Ngừa ung thư bằng '4T'

Ngừa ung thư bằng '4T'
Y học cổ truyền có vai trò nhất định trong việc phòng ngừa và chống tái phát ung thư. Thông tin này được các bác sĩ, dược sĩ cho biết tại hội nghị khoa học chuyên đề ung thư do Viện Y dược học dân tộc TP.HCM vừa tổ chức.
Tập dưỡng sinh giúp tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Ảnh: N.C.T.(Tuooir Trẻ)
Tập dưỡng sinh giúp tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.                Ảnh: N.C.T.(Tuổi Trẻ).

Ung thư dưới góc nhìn của thạc sĩ bác sĩ Quan Vân Hùng - trưởng khoa nội 2 Viện Y dược học dân tộc TP - cho thấy nếu biết vận dụng liệu pháp “4T” theo quan điểm của y học cổ truyền sẽ giúp đẩy lùi nguy cơ mắc và ngừa tái phát.

Hậu quả của ô nhiễm, stress!

Theo y học hiện đại, trong cơ thể bình thường luôn có sẵn những mầm ung thư (gen sinh ung). Gen sinh ung này khi bị các yếu tố gây ung thư như độc chất, tia phóng xạ, khói thuốc lá, virus... kích động sẽ kích thích phát triển ung thư ở một cơ quan nào đó và một khối u từ từ xuất hiện. Điều đó có nghĩa ai cũng có nguy cơ bị ung thư nhưng thực tế không phải ai cũng bị ung thư.

Tại sao? Y học hiện đại giải thích: vì gen sinh ung bị ức chế hoạt động bởi gen đè nén bướu, là cơ chế tự nhiên phòng bệnh chống ung thư (cơ chế miễn dịch). Có thể nói gen sinh ung luôn “kiên trì” đợi sức khỏe suy yếu (hệ miễn dịch suy yếu) và cơ thể luôn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây ung để hình thành khối u rồi từ từ phát triển, xâm lấn xung quanh và di chuyển khắp người (ung thư di căn).

Y học cổ truyền chia nguyên nhân ung thư ra hai loại: nguyên nhân bên ngoài là do “tà khí” xâm nhập. Tà khí là các yếu tố gây ung thư như tia nắng mặt trời gây ung thư da, vi trùng, virus, hóa chất, phóng xạ..., ăn uống nhiễm độc chất (thuốc trừ sâu, chất bảo quản...); nguyên nhân bên trong do “chính khí” suy, tức sức khỏe suy kém, suy giảm hệ miễn dịch; do các rối loạn tình chí, cảm xúc, tâm lý thái quá, chủ yếu là lo, buồn, giận, sợ kéo dài liên tục nhưng lại phải đè nén, câm nín (nuốt giận, giấu buồn - lo sợ, không dám thổ lộ). Lối sống và chế độ ăn sai lầm cũng có thể gây ung thư và rất nhiều bệnh khác như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, tâm thần...

Theo bác sĩ Vân Hùng, nguyên nhân bên trong mới là nguyên nhân chính làm phát sinh bệnh ung thư. Chính tình trạng stress (bức xúc, căng thẳng) liên tục làm tinh thần bất an, luôn phải sống trong lo - buồn - giận - sợ sẽ làm gia tăng bài tiết các chất cathechomaline, glucocorticoid làm suy giảm miễn dịch của cơ thể.

Liệu pháp 4T

“Ung thư là chặng cuối của con đường bệnh tật đầy đau khổ. Y học cổ truyền có thể góp phần giảm nguy cơ ung thư, hạn chế tái phát ung thư bằng cách giúp bồi dưỡng nội lực (chính khí) làm tăng sức đề kháng với bệnh tật nói chung và ung thư nói riêng bằng liệu pháp 4T” - bác sĩ Vân Hùng chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng liệu pháp 4T như vậy.

Liệu pháp 4T gồm: tạo một cuộc sống tinh thần luôn bình an (thanh tâm), chế độ ăn quân bình âm - dương, tập dưỡng sinh, thuốc đông dược.

Theo y học cổ truyền, lo làm hại bộ máy tiêu hóa; buồn hại bộ máy hô hấp; giận hại bộ máy vận động; sợ hại bộ máy sinh dục, tuyến thượng thận, xương tủy. Trong đó, thường xuyên lo sợ là nguy hiểm nhất vì dễ gây suy giảm miễn dịch. Vì thế, muốn tạo được một cuộc sống tinh thần luôn bình an (liệu pháp T1), không bị stress, theo bác sĩ Vân Hùng, mỗi người phải cố gắng giảm tối đa lo, buồn, giận và sợ.

Để làm được điều này cần phải đơn giản hóa cuộc sống, giảm các nhu cầu (quả dục); trong mối quan hệ giữa người với người cần vị tha, tương trợ, thương yêu lẫn nhau. Khi gặp thất bại hay không vui, không hài lòng làm căng thẳng, lo, buồn, giận, sợ thì lập tức phải suy nghĩ tìm các khía cạnh có lợi, các mặt tích cực, cái lỗi về phía mình... để lòng được thanh thản, nhẹ nhàng.

Cũng có thể phòng ngừa, chống tái phát ung thư bằng chế độ ăn uống quân bình “âm - dương”, tức cân bằng axit-base, toan-kiềm (liệu pháp T2). Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, nếu cơ thể con người có khuynh hướng toan (âm) thì hoạt động tế bào kém, các chức năng yếu đi, chất thải khó bài tiết ra ngoài, chuyển hóa cũng chậm theo, tăng gánh nặng cho gan thận, suy giảm sức đề kháng, dễ xuất hiện các bệnh mãn tính, trước tiên là cảm cúm, nhiễm siêu vi.

Để giảm nguy cơ ung thư nên kiêng hẳn mỡ động vật; hạn chế thịt (nướng, hun khói, chiên), muối, đường, trứng, hóa chất (phẩm màu, hương vị thực phẩm...); nên ăn các loại rau, củ, đậu, nấm các loại, rong tảo biển, trái cây, tỏi, mè đen, gạo lứt, cá đồng...; uống đủ nước.

Tập luyện thể lực làm tăng cường sức khỏe bằng phương pháp dưỡng sinh và các phương pháp khác (liệu pháp T3) sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch, sức đề kháng. Trong khi tập ta thường thở sâu, lượng thông khí tăng, nhờ vậy oxy tăng, CO2 giảm làm máu trở nên kiềm hơn và có nhiều oxy là điều kiện tốt cho tế bào bình thường phát triển, ức chế tế bào ung thư.

Ngoài ra có thể tập thư giãn, chống stress; tự xoa bóp lưu thông khí huyết, chống ứ trệ; hô hấp tích cực: tập thở sâu khi mệt, căng thẳng; tập thái cực quyền. Ngoài ra, có thể tập thiền định, đi bộ chậm. Chỉ khi cơ thể quá mệt mỏi mới dùng thuốc (liệu pháp T4). Có thể dùng đông dược để bồi bổ hệ miễn dịch, bổ tinh - khí - thần như đỗ trọng, ba kích, nhân sâm, linh chi, tâm sen...

Theo LÊ THANH HÀ
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG