Một người Trung Quốc dành cả cuộc đời tìm hiểu về Bác Hồ

Một người Trung Quốc dành cả cuộc đời tìm hiểu về Bác Hồ
TP - Đã bước sang tuổi 65, nhưng trông ông Hoàng Thanh vẫn còn lanh lẹ và minh mẫn lắm. Mỗi khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đôi mắt ông lại sáng lên một niềm kính phục.
Một người Trung Quốc dành cả cuộc đời tìm hiểu về Bác Hồ ảnh 1
 Giáo sư Hoàng Tranh

Hình ảnh Hồ Chủ tịch với trang phục giản dị và đôi mắt sáng tinh anh đầy nghị lực và ý chí cách mạng được đăng tải trên báo chí Trung Quốc năm 1950 khi Người tới thăm đất nước này đã để lại những ấn tượng khó phai trong tâm khảm cậu bé Hoàng Tranh. Kể từ đó, Hoàng Tranh đã bắt đầu tìm hiểu về Người. Đến nay, ông vẫn đang thu thập các tài liệu quý về Người.

Sau giờ giải lao hội thảo “Hồ Chí Minh với Long Châu” tổ chức tại huyện Long Châu vừa qua có sự tề tựu của học giả hai nước, tôi thấy ông bắt tay và trò chuyện khá thân mật với các đồng nghiệp Việt Nam như: TS Chu Đức Tính - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, GS Trần Thành - Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh...

GS Hoàng Tranh đã 10 lần sang Việt Nam. Mỗi dịp sang Việt Nam, ông luôn tranh thủ thời gian gặp gỡ, trao đổi và sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù nay đã thôi công tác quản lý (Phó Viện trưởng) nhưng ông vẫn hăng say công tác nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây.

Cho tới nay, GS Hoàng Tranh đã cho công bố 6 cuốn sách nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc, trong đó, gần đây nhất là cuốn sách ảnh Hồ Chí Minh với Quảng Tây (năm 2006). Ông xúc động nói với tôi: “Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại, đây là một con người hoàn thiện, một con người cả cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng độc lập dân tộc và phấn đấu cho sự nghiệp CNXH.

Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp cho tình hữu nghị Trung - Việt, xây dựng trong lòng nhân dân Trung Quốc một tình cảm sâu đậm. Tình cảm của Người dành cho nhân dân Trung Quốc làm cho chúng tôi vô cùng xúc động.

Một điều nữa, Hồ Chí Minh là một nhân vật của thế giới. Người để lại dấu chân hoạt động cách mạng trên rất nhiều địa danh trên thế giới, và đã có những ảnh hưởng đến phong trào cách mạng giai cấp vô sản. Những phẩm chất cách mạng đó đã làm tôi rất xúc động. Chính nhân cách vĩ đại của Hồ Chí Minh đã thúc giục tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về Người. Tôi vô cùng kính mến Hồ Chí Minh”.

Sang thăm Trung Quốc những năm 50 của thế kỷ trước để tranh thủ sự giúp đỡ của nước bạn trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần dừng chân trên đất Quảng Tây.

Một người Trung Quốc dành cả cuộc đời tìm hiểu về Bác Hồ ảnh 2
Bìa cuốn sách “Hồ Chí Minh với Quảng Tây” của GS Hoàng Tranh

Quảng Tây là nơi có nhiều địa điểm - di tích nhất gắn liền với cuộc đời hoạt động của Người, trải dài ở nhiều địa danh: Long Châu, Liễu Châu, Tĩnh Tây, Nà Pha... Người vẫn luôn nhớ đến những người bạn năm xưa. Một số người đã được Chủ tịch hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam.

Những tình cảm gắn bó sâu đậm đó giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Trung Quốc nói chung và nhân dân Quảng Tây nói riêng là những mạch nguồn để GS Hoàng Tranh dành trọn cuộc đời nghiên cứu về Người.

