Tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp:

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể là nạn nhân

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể là nạn nhân
“Trong thời đại bùng nổ thông tin truyền thông như hiện nay, nhất là thông tin trên mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh chứ hành động tẩy chay a dua theo đám đông khi chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng”- PGS- TS. Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương đã nhận định như trên xung quanh câu chuyện về sự cố của Công ty THHH DV-TM Tân Hiệp Phát (THP).

Còn nhiều lỏng lẻo

Thưa ông, trong kinh tế thị trường, cạnh tranh là một quy luật tất yếu, nhưng phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thương mại, ông có nhận xét gì về môi trường cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện nay?

- Trong quan hệ kinh tế thị trường, chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử. Năm 2007, khi gia nhập WTO, chúng ta đã sửa lại luật theo chuẩn mực của WTO để đảm bảo đúng nguyên tắc. Bên cạnh đó, gần đây nhà nước ta đã ký kết nhiều dự án FDI tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng sản xuất từ trong nước ra thị trường nước ngoài và ngược lại tạo khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta... Mục tiêu là tạo ra các khuôn khổ pháp lý và môi trường cạnh tranh theo nguyên tắc của WTO.

Nhà nước cũng đã rà xét lại các yếu tố để tăng sức cạnh tranh quốc gia và môi trường cạnh tranh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước. Gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã sửa đổi hàng loạt các bộ luật liên quan đến cạnh tranh như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư...

Tuy nhiên, trên thực tế môi trường cạnh tranh của chúng ta chưa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp, bởi về mặt lý thuyết và trên thực tiễn mà nói, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo đúng nguyên tắc của thị trường sẽ phát triển nền kinh tế và doanh nghiệp, nhưng điều này trong thời gian qua chưa được thể hiện tốt lắm. Nguyên nhân, có thể nói cách quản lý cạnh tranh của chúng ta hiện nay còn lỏng lẻo, nguyên tắc cạnh tranh thường bị vi phạm, không công bằng và không được xử lý một cách nghiêm túc…

Người tiêu dùng không nên “tự xử” theo đám đông

Như ông nói, gần đây đã xuất hiện tình trạng nhiều thông tin đưa lên mạng xã hội facebook, thông qua các fanpage, diễn đàn nhưng không được kiểm chứng. Trong đó, có thể coi trường hợp của THP là một ví dụ điển hình. Đứng trước vấn đề này, theo ông các doanh nghiệp cần phải làm gì để bảo vệ mình?

- Đây đúng là một ví dụ điển hình của thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Chúng ta có thể thấy, càng ngày sức mạnh của truyền thông càng ghê gớm và đòi hỏi các doanh nghiệp trước hết và ngày càng phải biết tự bảo vệ mình, bộ phận truyền thông của doanh nghiệp phải nhạy cảm.

Trong trường hợp của THP, có rất nhiều fanpage được lập lên để chống lại họ với những thông tin rất có hệ thống, chuyên nghiệp. Theo ông, liệu có thể coi đây chính là hành động cạnh tranh của các đối thủ?

- Nói về trường hợp của THP, phải nói thẳng ra ở đây có sự cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ cạnh tranh, họ muốn diệt THP. Thế nhưng, cũng có điều đáng tiếc là, THP lại không nhạy bén để ứng xử cho hợp lý. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải thấy với thông tin trong sản phẩm của THP có vấn đề thì cần các cơ quan quản lý nhà nước vào kiểm tra và kết luận việc này có đúng hay không, nếu không đúng thì phải dập ngay thông tin từ đầu đi, chứ không để trôi nổi mãi.

Có một thực tế hiện nay, đó là khi thông tin đã được lan truyền và đẩy đi xa trên mạng, doanh nghiệp có muốn nói gì, giải thích như thế nào, thì người tiêu dùng vẫn cứ tẩy chay sản phẩm đó của họ như trường hợp của THP chẳng hạn. Vậy theo ông, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần phản ứng ra sao?

- Tôi cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam cần phải bình tĩnh hơn, tránh hành xử theo đám đông, thậm chí a dua nhau.  Chúng ta tẩy chay nhưng chẳng có cơ sở nào cả... Hành động “tự xử” của dân chúng hiện nay đang lan rộng ra cả trong cuộc sống hàng ngày, trong kinh tế, quan hệ xã hội trên đường phố và đây là điều rất nguy hiểm.

Có một thực tế là các doanh nghiệp trong nước vốn đã rất yếu thế, để gây dựng được một thương hiệu không dễ dàng gì như THP, họ đã mất tới 20 năm để gây dựng thương hiệu nhưng cũng bị vướng vào chuyện cạnh tranh không lành mạnh. Vậy chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ doanh nghiệp?

- Như tôi đã nói, tất nhiên ở đây có sự cạnh tranh không lành mạnh. Hiện chúng ta có Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp và cả Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, thì các cơ quan quản lý nhà nước cứ căn cứ vào đó mà thực hiện. Cũng có thể thấy, các doanh nghiệp của mình thường rất ít đoàn kết với nhau, anh nào biết anh đấy. Thậm chí, còn quay lưng diệt nhau, tức là tính cộng đồng, hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam là yếu, cần phải điều chỉnh. Nếu không, doanh nghiệp nước ngoài họ sẽ có cơ hội cạnh tranh bằng chiêu trò bẻ từng anh một, tức là người ta thông qua các hành động mua bán, sáp nhập dần, rồi tiến tới độc quyền. Đây là vấn đề cần phải xem xét.

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể là nạn nhân ảnh 1

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể là nạn nhân

Trường hợp của THP, đúng là ví dụ điển hình về cạnh tranh không lành mạnh và dù đây là doanh nghiệp có truyền thống, uy tín. Nói như vậy là để thấy mối nguy về cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy đến với bất cứ doanh nghiệp nào. Vậy, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý  nhà nước phải làm gì để có một môi trường kinh doanh lành mạnh?

- Đúng là còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và sẽ bị như thế. Tôi cho rằng, mọi người phải nhận thức được rằng, sức mạnh của truyền thông ngày nay là khủng khiếp. Mặt khác, các doanh nghiệp phải coi trọng các ứng xử sử dụng công cụ truyền thông để PR cho mình, đồng thời phải nhạy bén trong cách ứng xử của mình với các diễn biến trên truyền thông đối với hoạt động kinh doanh, thị trường tiêu dùng. Ngoài ra, cần có một cách xử lý thông minh, kịp thời của doanh nghiệp trước biến động của truyền thông để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Về phía các cơ quan nhà nước, khi thấy những vấn đề như thế cần phải vào cuộc sớm, vì anh có chức năng, anh phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, của người tiêu dùng. Ví dụ, THP có thật như vậy thì mình cũng phải nói rõ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngược lại nếu họ bị bôi xấu, thì phải khẳng định chuyện đó không có để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Còn người tiêu dùng cũng phải ứng xử thông minh hơn, bình tĩnh hơn đừng ứng xử, hành động theo đám đông.

Trên mạng hiện cũng xuất hiện nhiều video clip được người nào đó quay lại các sản phẩm của doanh nghiệp rồi nói bẩn thế nọ, xấu thế kia nhưng thực tế chưa ai chứng minh đó có phải là sản phẩm của họ hay không, sản phẩm có bị làm giả hay không hoặc có bị tác động ở bên ngoài. Trong trường hợp này, hành động đó phải được xử lý ra sao, thưa ông?

- Đó là rủi ro trong thương mại điện tử và chúng ta đã có Luật thương mại điện tử, thì phải sử dụng Luật đó để điều chỉnh. Các cơ quan quản lý của chúng ta hình như chưa xử lý được trường hợp nào liên quan đến thương mại điện tử, ví dụ như họ quay lên nói sản phẩm như thế này, thế kia nhưng đến lúc kiểm tra thật, thì lại không phải thế. Còn hành động tác động từ bên ngoài vào để đưa dị vật vào sản phẩm, thì rõ ràng là đã có sự vu cáo rồi và thậm chí có hành động đó mang tính chất phá hoại sản xuất, quan trọng là các cơ quan của chúng ta có vào cuộc không hay cứ để như thế.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG