BIDV đồng hành phát triển với Nghệ An

Lễ ký kết tài trợ các dự án tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Ất Mùi năm 2015 ở Nghệ An
Lễ ký kết tài trợ các dự án tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Ất Mùi năm 2015 ở Nghệ An
Từ năm 2009, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị khởi xướng, đồng tổ chức và tài trợ cho UBND tỉnh Nghệ An tổ chức các hội nghị thường niên xúc tiến đầu tư vào Nghệ An. 2015 là năm thứ 7 liên tiếp chương trình này được thực hiện và đã trở thành hoạt động đầu xuân đầy ý nghĩa giữa lãnh đạo tỉnh - các nhà quản lý, doanh nghiệp đầu tư và Ngân hàng tại Nghệ An.

Vai trò của BIDV đối với quá trình phát triển của Tỉnh

Bảy năm qua, kinh tế Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 đạt 7,24%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của 2 năm trước đó; GDP bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm, năm 2014 đạt 25 triệu đồng/người, gấp 1,7 lần mức năm 2010; Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghệ An đã và đang trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ với một số lĩnh vực mũi nhọn (du lịch, nông nghiệp…).

Bên cạnh đó, kinh tế Nghệ An vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại về vùng “chiếu nghỉ”, từ mức trung bình 9,7%/năm giai đoạn 2006-2010 giảm xuống còn 8,39%/năm giai đoạn 2010-2014. Một số lĩnh vực trọng điểm như xi măng, thép, thủy điện… không đạt mục tiêu đề ra, chưa tạo ra sự đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. 

Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp do gặp nhiều vướng mắc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn thấp và cải thiện chậm qua các năm (năm 2013 đứng thứ 46, thấp hơn Thanh Hóa ở vị trí thứ 8). Tốc độ thu ngân sách giai đoạn 2010-2014 có xu hướng giảm qua các năm (tăng 12,7%/năm); so với Thanh Hóa (tăng 22%/năm) và Hà Tĩnh (tăng 62,3%/năm), mức thu của Nghệ An tăng tương đối chậm. Cân đối ngân sách luôn trong tình trạng thâm hụt, do đó vẫn phải dựa khá nhiều vào tài trợ của ngân sách T.Ư…

Bảy năm qua, BIDV đã ký cho vay nhiều dự án, trong đó các dự án (DA) lớn là: DA đầu tư nâng cấp mở rộng QL1 Nghi Sơn – Cầu Dát; DA đầu tư nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy – đường tránh TP. Hà Tĩnh; DA Thủy điện Quế Phong…

Về tư vấn chính sách, BIDV trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu chiến lược phát triển Nghệ An cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và đã hoàn thành “Luận cứ khoa học cho việc phát triển đột phá kinh tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với nhiều đề xuất, tham mưu có ý nghĩa cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế.

Về công tác an sinh xã hội, BIDV cũng là đơn vị đi đầu trong việc tài trợ cho các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các chương trình đền ơn đáp nghĩa…với tổng trị giá gần 100 tỷ đồng. Các hoạt động của BIDV tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, hỗ trợ y tế, giáo dục, các công trình văn hóa, tâm linh.

Định hướng phát triển của Nghệ An trong tương lai

Về định hướng phát triển, Nghệ An cần quán triệt nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 26/NQ/T.Ư ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT - XH tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Cụ thể: Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển ở mức khá trong khu vực phía Bắc và miền Trung vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; Là trung tâm Kinh tế - Văn hóa - Khoa học – Công nghệ của vùng Bắc Trung bộ. Trong thời gian tới, Nghệ An cần định hướng phát triển công nghiệp hóa theo hướng “tăng trưởng xanh”, dựa trên những ngành trụ cột chứa đựng hàm lượng KH – CN tiên tiến, có sức lan tỏa tới toàn bộ kinh tế của tỉnh.

Theo đó, Kinh tế Nghệ An cần dựa vào 6 trụ cột chính theo định hướng “tăng trưởng xanh” là: Nông lâm nghiệp gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến hiện đại; Công nghiệp dược phẩm gắn với sản xuất nguyên liệu dược; Du lịch và các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với du lịch; Công nghiệp công nghệ thông tin; Năng lượng tái tạo và vật liệu thân thiện với môi trường; Dịch vụ tài chính ngân hàng. BIDV cho rằng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh là cần thiết và cần có lộ trình, cần ưu tiên phát triển các lĩnh vực trên để định hình cơ cấu kinh tế của tỉnh

