Không ai muốn trả tiền làm sạch không khí

Không ai muốn trả tiền làm sạch không khí
TP - Không có không khí sạch để hít thở vì không ai chịu trả tiền để làm ra nó, TS Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế Phát triển - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trao đổi với Tiền Phong.

> 11 tấn cá chết chưa rõ nguyên nhân

Khí thải giao thông khiến không khí đô thị ô nhiễm. Ảnh: Hồng Vĩnh
Khí thải giao thông khiến không khí đô thị
ô nhiễm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông Nam nói: Trong khi thu nhập của nền kinh tế ngày càng gia tăng, suy thoái môi trường và tài nguyên ngày càng trầm trọng. Người bình thường cũng có thể thấy không khí ô nhiễm nhiều hơn, ra đường nhiều khói bụi hơn, sông rạch đen hơn, ít cây rừng hơn, tôm cá đánh bắt được ngày càng ít.

Báo cáo của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hiệp quốc tại Khu vực châu Á Thái Bình Dương (UNESCAP) phối hợp với Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2009 cũng khẳng định điều này. Mặc dù hiệu quả sử dụng tài nguyên ngày càng tốt hơn, mức độ ô nhiễm tuyệt đối và mức độ sử dụng tài nguyên vẫn ngày càng tăng.

Không khí trong lành là một loại hàng hóa công cộng. Không ai có thể độc quyền hít thở không khí trong lành. Ai cũng hít thở được không khí trong lành bất kể người đó có trả tiền để tạo ra bầu không khí đó không. Nhưng người ta luôn có xu hướng thu vén sao cho có lợi nhất cho bản thân mình, cái gì không phải trả tiền thì họ cố dùng thật nhiều, mặc dù lợi ích đem lại cho bản thân có thể không lớn.

Bởi thế chẳng ai muốn trả tiền để làm sạch không khí. Kết quả là không có không khí sạch để hít thở vì không ai chịu trả tiền để làm ra nó.

Việc không tính chi phí thiệt hại xã hội vào chi phí sản xuất là một trong những nguyên nhân lớn gây suy thoái môi trường?

Các nhà kinh tế học hay nhắc đến vấn đề ngoại tác khi nói đến nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Một nhà máy chế biến thực phẩm đưa nước thải vào dòng sông, gây hủy hoại hệ sinh thái, thiệt hại đến hoạt động nông nghiệp sử dụng nước sông và ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân khi họ sử dụng nước sông làm nước sinh hoạt.

Tuy nhiên nhà máy lại không tính chi phí thiệt hại này vào chi phí sản xuất. Họ làm như vậy để sản phẩm của họ rẻ hơn, có nhiều người tiêu dùng tiếp cận đến sản phẩm của họ hơn, và nhà máy thu được lợi nhuận lớn hơn.

Nếu tính cả chi phí xã hội vào chi phí sản xuất, giá thực của sản phẩm sẽ cao hơn, dẫn đến tiêu dùng ít hơn và phát thải ít hơn. Vì vậy, đúng là việc không tính chi phí thiệt hại xã hội vào chi phí sản xuất là một trong những nguyên nhân lớn gây suy thoái môi trường.

TS Phạm Khánh Nam
TS Phạm Khánh Nam.

Theo ông, làm thế nào để người ta bớt ích kỷ?

Không thể mong đợi doanh nghiệp ngừng tìm kiếm lợi nhuận, xã hội ngừng tiêu dùng để không phát thải, không sử dụng tài nguyên để bảo vệ môi trường.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu cơ chế nào khuyến khích thúc đẩy người ta hợp tác với nhau nhiều hơn để bảo vệ môi trường, làm thế nào mỗi người nhịn một chút, hy sinh một chút để lợi ích toàn cục và lâu dài là lớn nhất. Trao đổi thảo luận, thưởng phạt hợp lý, thông tin, sự tin tưởng, sự lãnh đạo đều có thể có ảnh hưởng đến sự hợp tác bảo vệ môi trường.

Một khi người tiêu dùng và cả xã hội bớt vị kỷ hơn, coi trọng yếu tố môi trường khi ra quyết định tiêu dùng, các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng nhu cầu đó, hy vọng họ sẽ tự điều chỉnh hành vi phát thải của mình.

Cám ơn ông.

Mạnh Cường

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG