Kỳ thi tuyển sinh bế tắc: Ai vô trách nhiệm?

Các nhà tuyển sinh năm nay đã chỉ tính hệ số chuyển đổi một cách cơ học. Ảnh: H.Vĩnh
Các nhà tuyển sinh năm nay đã chỉ tính hệ số chuyển đổi một cách cơ học. Ảnh: H.Vĩnh
TP - Là người từng làm công tác tuyển sinh nhiều năm ở Bộ GD&ĐT, tôi thấy kỳ tuyển sinh này bất thường, cảm tính. Nếu không sớm tìm ra hướng đi, nhiều năm sau sẽ vẫn còn bế tắc.

> Kiến nghị kéo dài thời gian tuyển sinh đến tháng 12

Các nhà tuyển sinh năm nay đã chỉ tính hệ số chuyển đổi một cách cơ học. Ảnh: H.Vĩnh
Các nhà tuyển sinh năm nay đã chỉ tính hệ số chuyển đổi một cách cơ học.
Ảnh: H.Vĩnh.

Vì sao bế tắc?

Đúng ra, ngay khi thi xong, ngành giáo dục phải đánh giá đề thi, mức độ có ngang bằng như nhiều năm không… Từ đó mới xác định được điểm sàn (ĐS) chính xác. ĐS năm nay được xác định một cách rất duy ý chí theo kiểu tư duy: năm trước 13, năm nay thi tốt nghiệp kết quả cao như thế thì ĐS không thể thấp hơn!

Nếu so sánh đề thi của 3 năm qua, kể từ năm tuyển dễ dãi nhất về số lượng, có thể thấy: do đề thi năm nay khó hẳn, số thí sinh đạt điểm từ “sàn” trở lên ít đi trong khi số trường ĐH, CĐ tăng hơn trước. Lấy Đà Lạt làm một ví dụ: ở tỉnh này có mấy trường tư thục, ĐH Đà lạt đã lấy đến ĐS thì làm sao các trường ĐH còn lại có thể tuyển, lại càng không “lùa” được số học sinh từ TPHCM về học, kể cả tính hệ số chuyển đổi.

Và các nhà tuyển sinh của mùa thi năm nay đã chỉ tính hệ số chuyển đổi một cách cơ học nhưng thí sinh không nằm ở các khu vực mà Bộ tính toán; Bộ GD&ĐT đã không chịu nhìn nhận đến thực tế: có bao nhiêu thí sinh có điểm cao hơn điểm sàn ở cả Hà Nội và TPHCM chịu về các tỉnh để học!

Những năm trước, không xảy ra tình trạng đó, vì ĐS được tính theo thực tế tuyển sinh của các khu vực. Ví dụ: toàn bộ chỉ tiêu ở Cần Thơ là 1.000 thì phải tính sao đó để số thí sinh ở đó xấp xỉ 1.000 ngang bằng với chỉ tiêu, mới tính ĐS. Cách tính như năm nay khiến cả trường công lẫn trường tư phải chia nhau một chiếc bánh quá nhỏ, làm sao tuyển sinh?

Tránh đẽo cày giữa đường

Vì tình trạng vỡ trận tuyển sinh, các trường không tuyển sinh được liền đổ lỗi ngay cho “ba chung”. Thực chất “ba chung” có nhiều ưu điểm, nếu duy trì nó, thí sinh đỡ phải ôn luyện. Giữ “ba chung” và đổi cách thức tuyển theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường là hướng đi cần được Bộ GD&ĐT nghiên cứu một cách khoa học để tránh hiện tượng đẽo cày giữa đường.

Bộ GD&ĐT đã không đếm xỉa đến thực tế: có bao nhiêu thí sinh có điểm cao hơn điểm sàn ở cả Hà Nội và TPHCM chịu về các tỉnh để học!

Bộ GD&ĐT đã khống chế chất lượng tuyển bằng ĐS nên về mặt lý thuyết, đủ điểm sàn là thí sinh đủ điều kiện vào ĐH thì việc tuyển là của các trường, Bộ không cần phải khống chế nguyện vọng (NV) 1,2,3 gì cả. Chẳng hạn, một trường ĐH lấy NV1, nếu tuyển xong NV1, chưa đủ thí sinh, họ có quyền hạ điểm để lấy đến NV2 hoặc 3 cho đến khi đủ thí sinh, miễn thí sinh đạt điểm trên mức ĐS là được.

Bộ cũng không cần khống chế NV sau cao hơn NV trước hay khống chế thời gian xét tuyển NV 1 rồi mới đến NV2, 3 mà nên để tùy các trường quyết định. Hơn thế, cần cho phép thí sinh có thể cầm phiếu điểm và nộp xét tuyển đến sát ngày trường đóng cửa.

Hiện nay, Bộ cứ khống chế này nọ nhưng thực chất các trường đang “biến báo” tuyển sinh và Bộ chỉ làm được việc giống như câu chuyện “giữ ống nứa” trong dân gian mà thôi.

Làm được như vậy, các trường nhỏ có thể tự do xét tuyển sau các trường lớn và thí sinh cũng đỡ khổ.

Những trường chất lượng kém cần đóng cửa nhưng có những trường ĐH có rất nhiều vấn đề trong nhiều năm vẫn tồn tại. Một ĐH như trường ĐH H.T nằm trên hàng trăm hécta đất nhưng không tuyển sinh được; trường ĐH Đ. không cơ sở vật chất, đội ngũ cơ hữu không đạt vẫn được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG