Chưa có thuốc ngừa bệnh tay - chân - miệng

Chưa có thuốc ngừa bệnh tay - chân - miệng
TP - Cháu tôi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tay - chân - miệng buộc phải nhập viện điều trị. Tôi rất lo vì nghe nói bệnh này thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và biến chứng rất nặng. Xin bác sĩ cho biết bệnh này như thế nào? - Hoàng Lan (Bến Cát, Bình Dương)

Trả lời:

Hiện nay bệnh tay - chân - miệng (TCM) gia tăng ở nhiều địa phương. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng do viêm não cấp, diễn tiến phức tạp. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi nhỏ hơn 4 tuổi, tập trung nhiều vào tháng 2-4 và 9-12 hằng năm. Môi trường đông đúc và thời tiết nóng bức, lúc giao mùa là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và lan rộng.

Bệnh TCM lây qua đường tiêu hóa, trẻ này lây qua trẻ khác do ngậm mút tay bẩn, qua tay người chăm sóc, hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, đồ chơi, vật dụng bị ô nhiễm phân trẻ bệnh. Lây nhiều và nhanh nhất trong môi trường nhà trẻ, mẫu giáo đông đúc, không đảm bảo vệ sinh.

Biểu hiện ban đầu thường là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Sau đó những nốt hồng ban nổi trên nền da, trở thành bóng nước trong một hai ngày đầu. Ở miệng có vết loét, thường ở phía trong miệng, trên lưỡi, tại vòm miệng hoặc ở lợi làm trẻ nuốt đau. Bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay…

Ngoài những dấu hiệu trên, đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng như hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Trong giai đoạn diễn tiến, khi siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng hay co giật khiến trẻ có thể tử vong.

Bệnh TCM hiện chưa có thuốc chủng ngừa, vì vậy phòng bệnh rất cần thiết để ngăn chặn bệnh lan rộng. Theo đó, khi trẻ bệnh nên cho nghỉ học để chăm sóc và theo dõi. Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, giữ sạch đồ chơi, vật dụng và sát trùng sàn nhà; người chăm sóc rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ, sau mỗi lần vệ sinh, thay tã cho trẻ, trước và sau khi cho trẻ ăn.

Ngoài ra, giặt quần áo, rửa sạch và khử trùng dụng cụ cá nhân của trẻ, đồ chơi bị nhiễm dịch tiết mũi họng của trẻ để tránh lây lan. Nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng trên.

MỚI - NÓNG