Chương trình tiên tiến thiếu hấp dẫn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên chương trình tiên tiến ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM Ảnh: Quang Phương
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên chương trình tiên tiến ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM Ảnh: Quang Phương
TP - Số lượng sinh viên theo học các chương trình tiên tiến đang giảm dần từng năm, bởi chi phí đào tạo cao gấp 10 lần so với chương trình thông thường.

> ĐH Bách Khoa Hà Nội có nhiều chương trình hợp tác quốc tế

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên chương trình tiên tiến ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM Ảnh: Quang Phương
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với sinh viên chương trình tiên tiến ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM.
Ảnh: Quang Phương.

Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đưa ra tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) về chương trình tiên tiến (CTTT) sáng 5-4. Ông Ga cho biết: Trung bình, kinh phí đào tạo một SV của CTTT cao gấp 10 lần chương trình thông thường.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM so sánh, kinh phí đào tạo một SV theo học CTTT lên đến 160 triệu đồng/năm, cao gấp 8 lần so với đầu tư cho 1 sinh viên theo học chương trình cử nhân tài năng (khoảng 20 triệu đồng/sinh viên/năm).

“Dù chương trình đã ổn định nhưng với mức học phí như thế này mà Nhà nước buông thì CTTT sẽ chết. Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ các trường thực hiện chương trình và các trường sẽ nỗ lực hết mình để chạy tiếp sức nhằm duy trì và phát triển chương trình” - TS Nghĩa kiến nghị.

Theo PGS Dương Ái Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, các trường phải sàng lọc cá nhân thật sự xuất sắc cho CTTT nên đầu vào thường gặp khó khăn. Trong khi đó, một số SV giỏi nhưng nhà nghèo lại không đủ khả năng tài chính để theo học. “Một CTTT mà thiếu người giỏi theo học là điều mà các nhà quản lý cần phải suy tính”, PGS Phương nói.

Tham gia giảng dạy từ khóa đầu tiên của CTTT ngành Công nghệ thông tin tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, GS Dương Nguyên Vũ băn khoăn: Bộ GD&ĐT và các trường cần nghĩ đến đầu ra cho sinh viên theo học CTTT. Thực tế cho thấy, sinh viên ra trường thường có nguyện vọng học lên cao hơn là đi làm. Mặt khác, Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT cần tạo điều kiện để người học CTTT được vay tiền để học, vì nhiều học sinh giỏi có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trần tình với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về khó khăn khi theo học CTTT, nhiều sinh viên đề xuất cần có chính sách ưu đãi cho SV CTTT vay tiền ăn học cao hơn mức 8 triệu đồng/năm hiện nay.

Phó Thủ tướng cho biết, kinh phí nhà nước đầu tư cho chương trình là 60%, nguồn còn lại là từ học phí của SV (25%), phía nhà trường (15%). Dù mỗi trường, mỗi địa phương có mức thu khác nhau nhưng với mức kinh phí trung bình 20-30 triệu đồng/năm, có không ít người học than… khổ.

Theo dại diện Bộ Tài chính, cần phải huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho CTTT để cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Từ đó, thu hút doanh nghiệp chung tay với ngành giáo dục và nhà trường xây dựng chương trình.

Cả nước hiện có 23 trường ĐH thực hiện 35 CTTT với hơn 1.000 SV theo học. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đang giảm dần qua từng năm. Khóa đầu tiên năm 2006, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) tuyển 55 sinh viên nhưng đến nay rơi rụng còn 36 sinh viên.

Khóa thứ 2 đầu vào có 49 sinh viên nhưng hiện chỉ còn 33 sinh viên. Các khóa 3, 4 và 5 lần lượt là 33, 34 và 25 sinh viên đăng ký học. Tuy vậy, trường vẫn được đánh giá là có số lượng sinh viên theo học CTTT ổn định hơn so với những đơn vị khác. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG