Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng

Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng
TP - Những thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá trứng... có nhiều sắt và sắt có chất lượng cao, dễ được cơ thể hấp thu và sử dụng. Vì vậy, một chế độ ăn có ít thức ăn động vật thường hay bị thiếu máu.

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng huyết cầu tố (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu.

Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng ảnh 1
Hàm lượng sắt trong trứng rất cao.

PGS.TS Lê Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu TƯ cho biết, đối tượng hay bị thiếu máu nhất là trẻ em và phụ nữ có thai. Ở Việt Nam có đến 60% số trẻ em ở độ tuổi 6-24 tháng và 30-50% số phụ nữ mang thai bị thiếu máu.

Nguyên nhân thiếu máu dinh dưỡng

Thiếu máu có nhiều nguyên nhân khác nhau: Do nhiễm ký sinh trùng (giun sán sốt rét), do mất máu, do bệnh lý về huyết sắc tố (Hb), hay thiếu dinh dưỡng.

Nguyên nhân thường gặp nhất là do lượng sắt cung cấp từ ăn uống không đủ nhu cầu hàng ngày.

Lượng sắt thực tế hiện nay của bữa ăn người Việt chỉ đạt khoảng 30 - 50% nhu cầu, nhất là ở các vùng nông thôn. Do vậy tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở các vùng này thường rất cao.

Dấu hiệu thiếu máu dinh dưỡng

Ở trẻ em: Da xanh xao, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt. Trẻ thường kém hoạt bát, nếu đã đi học thường học kém, hay buồn ngủ. Dễ bị các bệnh nhiễm trùng.

Ở phụ nữ có thai: Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mệt mỏi, khi thiếu nặng thường có dấu hiệu chóng mặt, tim đập mạnh.

Những nguồn sắt trong thức ăn

Có thể chia nguồn sắt trong thức ăn ra làm 2 loại chính:

Những thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá trứng... có nhiều sắt và sắt có chất lượng cao, dễ được cơ thể hấp thu và sử dụng. Vì vậy, một chế độ ăn có ít thức ăn động vật thường hay bị thiếu máu.

Những thức ăn nguồn gốc thực vật như ngũ cốc, gạo, ngô, một số loại rau có nhiều chất xơ (bữa ăn phổ biến ở nông thôn hiện nay),... thường có lượng sắt thấp và sắt chất lượng kém, làm cơ thể khó hấp thu và sử dụng.

Có một số rau quả nhiều vitamin C, lại có tác dụng hỗ trợ hấp thu sắt tốt hơn.

Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng

Biện pháp cải thiện chế độ ăn, đa dạng hoá bữa ăn, ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau nhất là nguồn thức ăn động vật có nhiều sắt như thịt, gan, trứng, tiết, thức ăn giàu vitamin C như rau quả.

Bổ sung viên sắt cho các đối tượng có nguy cơ cao

Trẻ gái từ 13 tuổi trở lên, cần được uống viên sắt dự phòng, mỗi tuần uống một viên để tạo nguồn sắt dự trữ đầy đủ cho cơ thể. Khi có thai cần kết hợp ăn uống tốt với uống viên sắt đều đặn, mỗi ngày một viên (60mg sắt) trong suốt thời gian mang thai cho tới sau khi sinh 1 tháng.

Bổ sung sắt cho trẻ em là rất cần thiết, nhưng cần có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.

Tăng cường sắt vào thực phẩm: Hiện nay nước ta đang nghiên cứu tăng cường sắt vào thức ăn như bánh bích qui, nước mắm, nhằm đưa một lượng sắt đủ cho nhu cầu qua những thức ăn này .

Phối hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, phòng chống nhiễm giun.

MỚI - NÓNG
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
TPO - Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với năm học mới 2024 -2025. Trong đó thông tin, đơn vị đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.