Toàn thân mọc vẩy sau một đêm thức trắng

Toàn thân mọc vẩy sau một đêm thức trắng
Bệnh vảy nến là căn bệnh khó chữa. Đã vây, càng mệt mỏi, stress thì tình trạng bệnh lại càng nặng.

Chỉ một đêm thức trắng vì lo nghĩ khi phát hiện mình mắc bệnh vẩy nến, toàn thân chị M (45 tuổi, Quảng Ninh) bị đóng trạt những mảng đỏ, mắt mũi sưng húp, các móng tay bị ăn khuyết dần và thay thế vào đó là các chất bột vụn đội bờ lên. Đến bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ cho biết, những căng thẳng, stress đã khiến bệnh chị tái phát và đột ngột nặng lên.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa khám bệnh, Viện Da liễu T.Ư, ông cho biết, bệnh vẩy nến là bệnh đỏ da có vẩy, cạo vào da bong như cạo vào thân cây nến. Đây là bệnh mãn tính, rất khó chữa.

Bệnh thường phát đầu tiên trên da đầu, bong vẩy, khô và người ta tưởng bị á sừng. Sau đó bệnh lan xuống người, xuống thân và thường hay tập trung ở vùng tì, đè như 2 đầu gối, 2 cùi tay, vùng hông… Nặng hơn nữa có thể vào móng, vào khớp, thường là các móng tay dầy lên.

Bệnh thường tập trung ở lứa tuổi trung niên, thanh niên, tùy theo cơ địa của từng bệnh nhân, có bệnh nhân thiên về mùa hè, có người thiên về mùa đông.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành, bệnh vẩy nến có một đặc điểm là bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe, không lây lan cho ai. Bệnh chỉ làm cho bệnh nhân xấu đi và làm cho người mắc bệnh rất mặc cảm với cuộc sống. Sự tự ti, tâm lý quá u sầu về bệnh, quá lo nghĩ về bệnh sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng. Càng stress bệnh càng nặng.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Nhược Kim, Viện YHCT T.Ư, trong y học cổ truyền, bệnh vẩy nến được gọi là tùng bì tiễn. Bệnh phát sinh do yếu tố gây bệnh bên trong, được gọi là thất tình, tức là tất cả sự thay đổi, các căng thẳng về mặt tâm lý gây nên. Thất tình gồm 7 loại tình chí của con người: Vui, buồn, giận, lo, nghĩ, sợ, kinh khủng. Khi những trạng thái đó thay đổi, có thể làm phát sinh và phát triển ra bệnh. Về điều này, trên lâm sàng người ta thấy rất rõ, những căng thẳng tinh thần càng cho thấy bệnh dễ xuất hiện và xuất hiện nặng hơn.

Ngoài ra, những tác động bên ngoài như thay đổi thời tiết, mà trong YHCT gọi là các tà khí từ bên ngoài xâm hại vào cơ thể và nó chia làm 6 lạo tà khí: phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm), táo (độ khô), hỏa (nóng). Sự thay đổi của các thời tiết thất thường là yếu tố thuận lợi làm cho bệnh phát sinh và phát triển.

Tắm lá xà cừ, lá lim sẽ khiến vẩy nến phát tác

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thành, một điều nữa khiến cho bệnh nặng lên là do quan niệm của người Việt Nam: có bệnh vái tứ phương và vái không đúng chỗ khiến bệnh tái phát.

Bác sĩ Thành cho hay, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị biến chứng nặng do tự ý sử dụng thuốc đông y hay thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là dùng thuốc có coticoid (dạng tiêm, đào thải chậm) để chữa bệnh vẩy nến.

“Tiêm thuốc này vào bệnh nhân có thể sau một tháng bệnh hết ngay, gần như người bình thường, nhưng sau 3 tháng, có thể gây bệnh trở lại rất nặng là đỏ da toàn thân do vẩy nến. Do đó mà bệnh nhân thường không biết, thấy như thế tưởng khỏi rồi, nhưng thực ra bệnh này không bao giờ khỏi, kể cả lúc khỏi rồi coi như mầm bệnh nó vẫn còn ở trong người, do đó nó phát lại bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, một số thầy lang lợi dụng vào coticoid, người ta sẽ cho thuốc cho bệnh nhân trộn với coticoid đường uống, làm cho bệnh giảm rất nhanh nhưng tái phát cũng rất nặng.

Một số bệnh nhân còn bôi, dùng các thuốc kích thích quá mạnh như muốn bong vẩy người ta đi tắm nước xà cừ, lá lim... làm cho phản ứng tại chỗ và bệnh sẽ nặng thêm”. Bác sĩ Thành nói.

Theo Nguyên
Khoa học đời sống
Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG