Sốt xuất huyết vào đỉnh dịch

Các bác sĩ khuyến cáo tháng 10 và 11 bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết vào đỉnh dịch Ảnh: L.N
Các bác sĩ khuyến cáo tháng 10 và 11 bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết vào đỉnh dịch Ảnh: L.N
TP - Sốt xuất huyết (SXH) và bệnh tay chân miệng đang gia tăng dữ dội tại TPHCM. Các chuyên gia y tế dự báo tháng 10 và 11 tới là thời điểm hai căn bệnh này đạt đỉnh dịch.

>> Hậu Giang: Người chết vì sốt xuất huyết tăng

Các bác sĩ khuyến cáo tháng 10 và 11 bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết vào đỉnh dịch Ảnh: L.N
Các bác sĩ khuyến cáo tháng 10 và 11 bệnh tay chân miệng
và sốt xuất huyết vào đỉnh dịch. Ảnh: L.N.


Tăng nhanh, biến chứng mạnh

Tại khoa Nhiễm Thần kinh- BV Nhi đồng 1 ngày 24-9 có 61 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang nằm điều trị, tăng gần gấp đôi so với cách đây một tuần, trong đó có 10 ca bị biến chứng thần kinh nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh bệnh viện này cho biết, thời gian gần đây bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng nhanh mặc dù đỉnh dịch của bệnh này rơi vào tháng 10 và 11 hằng năm.

Tại Khoa Nhiễm Thần kinh của BV Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng cũng tăng cao trong hai tuần qua khi nơi đây có 150 trẻ nhập viện điều trị, 20% trong số đó bị biến chứng do nhập viện quá muộn. Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có gần 2.400 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Trong khi bệnh tay chân miệng đang gia tăng thì SXH cũng đang vào đỉnh dịch với số ca mắc ở TPHCM trên 300 ca mỗi tuần. Dịch không chỉ bùng phát ở các quận ngoại thành như Tân Bình, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… mà còn ở các quận nội thành. Ghi nhận tại khoa Nhiễm của BV Nhi đồng 2 trong ngày 24-9, có 120 trẻ mắc bệnh phải điều trị nội trú, trong đó có 12 ca trẻ bị sốc độ 3, độ 4.

Theo BV Nhi đồng 2, từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ mắc bệnh tăng cao với hơn 400 ca nhập viện, tăng hơn 30% so với cùng thời điểm tháng 8. Tương tự, tại Khoa SXH - BV Nhi đồng 1, trong tuần qua cũng có 100 bệnh nhi mắc SXH điều trị, 40% bệnh nhi ở TPHCM.

Đừng đến bệnh viện muộn

Sau 5 ngày sốt, ói ra dịch, xuất huyết…, Nguyễn Phước Thảo (7 tuổi ở Cai Lậy, Tiền Giang) mới được người nhà đưa đến BV Nhi đồng 1 cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết Thảo bị sốc SXH độ 4 rất nguy kịch.

Tác nhân gây bệnh tay chân miệng là enterovirus 71 chưa có thuốc chủng ngừa nên cách phòng ngừa hiện nay là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống; không nên cho trẻ bệnh đến trường học, nhà trẻ, chợ, hồ bơi khi mắc bệnh và rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến- Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1 cho biết, những trường hợp nhập viện muộn khi đã bị sốc độ 3-4 không hiếm ở khoa Cấp cứu. Trong 100 ca SXH đang điều trị tại BV này có 13 ca bị sốc nặng, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, buộc phải điều trị tích cực lâu dài.

Theo bác sĩ Tiến, đa số trẻ bị sốc do nhập viện muộn thường kèm theo biến chứng suy đa cơ quan, suy thận cấp, suy gan kèm tràn dịch màng phổi… rất nguy hiểm, dễ gây tử vong. Vì vậy khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày và có biểu hiện bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen kèm đau bụng, ói..., cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Đối với bệnh tay chân miệng, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, biến chứng của căn bệnh này rất nguy hiểm bởi mức độ tử vong nhanh và cao, nên cha mẹ phải mang trẻ đến bệnh viện sớm nếu thấy các dấu hiệu đáng ngờ.

MỚI - NÓNG