Dịch sởi ở người lớn: Khó phát hiện biến chứng

Dịch sởi ở người lớn: Khó phát hiện biến chứng
TP - Việc phát hiện biến chứng bệnh sởi- vừa xác định đã thành dịch ở Hà Nội, ở người lớn là nan giải. Người lớn mắc bệnh sởi rất dễ bị biến chứng thành bệnh viêm màng não và các biến chứng như liệt, động kinh, ngớ ngẩn.
Dịch sởi ở người lớn: Khó phát hiện biến chứng ảnh 1
Nhiều bệnh nhân từng tiêm vaccine phòng sởi vẫn mắc lại. Ảnh: Thái Hà

Thạc sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các Bệnh truyền nhiễm & Nhiệt đới Quốc gia lo ngại tỷ lệ bệnh nhân mắc sởi gặp biến chứng khá cao, chiếm hai phần trăm trong khi tỷ lệ biến chứng theo thống kê chỉ vào khoảng một phần nghìn.

Người lớn mắc bệnh sởi rất dễ bị biến chứng thành bệnh viêm màng não và các biến chứng nặng khác như liệt, động kinh, ngớ ngẩn. Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân bị biến chứng khá cao, khoảng 15 phần trăm.

Đáng lo ngại là những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không ai có thể biết để ngăn chặn. Thông thường sau khi bệnh nhân tưởng đã khỏi bởi hết sốt, hết phát ban thì sẽ xuất hiện trở lại sốt li bì và khi đó nhiều người bị viêm màng não với các biến chứng nặng.

Bác sĩ Hà khuyến cáo virus sởi rất dễ lây lan, đặc biệt qua đường hô hấp. Vì vậy để phòng bệnh những người ở độ tuổi dưới 30 nên đi tiêm phòng vaccine sởi, kể cả trong trường hợp chưa tiêm vaccine sởi cũng như đã tiêm một lần từ nhỏ.

TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết khống chế dịch sởi tại Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ rất khó khăn do virus phát tán trong môi trường.

Viện các Bệnh Truyền nhiễm & Nhiệt đới Quốc gia có báo cáo tình hình dịch bệnh lên Bộ Y tế để có biện pháp thu dung, điều trị những ca bệnh nặng. Đồng thời Viện cũng đưa ra bản hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt phát ban dạng sởi gửi lên Bộ Y tế để sớm ban hành rộng rãi, nhằm ngăn chặn bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn.

Bất thường

Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) có công văn chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư tăng cường giám sát dịch tễ các trường hợp bệnh; nghiên cứu phân lập virus gây bệnh sởi xem có biến đổi bất thường hay không; đồng thời chỉ đạo sở y tế các địa phương giám sát dịch, báo cáo ngay về Bộ diễn tiến tình hình dịch bệnh sởi tại địa phương.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà cho biết, mỗi ngày, Viện tiếp nhận năm đến sáu bệnh nhân mắc sởi, chủ yếu từ 18-24 tuổi. Nhiều bệnh nhân từng tiêm vaccine phòng sởi vẫn mắc sởi  lại.

Lê Đình Tú – sinh viên năm thứ tư Đại học Y Hà Nội bị hôn mê sâu, tri giác phục hồi chậm do biến chứng của bệnh sởi từ một tháng rưỡi nay. Hiện bệnh nhân này đang được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực (Viện các Bệnh Lâm sàng & Nhiệt đới Quốc gia).

Người nhà Tú cho biết, bệnh nhân bị sốt từ ngày 20/12/2008, đến ngày 25/12, bắt đầu xuất hiện những nốt phát ban. Chỉ sau bốn ngày phát ban, tới ngày 29/12, Tú bắt đầu rơi vào hôn mê sâu và gia đình phải cho Tú nhập viện.

Từ giữa tháng 12 năm ngoái đến nay, Viện tiếp nhận khoảng 350 trường hợp, trong đó có 147 ca dương tính với bệnh sởi. Bệnh nhân chủ yếu sống ở Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam...

Trong bảy bệnh nhân bị viêm não, viêm màng não đã có ba trường hợp được xuất viện. Ngoài ra ba trong số bốn bệnh nhân đang điều trị đã bị rơi vào trạng thái hôn mê sâu, phải thở  máy.

Bác sĩ Hà cho biết thêm, thông thường bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ từ sáu tháng đến năm tuổi. Nhưng trong đợt dịch này, virus sởi lại tấn công đối tượng ở lứa tuổi trung niên và thanh niên.

Dịch sởi ở người lớn: Khó phát hiện biến chứng ảnh 2
Chăm sóc bệnh nhân sởi hôn mê sâu

Trong số những bệnh nhân bị sởi đợt dịch này, có những người đã mắc sởi hoặc đã từng tiêm vaccine phòng sởi. Việc bị mắc sởi lại là một dấu hiệu bất bình thường vì cơ thể thường miễn dịch cao, lâu dài với virus sởi nếu một người từng mắc.

Cho đến đầu năm 2009, cùng với việc xuất hiện một lượng lớn người trưởng thành mắc sởi, các chuyên gia y tế khẳng định dịch sởi ở người lớn đã bùng phát.

Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do những người này mới chỉ tiêm một mũi vaccine phòng bệnh sởi. Trong khi đó theo các chuyên gia dịch tễ, việc tiêm một mũi vaccine sởi chỉ phát huy hiệu quả trong một thời gian ngắn.

Theo thời gian, miễn dịch sẽ suy giảm, do đó không còn đủ khả năng bảo vệ con người trước virus sởi vẫn tồn tại ở môi trường bên ngoài.

Điều này thêm một lần nữa khẳng định việc tiêm phòng một mũi sởi là không đủ bảo vệ cả đời người trước căn bệnh này và cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại thứ hai.

Có tới 90 phần trăm người mắc sởi sống ở Hà Nội. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là người ngoại tỉnh về Hà Nội sinh sống và làm việc. Một bác sĩ của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nhận định, rất có thể những người này chưa từng được tiêm vaccine phòng sởi hoặc mới chỉ được tiêm một mũi vaccine.

MỚI - NÓNG