Lác mắt dẫn đến ... mù lòa

Lác mắt dẫn đến ... mù lòa
TP - Bác sĩ Hunter Cherwek, Giám đốc Y tế bệnh viện bay ORBIS - Bệnh viện mắt hàng không duy nhất trên thế giới đang có những ngày điều trị, khám chữa bệnh mắt cho người dân miền Trung tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi riêng với ông về vấn đề này.
Lác mắt dẫn đến ... mù lòa ảnh 1

Ông nhận định thế nào về tình hình mắc các bệnh về mắt của người dân Việt Nam hiện nay?

Bác sỹ Hunter Cherwek: Ở Việt Nam, đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở những người trên 50 tuổi, chúng ta không thể phòng tránh được bệnh đục thể thủy tinh nhưng chúng ta có thể phòng tránh được mù lòa do bệnh đục thể thủy tinh gây ra bằng cách đi khám mắt hàng năm hoặc khi thấy mắt mờ để phát hiện bệnh sớm và phẫu thuật kịp thời.

Tuy nhiên tôi nghĩ Việt Nam đã khá tự tin quản lý đựơc bệnh này, và đến lúc các bạn cần phải chú trọng vào điều trị chuyên sâu cho các bệnh lý khác, như võng mạc tiểu đường, glôcôm, giác mạc...đối với người lớn và các bệnh mắt bẩm sinh ở trẻ em như đục thể thủy tinh bẩm sinh, lác/ lé, glôcôm, võng mạc gây mù ở trẻ sinh non và tật khúc xạ.

Theo ông đâu là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này? Ông có cảnh báo nào về các nguy cơ dễ dẫn đến khả năng tăng số lượng bệnh nhân mắt hiện nay?

Một điều đáng nói là rất nhiều các ca bệnh ở Việt Nam chúng tôi gặp đã ở giai đoạn muộn, tức là bệnh nhân không được khám và phát hiện bệnh sớm. Việc phát hiện bệnh muộn khiến việc điều trị khó khăn và ít hiệu quả hơn rất nhiều.

Chúng tôi được biết Việt Nam có một hệ thống y tế được tổ chức rất tốt từ tuyến cơ sở tới tuyến cao, tuy nhiên cơ sở hạ tầng của các bạn còn hạn chế, năng lực điều trị của các tuyến chưa cao và người dân chưa có nhận thức đúng về phòng bệnh nên  không có ý thức khám bệnh thường xuyên.

" Mù lòa" - 80% là oan uổng", ông nhận định về vấn đề này thế nào?

Theo tổ chức Y tế Thế giới, 80% các nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh hoặc điều trị được. Chúng tôi rất tiếc khi thấy rất nhiều trường hợp đi khám khi bệnh đã rất nặng, nên kết quả điều trị kém hoặc không thành công, và như vậy bệnh nhân phải chịu thị lực thấp hoặc mù lòa một cách không đáng có.

Cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng tránh mù lòa là đi khám mắt định kỳ ít nhất mỗi năm một lần và đặc biệt khi có dâu hiệu bất thường ở mắt như nhìn mờ, đau nhức... Ngay như việc, nhiều khi chúng ta chủ quan với bệnh lác mắt, nhưng thực tế lác mắt sẽ dẫn đến mù lòa nếu không được chữa trị sớm.

Làm gì để ngăn ngừa tình trạng lác mắt dẫn đến mù lòa này thưa ông?

Rất nhiều người không biết rằng lác có thể dẫn tới mù lòa. Nhiều người chỉ nghĩ lác khiến người bệnh trông xấu hơn, nhưng nếu lác không được phẫu thuật kịp thời (thường là trước 6 -7 tuổi) sẽ gây tật khúc xạ (cận/lọan/viễn thị) khiến thị lực giảm dần - gọi là nhược thị, và tiếp sau là mù lòa.

Cách đơn giản để phòng mù lòa cho trẻ mắt lác là đưa trẻ đi khám mắt sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Trở lại Việt Nam lần này, ORBIS tiếp tục tập trung vào những chương trình gì thưa ông?

Trong chương trình này chúng tôi chú trọng vào bệnh võng mạc và bệnh mắt bẩm sinh ở trẻ em, trong đó chủ yếu là bệnh võng mạc tiểu đường ở người lớn và võng mạc gây mù ở trẻ sinh non, và bệnh lác bẩm sinh. Đây là những bệnh chuyên sâu khó mà bệnh viện mắt Đà Nẵng mong muốn được giúp đỡ để điều trị cho người bệnh.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Huy
Thực hiện

MỚI - NÓNG