Nhiều trẻ bị bệnh cúm do siêu vi trùng

Chuyển mùa, cảnh giác với bệnh cúm, viêm phổi ở trẻ

Chuyển mùa, cảnh giác với bệnh cúm, viêm phổi ở trẻ
TP - Những ngày vừa qua, miền Bắc đang trong thời tiết giao mùa sang thu: Ban ngày trời nắng nóng nhưng đêm không khí lại se lạnh, độ ẩm tăng cao. Đây là thời tiết thuận lợi cho các loại siêu vi trùng phát triển.

Cùng với sự thay đổi của thời tiết, số trẻ đến khám tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư tăng đáng kể vì đây là thời điểm bệnh cúm dễ bùng phát.

Nhiều trẻ bị bệnh cúm do siêu vi trùng

Ước tính trong những ngày thời tiết chuyển mùa này có 1.500 trẻ khám mỗi ngày tại Khoa Khám bệnh.

Theo PGS, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc – Phụ trách đơn vị khám và tư vấn hen phế quản, hô hấp, khoảng 70% bệnh nhi nhập viện do siêu vi trùng gây cúm, viêm đường hô hấp.

Chị Vũ Trang (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) bế con trai gần 2 tuổi trên tay nhưng cậu bé vẫn khóc ngằn ngặt vì mệt mỏi. Vừa dứt đợt viêm phổi được mấy ngày, cháu bé này lại bị hắt hơi, sổ mũi, sốt và ho.

Đến khám bác sĩ mới biết con bị cúm. Bác sĩ Lộc cho hay bệnh cúm do nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các triệu chứng chủ yếu là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Khi mắc cúm ho thường nặng và kéo dài còn những triệu chứng khác thường giới hạn và hồi phục trong vòng từ hai đến bảy ngày.

Trên lâm sàng bệnh cúm giống như cảm lạnh thông thường hoặc các bệnh viêm tắc thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi virus... Theo các chuyên gia dịch tễ bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh. Tỷ lệ mắc bệnh cao và biến chứng chủ yếu là viêm phổi virus hoặc bội nhiễm vi khuẩn.

Bệnh lây qua đường hô hấp còn đối với những đồ dùng, vật dụng như bát, đũa, chăn màn... thì rất khó lây truyền bệnh. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận – Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, thời kỳ ủ bệnh thường từ ba đến năm ngày kể từ khi có triệu chứng lâm sàng với người lớn và kéo dài tới bảy ngày với trẻ em.

Virus thải ra từ bệnh nhân ở cuối thời kỳ ủ bệnh và đào thải nhiều nhất trong thời kỳ phát bệnh từ ba đến bốn ngày. Thông thường khi khỏi bệnh thì không lây cho người khác nữa.

Bác sĩ Lộc khuyến cáo khi trẻ em bị cúm cần phải được điều trị sớm, có thể điều trị tại nhà nhưng dưới sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ. Đặc biệt không tự ý mua kháng sinh cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ.

Nếu trẻ sốt cao trên 38,50C, đặc biệt là trên 390C mà dùng thuốc hạ sốt không đỡ, trẻ lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên năm ngày phải đưa trẻ đến viện vì sốt có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh nguy hiểm.

Cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ thân nhiệt ổn định (tuyệt đối tránh để trẻ tiếp xúc với không khí nóng - lạnh đột ngột). Trường hợp trẻ bị cúm nên cho trẻ nghỉ học để không lây sang các bạn cùng lớp. Ngoài ra cha mẹ cần cung cấp đủ dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng tốt giúp phần nào chống lại các virus gây bệnh.

Gia tăng trẻ bị hen phế quản

Do đang là thời gian chuyển mùa nên số trẻ nhập viện do bị hen phế quản cũng tăng mạnh. Đây là bệnh có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây ở trẻ nhỏ.

Thống kê của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp BV Nhi cho thấy khoảng 10-20% trẻ nhập viện do hen phế quản. Hen phế quản khó chẩn đoán do dễ nhầm lẫn với bệnh viêm phổi do virus, nhất là viêm phổi do hợp bào đường hô hấp vì cùng có biểu hiện ho khò khè.

Nhầm lẫn trong điều trị bệnh này sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân, có thể gây tử vong. Bác sĩ Lộc lý giải nguyên nhân gây nguy hiểm là do viêm phổi phải điều trị bằng kháng sinh còn bệnh hen tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh mà điều trị bằng thuốc cắt cơn hen và điều trị dự phòng.

Hen phế quản thường bắt đầu từ 2-10 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ có bố hoặc mẹ bị hen phế quản cao hơn nhiều so với trẻ không có bố hoặc mẹ mắc bệnh. Ở trẻ em, cơn hen thường bắt đầu bằng cảm lạnh thông thường. Nhiều khi cơn hen xuất hiện dưới dạng viêm phế quản hay viêm mũi- phế quản.

Cơn hen đầu tiên xuất hiện thường là sau một đợt nhiễm trùng nặng về đường hô hấp, đôi khi đó là do bụi, lông súc vật, hơi khói của bếp than tổ ong, phấn hoa, khói thuốc lá...

Có trường hợp cơn hen xuất hiện sau một thời gian cắt amidan, tiêm thuốc hay tiêm chủng, thay đổi khí hậu, môi trường sống... Hen phế quản thường kèm theo sốt, viêm họng.

MỚI - NÓNG