Đối thoại giữa GS Ngô Bảo Châu và đại gia Hà thành

Đối thoại giữa GS Ngô Bảo Châu và đại gia Hà thành
Câu chuyện đến đây bắt đầu có sự tham gia của ông Nguyễn Trung Hà. Từ một học sinh giỏi quốc tế về Toán cách đây hơn 20 năm, Nguyễn Trung Hà đã từ bỏ lối đi được dọn sẵn để hiện tại trở thành một nhà đầu tư "có máu mặt" của Việt Nam.

>> GS Ngô Bảo Châu và cuộc trò chuyện ở phố Linh Lang

Xuất hiện một lần trên báo, ông đã làm "nổi sóng" cả giới Toán học khi châm ngòi cho ý tưởng "làm toán là tự sướng" và mệnh đề "người giỏi làm Toán rất lãng phí". Ông cũng là một trong những người bạn mà GS Ngô Bảo Châu thường gặp khi về Việt Nam.

"Trong đầu người ta thế nào thì xét sau"

Đặt giả thiết, anh được mời tham gia tư vấn một số đề án, chính sách. Khi làm việc, tư vấn của anh mâu thuẫn với lợi ích, hoặc nhóm lợi ích của người đặt hàng. Anh sẽ giải quyết mâu thuẫn đó ra sao?

Ông Nguyễn Trung Hà: Thứ nhất, em đặt câu hỏi sai. Chắc nhà báo được đào tạo rất định hướng.

Thứ hai, tư vấn như anh Châu nói là cần, nhưng chuyện đặt bài toán ra quan trọng hơn là chuyện bài toán có tồn tại hay không.

Có một số vấn đề, có hẳn viện nghiên cứu. Họ tự đặt vấn đề, nghiên cứu vấn đề, rồi trình lên. Nhưng cách đó ít có giá trị cả. Vấn đề mấu chốt phải là người hỏi, người đặt vấn đề.

GS Ngô Bảo Châu: Anh Hà đánh giá quá cao người đưa ra chính sách...

Ông Nguyễn Trung Hà: Thực tế cần phải như vậy. Còn bây giờ, lập ra các nhóm tư vấn, các nhóm nghiên cứu, có đệ trình lên cái gì cũng không giải quyết vấn đề nào cả.

Anh Hà có nói câu hỏi của em là một câu hỏi sai...

GS Ngô Bảo Châu: Với tôi thì khác. Trong mọi trường hợp, khi đặt ra một câu hỏi, tôi trả lời đúng theo suy nghĩ của mình chứ không quan tâm lắm đến chuyện câu hỏi đó có đi ngược lại với những cái người khác suy nghĩ không.

Vậy, anh trả lời như thế nào?

GS Ngô Bảo Châu: Tôi là một nhà khoa học, đứng ở vai trò tư vấn, đưa ra ý kiến của mình. Còn vì lý do nào đó, không nghe là việc của người ta. Tất nhiên, để thể hiện sự tôn trọng, nếu không nghe, người ta phải giải thích cho tôi vì sao. Nếu không giải thích, nghĩa là họ không tôn trọng, và tôi không làm tư vấn được.

Quay trở lại sự nồng nhiệt của Phó Thủ tướng. Có mâu thuẫn không giữa việc sự trọng vọng của Phó Thủ tướng dành cho anh với những gì đang diễn ra ở các trường ĐH, các viện nghiên cứu? Nhà nước đang cần trí thức hay đang làm một việc theo phong trào? Tức là, nếu cả thế giới trọng vọng mà mình không trọng vọng thì không được? Lúc nãy, anh có trả lời là mình cảm động. Nhưng anh có tin là Nhà nước đang thực sự cần những người như anh không?

GS Ngô Bảo Châu: Văn hóa của mình là hay suy diễn quá nhiều tới những gì diễn ra trong đầu người ta. Trong khi, đáng lẽ nên nhìn xem những việc cụ thể xảy ra như thế nào.

Tôi chỉ quan tâm tới những việc cụ thể xảy ra. Còn trong đầu người ta thế nào thì xét sau.

"Không làm khoa học nghiêm túc, ĐH Việt Nam mãi be bét"

Ông Nguyễn Trung Hà: Tôi từng nghe thông tin, nếu có bài báo khoa học đăng ở nước ngoài, Nhà nước sẽ tặng 1.000 USD. Nếu cho bằng tiền cá nhân thì rất hoan nghênh, có khi tôi góp theo. Còn nếu lấy ngân sách quốc gia cho chuyện đó thì tôi thấy phản cảm. Nghề Toán cũng đặc biệt. Đó là môn nghệ thuật chứ không phải môn khoa học. Muốn học Toán, phải có khả năng, không được dùng nguồn lực xã hội vì đó là phục vụ cá nhân. Có khuyến khích hỗ trợ nhưng là từ cá nhân.

GS Ngô Bảo Châu: Anh Hà nói vậy là mặc định cho mình biết rõ ràng xã hội cần cái gì.

Ông Nguyễn Trung Hà: Anh không hề mặc định.

GS Ngô Bảo Châu: Anh mặc định xã hội cần tài chính, rồi buôn cái nọ, cái kia. Nhưng trong xã hội, cái gì là quan trọng nhất? Có ba thứ: quốc phòng, y tế và ba là giáo dục. Kinh tế cũng cần đấy, nhưng chưa chắc cần hơn giáo dục. Mà giáo dục không học Toán học Văn thì học cái gì.

Ông Nguyễn Trung Hà: Toán là một trò chơi. Thi nhảy cao chẳng hạn, cũng là một trò chơi, một trò thể thao. Bản thân cái việc nhảy cao, chẳng có ý nghĩa gì cả, ngoài điều duy nhất là có tác dụng về tinh thần. Nó có thể thoả mãn khát khao chinh phục một cái gì đấy, hay thúc đẩy cho nhiều người yêu thích và hứng thú luyện tập thể dục.

GS Ngô Bảo Châu: Anh vẫn nhầm. Khi không có người làm việc nghiêm túc thì không thể có một trường đại học nghiêm túc. Và như vậy, không thể có một nền giáo dục nghiêm túc.

Có một chuyện rất sai lầm là Nhà nước chỉ định nhà khoa học làm gì. Có thể viết ra báo cáo. Không có bất cứ một cái nghiên cứu nào có giá trị. Những báo cáo đó nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra lại không hợp lý. Khoa học không phải đơn thuần do yêu cầu của xã hội mà nó phải phát triển theo yêu cầu nội tại của nó.

Ông Nguyễn Trung Hà: Mỗi một trình độ phát triển, phải cần một thứ... Làm toán lý thuyết, xác suất thành công rất khó, còn khi đã thành công, thì chỉ phục vụ cho giới toán.

GS Ngô Bảo Châu: Cuối cùng, anh bảo vệ ý kiến của anh, không nghe theo lời người khác. Khi tranh luận, phải nghe người khác nói gì. Diễn văn đã đọc rồi khi bật lại không có tác dụng gì cả.

Ông Nguyễn Trung Hà: Vì bản chất có đổi đâu.

GS Ngô Bảo Châu: Tại sao không? Nếu không làm nghiên cứu nghiêm túc chất lượng đại học Việt Nam mãi be bét. Trẻ con Việt Nam đi học nước ngoài, tiêu hàng tỷ USD. Muốn cho đại học tử tế, phải có những người dạy tử tế chứ không phải giảng viên thuộc lòng rồi lên nói là được.

Cái cần phấn đấu là để cho chất lượng các trường ĐH nói chung, đặc biệt giáo viên ĐH giảng tốt, nghiên cứu tốt. Muốn vậy, phải có đỉnh cao để kéo cái chung đó lên. Đỉnh cao đó không phải là mục đích duy nhất. Còn vai trò ứng dụng trong xã hội nữa. Vai trò chính và cơ bản đối với một nước như Việt Nam là kéo hiện trạng giáo dục lên tốt hơn.

Nổi tiếng là câu chuyện tôi phải chịu đựng

Anh Châu này, đoạt giải thưởng Fields, anh có kế hoạch gì không?

GS Ngô Bảo Châu: Tôi dự định sẽ dành số tiền để trao học bổng cho các em giỏi mà không có tiền đi học đại học. Chỉ là đi học ở trong nước thôi, chứ cũng chưa nhất thiết phải đi học ở nước ngoài.

Anh cũng nghĩ tới việc đoạt giải sẽ nuôi được niềm tin của lớp trẻ? Nếu phần đông giới trẻ coi anh là thần tượng, anh có thấy đó là gánh quá nặng?

GS Ngô Bảo Châu: Theo tôi, lúc nào cũng phải giữ gìn được cho mình sự đam mê khoa học. Điều quan trọng nhất là công việc chứ không phải công danh hay tiền bạc. Trong khoa học, ở mức độ trung bình thì việc đánh bóng bản thân có thể có tác dụng. Nhưng, nếu để đạt một đỉnh cao thì điều đó không có tác dụng gì.

Tôi thích cuộc sống riêng tư của mình hơn. Dẫu sao, nổi tiếng là câu chuyện tôi phải chịu đựng, chứ không phải là câu chuyện tôi lựa chọn.

Cảm ơn anh! 

Lương Bích Ngọc – Hạ Anh
Theo Bee
 

MỚI - NÓNG