Khi trẻ thiếu sân chơi

Khi trẻ thiếu sân chơi
Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia về văn hóa, giáo dục nhìn nhận TP.HCM đang thiếu sân chơi cho trẻ em. Theo các bác sĩ và chuyên gia tâm lý, thiếu sân chơi, thiếu thời gian chơi ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ.
Thay vì mua diều làm sẵn cho con chơi, cha mẹ có thể rủ con cùng làm diều - Ảnh minh hoạ
Thay vì mua diều làm sẵn cho con chơi, cha mẹ có thể rủ con cùng làm diều - Ảnh minh hoạ.

Béo phì, giao tiếp kém

“Tùy thuộc vào lứa tuổi mà trẻ em cần vận động (đi đứng, chạy nhảy, chơi đùa...) ít nhất 30-60 phút/ngày” - bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết.

Bác sĩ Diệp giải thích: vận động sẽ kích thích tăng trưởng ở đầu các xương, giúp trẻ phát triển chiều cao, đồng thời tăng mức độ linh hoạt cho trẻ và giúp cơ bắp trẻ phát triển tốt hơn. Ngoài ra vận động cũng giúp trẻ có tinh thần tập thể và phát triển trí tuệ.

Đặc biệt, tăng cường vận động sẽ giúp trẻ tránh thừa cân, béo phì - hiện ở mức đáng báo động tại TP.HCM nói riêng và VN nói chung.

“Theo kết quả điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, hiện có khoảng 10% trong số trẻ dưới 5 tuổi ở thành phố bị thừa cân, béo phì. Ở học sinh tiểu học, con số này khoảng 27%” - bác sĩ Diệp cho hay.

Bác sĩ Hà Thị Kim Yến, trưởng khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, lưu ý trẻ thiếu vận động sẽ gặp nhiều vấn đề trong việc phát triển toàn diện các giác quan cần thiết: thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, hệ thống bắp thịt cơ xương khớp và hệ thống tiền đình (giúp giữ thăng bằng - NV).

“Khi cho trẻ chơi với các tập tranh màu/tô màu, trẻ sẽ học cách phân biệt các màu sắc; cho trẻ chơi trò đoán tiếng động, trẻ sẽ học được cách phân biệt những âm thanh khác nhau” - bác sĩ Yến nói.

Bác sĩ cũng cảnh báo hiện nay thành phố đất chật người đông, thiếu sân chơi cho trẻ, cùng với việc lo lắng an toàn cho con nhiều phụ huynh chọn cách bảo bọc con thật kỹ và “bù đắp” cho con bằng những tiện nghi hiện đại như truyền hình cáp, Internet... dẫn đến trẻ không có điều kiện trải nghiệm để phát triển các giác quan.

Chẳng hạn có bé được bố mẹ sắm cho phần mềm học tiếng Anh trên máy tính, bé có thể nói theo các bài đàm thoại trên máy rất tốt bằng giọng rất chuẩn nhưng lại nín thinh khi gặp người nước ngoài và rất nhát khi tới chỗ đông người.

Giúp trẻ vận động mọi lúc, mọi nơi

Theo các bác sĩ, trẻ em có thói quen hoạt động nhiều sẽ ngủ ngon vào buổi tối. Khi trẻ ngủ sâu, cơ thể tiết ra hormon tăng trưởng nhiều hơn. Vì vậy cha mẹ nên tạo điều kiện cho con vận động càng nhiều càng tốt, chẳng hạn yêu cầu con giúp việc nhà: xếp quần áo, quét nhà, lau nhà...

Nếu trường con học gần nhà nên cho con đi bộ, có thể đi cùng với con. Ngày cuối tuần nên tập thể dục chung với con, đơn giản là rủ con đi bộ trong khu phố hay đưa con đi công viên.

“Tốt nhất nên vận động ngoài trời để trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hấp thu vitamin D - một trong các nguồn cung cấp canxi chủ yếu cho cơ thể trẻ” - bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên.

Cha mẹ nên dành thời gian chơi với con để rèn các giác quan và kỹ năng cho bé.

Bác sĩ Hà Thị Kim Yến gợi ý: trong bối cảnh cái gì cũng sẵn có như hiện nay, cha mẹ cần sáng tạo để con có điều kiện chơi và vận động. Chẳng hạn như chơi thả diều, thay vì mua diều làm sẵn cho con chơi, cha mẹ có thể rủ con cùng làm diều; hoặc đóng vai người nước ngoài để trò chuyện bằng tiếng Anh với con...

Tại trường học, các bác sĩ đề nghị thầy cô nên tận dụng mọi cơ hội để học sinh vận động, như thường xuyên gọi học sinh phát biểu, lên bảng làm bài tập. Giờ ra chơi, nên tạo điều kiện cho các em được chạy nhảy, vui chơi.

Trong điều kiện nhà trường quá chật chội không thể thiết kế sân chơi cho học sinh, thầy cô có thể bày cho học sinh chơi những trò “cổ điển” như ô quan, nhảy dây, đánh chuyền, trốn tìm, nhảy lò cò... vừa có ích cho trẻ, vừa tạo mối quan hệ gần gũi thầy - trò; hoặc tổ chức cho các lớp ra chơi lệch giờ như mô hình ở một số nước tiên tiến.

Theo Tường Vy
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG