Khám bệnh qua webcam

Khám bệnh qua webcam
Bác sĩ đi vắng, vợ bác sĩ ở nhà vẫn mở cửa phòng mạch để bác sĩ khám cho bệnh nhân qua webcam, sau đó bán thuốc.
Vợ bác sĩ Lích dùng webcam soi họng bệnh nhân cho chồng ở nước ngoài xem - Ảnh: Thế Kiệt
Vợ bác sĩ Lích dùng webcam soi họng bệnh nhân cho chồng ở nước ngoài xem - Ảnh: Thế Kiệt.

Khoảng 18h30 ngày 19-7, phòng mạch của bác sĩ Hồ Văn Lích, địa chỉ 1136/17 đường Ba Tháng Hai, Q.11, TP.HCM có gần chục bệnh nhân ngồi đợi đến lượt khám. Và tất cả triệu chứng của bệnh nhân đều được vợ bác sĩ trao đổi để bác sĩ khám từ xa qua webcam.

Vợ thay chồng khám bệnh

Phòng mạch gồm một phòng khám phía trong, còn phía ngoài để bệnh nhân lấy số thứ tự, đợi khám. Một thanh niên và một cô gái ngồi nhập tên tuổi, địa chỉ bệnh nhân đến khám vào máy vi tính, đồng thời phát số thứ tự và bán thuốc cho bệnh nhân ngay khi khám xong.

Phòng đợi phía ngoài luôn tấp nập bởi sau vài phút lại có bệnh nhân được khám xong, ra ngoài lấy thuốc, chốc chốc một bệnh nhân mới lại dừng xe vào khám.

Thấy chúng tôi dẫn một cháu bé bước vào, người thanh niên ngồi ở bàn tiếp nhận hỏi: “Chị hay bé khám bệnh?”. Khi biết cả tôi và cháu bé cùng khám, người thanh niên phát cho chúng tôi số thứ tự 22, 24 sau đó hỏi tên, tuổi, địa chỉ của từng người.

Vừa ngồi xuống dãy ghế chờ dành cho bệnh nhân, chúng tôi đã nghe tiếng trao đổi về triệu chứng của bệnh nhân được khám giữa một phụ nữ trong phòng khám với một người người đàn ông, giọng được phát to qua loa.

Bệnh nhân vào khám trước chúng tôi là một người đàn ông bị đau ở chân. Người đàn ông này nói gì, người phụ nữ ngồi trong phòng khám nói lại với bác sĩ để được chẩn đoán bệnh, bán thuốc.

Người phụ nữ gọi số 22. Đến lượt chúng tôi vào phòng khám. Ngồi ở ghế khám cho bệnh nhân là một phụ nữ hơn 40 tuổi. Bà khoác áo blouse trắng nhưng không đeo bảng tên. Trên bàn khám để chiếc máy vi tính, nhìn trên màn hình chúng tôi thấy một nick chat bật sáng, cạnh đó là chiếc webcam. Sau này chúng tôi mới biết người phụ nữ này tên N., vợ bác sĩ Lích.

Bán thuốc cho bệnh nhân ngay tại phòng khám qua toa thuốc trực tuyến - Ảnh: Thế Kiệt
Bán thuốc cho bệnh nhân ngay tại phòng khám qua toa thuốc trực tuyến - Ảnh: Thế Kiệt.

Cho nhầm thuốc

Chúng tôi bế cháu bé lên ghế nhựa để khám bệnh. Bà N. hỏi: “Bị cái gì?”. “Bé có hai cái hạch ở cổ” - tôi trả lời. “Con có đau họng, có sổ mũi không?” - người phụ nữ hỏi tiếp. Cháu bé trả lời: “Dạ không”. Bà N. đề nghị: “Há miệng ra cho cô coi”.

Sau đó bà N. quay sang trao đổi với chồng qua webcam: “Không ho gì hết, có hai hạch ở vai phải”. “Bao lớn?” - người đàn ông hỏi. “Khoảng ngón út”. “Không ho, không sổ mũi, không viêm họng, thấy có hạch thì đi khám” - bà N. nói tiếp. Sau đó người phụ nữ hỏi: “Ăn uống được không? Há miệng cho cô xem!”.

