếp theo dõi. Cạnh đó, ông cho cấy hai sào cùng giống lúa Khang Dân nhưng mạ được gieo ở Mai Đình.

Kết quả, thời gian sinh trưởng của lúa cấy từ mạ gieo trong miền Trung nhanh hơn 5-7 ngày so với lúa đối chứng (gieo và cấy ngoài Bắc). Không những thế, sâu bệnh còn ít hơn. Thú vị hơn, năng suất lúa thu hoạch đạt 200-210 kg/sào, cao hơn so với ruộng lúa đối chứng 5-7 kg/sào.

Nhiều trưởng thôn ở xã Mai Đình cũng tham gia cấy thử. “Ông Hiếu trưởng thôn cấy dày, thế mà vẫn thu được hơn tạ thóc” - Ông Nhàn nói.

Toàn bộ quá trình thử nghiệm, vẫn theo ông Nhàn, có sự theo dõi chặt chẽ, nhất là theo dõi về sâu bệnh, của Phòng Nông nghiệp huyện Sóc Sơn.

Thử nghiệm lần hai ảnh 2
Mạ gieo từ tỉnh Quảng Nam (bó cao) và mạ gieo tại Hà Nội (bó thấp), trong đợt thử nghiệm thứ nhất

Kiềm chế hứng khởi

Khởi xướng và thúc đẩy ý tưởng táo bạo không phải là các nhà khoa học, không phải các viện nghiên cứu, cũng không phải là cơ quan nhà nước. Thay vào đó, họ là các cựu quân nhân được sự hỗ trợ của Công ty Bảo vệ Thực vật (BVTV) An Giang.

Tăng diện tích thử nghiệm lần hai đồng nghĩa với việc tăng số người tình nguyện dành ruộng của mình cho thử nghiệm. “Thấy có hiệu quả, bà con ai cũng muốn thử tiếp”, ông Trương Quang Nhàn nói.

Trên cơ sở thỏa thuận với nông dân Mai Đình, hai đơn vị chủ công thử nghiệm ý tưởng là HTX Mai Đình và Cty BVTV An Giang lên kế hoạch thử nghiệm trên diện tích tăng vọt so với đợt đầu, gấp 42 lần. Theo đó, vẫn sẽ gieo mạ ở miền Trung và cấy trên 85 mẫu, tương đương trên 30 ha.

Tính toán sơ bộ cho thấy, tổng chi phí cho mỗi sào hết khoảng 120.000 đồng, bao gồm công, thuê đất, thuê mạ (mạ chất lượng cao phải 46-50 đồng/kg), v.v. Lần này, được biết, bà con đồng ý trả 30.000 đồng/sào cấy, bao gồm chi phí mạ, vận chuyển mạ đến tận chân ruộng.

Nhà ông Nhàn đăng ký toàn bộ tám sào, nhiều hơn năm ngoái hai sào. Thôn Đông Bài đăng ký một mẫu. Thôn Ấp Cút đăng ký chín mẫu năm sào, 7,5 thước. Đạc Tài 7,2 mẫu. Mai Đoài 9,8 mẫu, v.v.

Tuy nhiên, bàn đi tính lại, Cty BVTV An Giang quyết định giảm mạnh diện tích cấy thử ở xã Mai Đình. “Không phải chúng tôi không tin tưởng vào thành công mà vì thủ tục pháp lý”, ông Nguyễn Viết Sáu - Giám đốc Chi nhánh Nghệ An kiêm Trưởng phòng Truyền thông Miền Bắc, Cty BVTV An Giang, giải thích. “Việc mang giống lúa ở miền Nam hay miền Trung ra cấy ở miền Bắc phải được cấp có thẩm quyền cho phép”.

Bởi thế, nhà tài trợ quyết định  mua lúa Hương Thơm Thái Bình, một giống lúa ở miền Bắc, để thử nghiệm. Dù giảm so với kế hoạch ban đầu, lượng lúa giống vẫn ở mức 140 kg, nhiều hơn bảy lần so với lần thử nghiệm đầu tiên. Toàn bộ diện tích thử nghiệm cũng thu hẹp về một thôn là Ấp Cút.

Bản thân Chủ nhiệm Trương Quang Nhàn, dù ở thôn khác, vẫn xin cấy thử trên 5 sào. “Khoảng 18 tháng chạp, mạ sẽ được chuyển ra Mai Đình. Ngày 20 tháng chạp, một ngày trước lập xuân, cũng trùng ngày thành lập Đảng (3-2 dương lịch), chúng tôi sẽ cho cấy và thu hoạch sau 100 ngày”, ông Nhàn lạc quan.

Liên quan đến kinh phí, theo ông Sáu, phía Cty BVTV An Giang không đặt vấn đề bắt buộc nông dân đóng góp. “Nếu kết thúc vụ thử nghiệm thứ hai mà thành công, bà con có thể đóng góp một phần để chia sẻ gánh nặng cho nhóm nghiên cứu”, ông Sáu nói.

Thí nghiệm, nếu thành công (cả về sinh học và tài chính) như lần đầu, có thể mở ra triển vọng như hình dung của nhóm tác giả ý tưởng là biến miền Trung trở thành nơi chuyên gieo thóc để cung cấp mạ cho miền Bắc, chủ động ứng phó với những mùa đông khắc nghiệt có thể xảy ra trong tương lai.

* Mai Đình là một trong ba xã ở Hà Nội xây dựng mô hình nông thôn mới. Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Mai Đình cùng các xã ngày càng mất nhiều đất nông nghiệp. Thời tiết khắc nghiệt, chi phí cho trồng lúa ngày càng cao trong khi chất lượng lúa giảm do thoái hóa đất nên thu nhập của nông dân cải thiện không nhiều.

* Nội dung chính của ý tưởng là, đối phó với tác động ngày càng khó lường của rét đậm rét hại, cứ vào mùa đông, có thể đem thóc ở miền Bắc vào miền Trung gieo hạt rồi mang mạ ra miền Bắc cấy.

MỚI - NÓNG