Trong cuốn Hồ Chí Minh với Quảng Tây GS Hoàng Tranh có kể một câu chuyện khá xúc động về Người mà ông đã nghe nhiều nhân chứng kể lại. Tháng 9/1944, để tránh sự lùng sục gắt gao của quân Pháp - Nhật, từ Pác Bó, Bác tạm lánh sang thôn Lũng Ỷ (khu Bình Mạnh, tỉnh Quảng Tây).

Đây là một xóm núi nhỏ có chừng 17 - 18 gia đình, nằm trên một sườn núi, xung quanh là rừng già dày đặc, khá lý tưởng cho hoạt động bí mật. Bác ở trong nhà một nông dân dân tộc Choang tên là Lâm Vĩ Hồng. Đấy là một ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp tranh.

Một ngày giữa tháng 11/1944, hương cảnh Quốc dân Đảng lục soát trong thôn. Lúc này, Bác đang ốm không dậy được. Một đảng viên cộng sản trong thôn là Tô Trung Lương phát hiện bọn hương cảnh liền chạy tới báo tin cho Vĩ Hồng và lập tức cõng Bác luồn cửa sau đi vào rừng.

Để bảo đảm an toàn cho Bác, Tô Trung Lương cùng hai người khác trong thôn là Lâm Kiên Cường và Dương Quý Lan đã làm một lều nhỏ cạnh hang đá Ba Sơn ở phía sau thôn làm nơi ở cho Bác. Trong lều có một chiếc giường và bàn nhỏ bằng tre.

Sắp tới, GS Hoàng Tranh sẽ cho xuất bản hai cuốn sách ảnh Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh với Hồng Công và Quảng Đông. Ngoài ra, ông cũng sẽ biên tập một cuốn sách ảnh về Trường Dục Tài (Khu học xá Trung ương như cách gọi của các học sinh VN ngày ấy, nay là trường ĐH Quảng Tây-PV) được thành lập theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp do Đảng ủy và chính quyền tỉnh Quảng Tây giúp đỡ.

Bác và người cảnh vệ đã ở đây trong thời gian dài, bà con trong thôn vẫn thỉnh thoảng vào núi đưa cơm, thức ăn và thuốc chữa bệnh cho Người. ở chiếc lều cỏ đơn sơ ấy, Bác vẫn làm việc. Tháng 12 năm đó, khi tình hình Pác Bó khá hơn, Người mới rời Lũng ỷ về Việt Nam hoạt động...

GS Hoàng Tranh bộc bạch: “Mỗi lần phát hiện ra một tài liệu mới, tôi đều cảm thấy hết sức vui mừng. Trong quá trình nghiên cứu, một lần tôi đã phát hiện bài báo thứ 11 của Hồ Chí Minh trên một tờ báo ở Quế Lâm, sau đó bài báo này đã được đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập của Việt Nam.

Việc làm này đã làm tôi rất vui vì công việc của mình đã được các bạn Việt Nam khẳng định. Điều đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Có thể nói, mỗi lần tìm được tài liệu mới về Hồ Chí Minh, tôi đều cảm thấy rất vui và niềm vui này lại là động lực để tôi tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để có được những tài liệu, thông tin, mới”.

“Việc nghiên cứu về hoạt động Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây đang gặp những khó khăn gì?” - Tôi hỏi ông. Thoáng chút trầm tư trên khuôn mặt ông: “Những nhân chứng hầu hết đã qua đời, con cháu họ còn sống song sự hiểu biết về quá khứ không còn nhiều. Do đó, đây là công việc quan trọng, cần phải tranh thủ thời gian nếu không qua một vài năm thì công việc lại trở nên khó khăn gấp bội...”.

Nhưng rồi ông lại sôi nổi khi nói về kết quả của cuộc hội thảo “Hồ Chí Minh với Long Châu”. Hội thảo góp phần nhắc nhở chính quyền Quảng Tây, các cơ quan quản lý, các bảo tàng, cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể tranh thủ tập hợp lực lượng, thu thập tài liệu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nếu làm được điều đó thì đây là một thành công của hội thảo này”- Ông nhấn mạnh.

Chia tay tôi, GS Hoàng Tranh nói, nhất định ông sẽ còn sang Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể, tranh thủ sự giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp để hoàn tất những công trình sắp xuất bản.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.