Vừa nói người phụ nữ lấy webcam soi vào họng cháu bé để chồng coi từ xa. Cuối cùng bà N. chẩn đoán cháu bé bị viêm amidan bên phải và phải uống một đợt thuốc, rồi vẫn tiếp tục trao đổi qua webcam: “Viêm amidan nhưng không sốt, không ho gì hết, thỉnh thoảng thấy khò khè nhìn vào thấy amiđan đỏ”. Bác sĩ kia hỏi có bị sưng, bị viêm bao nhiêu lâu?...

Thấy người phụ nữ trao đổi liên tục với một người đàn ông qua webcam, tôi hỏi: “Thế bác sĩ ở đâu hả chị?”. Người phụ nữ này trả lời cụt ngủn “nước ngoài”. - “Vậy chị chỉ là phụ bác sĩ thôi hả?” - chúng tôi hỏi. Người phụ nữ trả lời “là bác sĩ luôn”. “Vậy sao chị phải hỏi bác sĩ kia?”, chúng tôi thắc mắc. Bà N. bảo: “đây là bệnh của anh ấy, anh ấy khám quen rồi nên phải hỏi” và dặn chúng tôi hai ngày sau tái khám vì mai bác sĩ về rồi.

Đến lượt tôi khám vì ho mấy ngày nay, bà N. bảo tôi há họng, hỏi nuốt có khó không, có đàm không, bị mấy bữa rồi, sau đó bà truyền đạt lại: “Số 24 viêm họng, không sốt, không ho, không có đàm” và tính cho tôi chích thuốc. Thấy tôi hoảng hốt, người phụ nữ lại đổi hướng “thôi cho uống thuốc vậy”.

Ngày 20-7, bác sĩ Nguyễn Hải Tùng - phó giám đốc, trưởng phòng tổ chức Bệnh viện Triều An TP.HCM - cho biết bác sĩ Hồ Văn Lích là bác sĩ khoa tim mạch ở Bệnh viện Triều An, đang đi học ở Hàn Quốc ba tháng, sắp về nước.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh - phó phòng tổ chức hành chính Bệnh viện Q.11, vợ của bác sĩ Lích tên là N.T.M.N., từng là y sĩ của Bệnh viện Q.11, TP.HCM.

Bước ra khỏi phòng khám, người thanh niên ngồi ở phòng nhận bệnh đưa ngay cho chúng tôi hai bịch thuốc gồm các viên màu xanh, hồng, đỏ, trắng, cam nhưng không có toa thuốc kèm theo và nói giá 110.000 đồng cho hai ngày thuốc.

Quan sát những bệnh nhân khác, chúng tôi thấy bệnh nhân nào khám xong cũng được phòng mạch bán một bịch thuốc mà không có toa.

Nhận hai bịch thuốc, chúng tôi phát hiện bịch thuốc của cháu bé và của tôi đều có những viên thuốc màu hồng giống hệt nhau. Lúc đó chúng tôi mới thắc mắc và đề nghị muốn lấy toa thuốc.

Dù được nhận thuốc nhưng phải khoảng hơn 10 phút sau bà N. mới kê xong hai toa thuốc sau khi trao đổi với người đàn ông qua webcam. Thấy chúng tôi thắc mắc về hai loại thuốc giống nhau, bà N. nói lại với bác sĩ và phát hiện kê nhầm thuốc cho cháu bé.

Chúng tôi nghe giọng người đàn ông nói tưởng bệnh nhân 25 tuổi, bà N. nhắc lại cháu bé này mới 5 tuổi. Người phụ nữ này đưa cho chúng tôi hai toa thuốc với chữ ký phía dưới đều ghi Hồ Văn Lích và bảo chúng tôi đợi đổi thuốc khác.

Bác sĩ Phạm Hữu Quốc, thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết cách khám bệnh như trên là sai hoàn toàn. Về nguyên tắc, bác sĩ làm ở phòng mạch phải khám trực tiếp cho bệnh nhân chứ không thể dùng phương tiện nào khác để khám từ xa.

Và theo luật hiện nay y sĩ không được quyền khám bệnh cho bệnh nhân. Ngay cả khi ủy quyền cho một bác sĩ khác khám thì bác sĩ đó phải có đủ bằng cấp chuyên môn đồng thời phải báo cáo với Sở Y tế.

Thùy Dương
Theo Tuổi trẻ
MỚI - NÓNG