Sốt xuất huyết vào mùa

SXH đã khiến 20 trường hợp tử vong ở nước ta từ đầu năm đến nay. Ảnh: L.N
SXH đã khiến 20 trường hợp tử vong ở nước ta từ đầu năm đến nay. Ảnh: L.N
TP - Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội ở nhiều địa phương trên cả nước. Cho tới thời điểm hiện tại, căn bệnh này chưa có vaccine dự phòng. Đây là loại bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao do đó nên nhập viện ngay khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.
SXH đã khiến 20 trường hợp tử vong ở nước ta từ đầu năm đến nay. Ảnh: L.N
SXH đã khiến 20 trường hợp tử vong ở nước ta từ đầu năm đến nay.
Ảnh: L.N.


Nhiều nơi phát dịch

Mặc dù mùa mưa mới bắt đầu ở TPHCM nhưng trong hơn một tuần qua số ca mắc SXH đã gia tăng đáng kể tại 24 quận huyện ở thành phố.

Ghi nhận của Sở Y tế TPHCM hiện mỗi tuần nơi đây có hơn 150 ca mắc SXH nhập viện điều trị, tập trung cao ở các quận 4, 6, 8, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Thạnh. Số ca SXH tăng nhanh khiến các bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng. Tại hai Khoa SXH ở BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 hiện đã có hơn 300 trẻ nhập viện điều trị nội trú, trong khi mỗi ngày khoa còn tiếp nhận khoảng 50 trẻ nhập viện vì căn bệnh này.

Trong khi đó theo Cục y tế dự phòng hiện SXH cũng gia tăng mạnh ở các tỉnh miền trung khi ghi nhận tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có gần 700 ca mắc bệnh. Tại Bình Định, số ca mắc SXH đã lan ra ở hầu hết thành phố và các huyện trong tỉnh.

Đến ngày mùng 5 tháng 8, nơi đây có hơn 1.190 ca mắc, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 2 ca đã tử vong. Bùng phát mạnh nhất là TP Đà Nẵng khi số ca mắc SXH đã gấp 7 lần so với thời điểm năm ngoái.

Tương tự tại khu vực ĐBSCL và các tỉnh phía Nam trong tuần qua, đã có thêm 1.750 bệnh nhân mắc SXH, tăng gần 6% so với tuần trước đó, số ca mắc nhiều nhất là tại Bến Tre với hơn 300 ca, kế đến là An Giang gần 200 ca, tiếp đến là Đồng Tháp, Trà Vinh, Kiên Giang, với số ca tử vong và bị biến chứng nặng tăng lên. Tại Hà Nội, đến thời điểm này có gần 500 ca nghi mắc sốt xuất huyết, ở tất cả quận huyện.

SXH đang gia tăng ở người lớn

Theo TS- BS Lê Thị Thu Thảo- BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, SXH- Dengue là một trong những bệnh nhiễm trùng hàng đầu ở trẻ em khiến trẻ nhập viện và tử vong cao ở các vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương trong những thập kỷ qua. Ước tính hàng năm, có trên 50 triệu người nhiễm virus Dengue trên toàn thế giới trong đó có hơn 500.000 bệnh nhân cần phải nhập viện. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ bệnh nhân SXH cao trong khu vực.

Tuy nhiên theo nghiên cứu, trong vòng năm năm trở lại không chỉ trẻ em mắc nhiều mà tỉ lệ SXH tăng dần ở người lớn. Bác sĩ Thảo cho biết tác nhân gây bệnh chủ yếu do siêu vi trùng trong đó siêu vi Dengue chiếm đa số nên bệnh còn có tên gọi đầy đủ là Sốt xuất huyết - Dengue. Trung gian truyền bệnh chính là muỗi cái Aedes agypti.

Muỗi có thể theo các phương tiện giao thông di chuyển từ vùng này sang vùng khác, do đó bệnh sốt xuất huyết - D lan truyền nhanh từ vùng này sang vùng khác trên diện rộng. Mật độ muỗi cao ở những nơi ao tù nước đọng chung quanh nhà hoặc những nơi tối tăm, ẩm thấp trong nhà. Sau khi hút máu người bệnh, siêu vi Dengue vào cơ thể muỗi phát triển trong ống tiêu hóa và tuyến nước bọt, truyền sang người khác khi có cơ hội.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng- Phó GĐ BV Nhi đồng 1 cho biết hiện nay, ở các tỉnh phía Nam, 70% trường hợp SXH Dengue xảy ra ở trẻ em, trong đó có trẻ nhũ nhi từ 1- 11 tháng tuổi chiếm khoảng 5- 8%, còn người lớn trên 15 tuổi chiếm khoảng 30% trường hợp. Bằng chứng tại khoa Nhiễm của BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM số người lớn nhập viện do SXH luôn tăng cao, chiếm 60% các ca mắc SXH điều trị.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Tỷ lệ tử vong do SXH gây ra rất cao, đặc biệt là ở trẻ em, vì vậy trong khi chưa có vaccine phòng bệnh việc phòng ngừa SXH là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Theo bác sĩ Thảo thường khi bệnh nhân mắc SXH có biểu hiện sốt cao 39,5- 40 độ C, khởi phát đột ngột, liên tục kèm cảm giác lạnh, không có cơn run kiểu sốt rét và sốt kéo dài 5 - 6 ngày. Ngoài sốt, bệnh nhân còn bị xung huyết - xuất huyết như da niêm xung huyết rõ biểu hiện chấm, đặc biệt niêm mạc mắt đỏ sậm, môi đỏ sậm, da mặt ửng đỏ hai bên má, kèm theo ói ra máu bầm hoặc tươi, tiêu phân đen, tiểu máu đỏ...

Để phòng ngừa SXH, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng cho biết cần diệt lăng quăng triệt để, bằng cách làm nắp đậy kín các vật dụng chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng; thường xuyên làm sạch vật chứa nước, bình hoa; thả cá ăn lăng quăng vào lu, khạp chứa nước.

Ngoài ra bỏ muối hoặc bỏ dầu vào các chén nước chống kiến ở chân tủ thức ăn; không để cho các hốc cây, máng xối đọng nước, đồng thời nên tổng vệ sinh môi trường, thu gom, hủy bỏ các vật chứa nước không cần thiết (vỏ đồ hộp, vỏ xe cũ, chai lọ, mảnh lu khạp bể, báo dừa) và không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú chân.

Theo bác sĩ Hùng để phòng bệnh cho trẻ nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích.

Khi bị sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục trong 2-7 ngày, khó làm hạ sốt; Có biểu hiện xuất huyết với chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, vết bầm da nên đến bệnh viện vì có thể bệnh nhân mắc SXH. Có thể hạ sốt bằng Paracetamol, tuyệt đối không dùng Aspirin và cạo gió; cho uống nhiều nước, nước trái cây hoặc dung dịch Oresol, ăn cháo, súp, sữa. 

MỚI - NÓNG