Chất lượng nước đá viên: Thả nổi!

Chất lượng nước đá viên: Thả nổi!
TP - Dễ nhận thấy đá viên của nhiều cơ sở sản xuất thủ công thực chất chỉ là hình thù khác của đá cây. Người ta mua khuôn tạo hình đá viên ở đường Giảng Võ, Hà Nội, rồi vẫn nước máy ấy mà làm.
Chất lượng nước đá viên: Thả nổi! ảnh 1
Dây chuyền sản xuất đá viên tinh khiết của Cty Thủy Tạ

May lắm sục qua khí ozone, cho đông thành đá, thế là xong. Khuôn đá viên mới dùng sáng bóng, nhưng chỉ một thời gian ngắn chuyển sang ố vàng do trong nước có thành phần oxy hóa và còn nhiều cặn bẩn.

Giá đá viên sản xuất thủ công rất rẻ, cao nhất cũng chỉ 200đ/kg. Trong khi đá viên tinh khiết sản xuất theo dây chuyền hiện đại của Cty Thủy Tạ có giá 700đ/kg.

Chính vì thế, nhiều nhà hàng, quán giải khát, thậm chí không ít khách sạn chọn mua loại đá viên thủ công, vừa không mất công đập vụn như đá cây, lại rẻ tiền. Đá viên cho vào ly cà phê, cốc nước mía, có trời biết sạch bẩn thế nào.

Một cơ sở sản xuất đá viên thủ công tại phường Tứ Liên (Hà Nội) mỗi ngày cơ sở này làm ra 5 tấn đá, chủ yếu bán buôn cho các nhà hàng, khách sạn. Nhân viên ở đây hầu như không có quần áo bảo hộ. Nơi sản xuất chỉ là một căn nhà hẹp, vừa để ở, vừa chứa mấy thứ máy móc làm đá thô sơ.

Theo quy định mới của Bộ Y tế, các cơ sở chế biến thực phẩm tự công bố chất lượng và đăng ký với cơ quan quản lý. Nhiều người cho rằng quy định này thực chất thả lỏng chất lượng thực phẩm, trong đó có nước đá. Đó là chưa nói bản công bố chất lượng của các cơ sở rất khác nhau.

Có khi chỉ cần 4 gạch đầu dòng cũng làm nên một bản công bố chất lượng. Trong khi đó, công bố chất lượng của một Cty nước đá có uy tín ở Hà Nội lên tới 30 gạch đầu dòng, không chỉ về các chỉ tiêu sinh hóa tối thiểu mà còn quy định cụ thể về các chất gây hại cho cơ thể.

Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, bác sĩ Hàn Tự Do cho biết, trên địa bàn TP hiện có 17 cơ sở sản xuất đá viên đã đăng ký chất lượng, còn những cơ sở không đăng ký hoặc mới mở thì không ai quản lý!

“Những cơ sở mới mọc lên, cơ quan quản lý có thể biết có thể không. Nhưng chính quyền địa phương phải nắm được - BS Do nói - Với những cơ sở đã đăng ký thì hoàn toàn yên tâm vì chúng tôi tiến hành giám sát định kỳ”.

Theo khảo sát chưa đầy đủ, các cơ sở sản xuất đá viên trong thành phố mọc lên như nấm sau mưa chưa thể dừng lại ở con số trên 100.

BS Nguyễn Văn Dũng, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng một năm kiểm tra hai lần không nói lên điều gì: “Làm sao khẳng định được cơ sở đó có xử lý nước thường xuyên không. Đúng là có những cơ sở đã xử lý nước bằng chlorine trước khi làm đá. Nhưng liều lượng chlorine như thế nào, không thể biết được”.

Một bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, rất nhiều trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột dẫn đến đau bụng, tiêu chảy sau khi uống nước đá. Thường xuyên sử dụng đá bẩn nguy cơ cao làm tổn thương đường tiêu hoá, ảnh hưởng tới sức khoẻ. 

Phân biệt được không?

Ông Vũ Quốc Hưng, Giám đốc Cty cổ phần Thủy Tạ, nói có thể phân biệt đá viên tinh khiết pha lê thứ thiệt và đá viên thủ công nếu chịu khó để ý một chút.

Đá viên bình thường khi tan hết để lại cặn, vẩn đục. Đá viên tinh khiết cho vào cốc nước vẫn trong suốt, có thể nhìn thấu sang bên kia. Khi tan hết, vẫn trong như nước khoáng.

BS Nguyễn Văn Dũng khuyên người tiêu dùng sử dụng đá viên tinh khiết có bao gói, nhãn mác rõ ràng.

Tuy nhiên, trong khi việc quản lý các cơ sở sản xuất đá viên thủ công gần như bị thả nổi, cộng với giá cả chênh lệch quá lớn so với đá viên tinh khiết, đá viên “bẩn” chắc chắc vẫn có chỗ đứng trên thị trường khi mà chỉ riêng Hà Nội mỗi ngày cần không dưới 120 tấn đá viên. 

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.