Đề xuất và cam kết hỗ trợ Nghệ An

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Nghệ An năm 2015, BIDV đề xuất với Quốc hội và Chính phủ một số điểm nhằm tạo “cú hích” cho kinh tế Nghệ An. Thứ nhất, hỗ trợ Nghệ An hơn nữa về mặt cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư cũng như cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương (giai đoạn 2016-2020 dự kiến cần 60.000 tỷ đồng). Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư trực tiếp kêu gọi, vận động và tạo cơ chế đặc biệt để thu hút các dự án đầu tư FDI đặc biệt lớn, tạo động lực hạt nhân nhằm phát triển kinh tế Nghệ An tương tự như Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Thứ hai, cần đưa Nghệ An vào danh sách các tỉnh ưu tiên trong phân bổ nguồn vốn từ Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc Gia (được thành lập theo QĐ 1342/QĐ-TTG ngày 5/8/2011).

Thứ ba, đưa Nghệ An vào danh mục trọng điểm Du lịch quốc gia để tỉnh có thể hưởng chính sách ưu tiên về hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch. Lưu ý mở rộng kết nối tuyến du lịch giữa Nghệ An và các địa phương giáp giới với Lào. 

Thứ tư, cần xem xét cấp nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế phía Tây Nghệ An; rà soát và xây dựng quy hoạch chi tiết sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại Tây Nghệ An để tập trung phân bổ quỹ đất cho phát triển theo từng mục đích sử dụng: nông – lâm nghiệp, dược liệu;

Thứ năm, nâng cấp cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (Thanh Chương) giáp với Tỉnh Boly-Khămxay thành cửa khẩu quốc tế, trở thành đầu mối giao thương quan trọng với Lào, Thái Lan và Myanmar. 

Thứ sáu, tăng tần suất các chuyến bay nội địa đồng thời nghiên cứu mở thêm các đường bay quốc tế (như Vinh với khu vực Đông Bắc Thái Lan) nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và nâng cao hiệu quả sử dụng sân bay quốc tế Vinh.

Thứ bảy, cần mở rộng kết nối trong vùng thông qua việc xây dựng tuyến đường trung tâm Vinh – thị xã Cửa Lò.

BIDV đồng hành phát triển với Nghệ An ảnh 1 Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư.

Đối với tỉnh Nghệ An, BIDV có một số kiến nghị: Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cần cùng đối thoại định kỳ để giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nội dung đã cam kết từ các kỳ hội nghị trước. Đồng thuận, thống nhất ý kiến trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách tại địa phương. Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để Nghệ An thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. 

Kêu gọi những người con của Nghệ An trong và ngoài nước, hoạt động trong các lĩnh vực, vị trí khác nhau cùng đồng lòng góp sức về nhân lực, vật lực và tài lực cho tỉnh. Đối với các dự án đầu tư lớn có vai trò chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh mà điển hình là dự án KCN Việt Nam-Singapore tại Nghệ An (VSIP6) cần nhanh chóng rà soát tiến độ, tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đề xuất các giải pháp khả thi để báo cáo Chính phủ quyết định.

Về các cam kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2015, với vai trò là đơn vị tư vấn chính sách, BIDV sẽ: Tiếp tục phối hợp với VASS hoàn thiện “Luận cứ khoa học cho việc phát triển đột phá kinh tế tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An trong nghiên cứu đề xuất đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật gắn với quy hoạch TP Vinh; Đăng ký tham gia tư vấn ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ tăng trưởng Xanh; Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu các giải pháp về hệ thống phân phối, về thị trường vật tư và các sản phẩm cây con chủ lực theo từng khu vực địa bàn nhằm tăng thu nhập cho người nông dân; Tư vấn phát triển kinh tế cho khu vực phía Tây Nghệ An; Tư vấn phát triển du lịch Nghệ An, BIDV đề xuất Tổng cục Du lịch phối hợp Tỉnh Nghệ An tổ chức tọa đàm xúc tiến và quảng bá du lịch vào Nghệ An.

Là định chế tài chính hàng đầu quốc gia, BIDV cam kết sẽ tích cực hơn nữa trong kết nối DN, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực tạo ra sự đột phá đối với Nghệ An. Cụ thể, BIDV: Tiếp tục đóng vai trò đầu mối trong việc kêu gọi nhà đầu tư đối với dự án VSIP6 tại Nghệ An; Xúc tiến việc thu xếp chuyển nhượng vốn tại Nhà máy xi măng Dầu khí Anh Sơn nhằm nhanh chóng tái cơ cấu lại hoạt động của đơn vị này; Kêu gọi vốn đầu tư cho dự án xây dựng đường Trung tâm TP Vinh- thị xã Cửa Lò tổng mức đầu tư dự kiến 4.200 tỷ đồng theo hình thức BOT, PPP; Tư vấn quy hoạch và kêu gọi đầu tư dự án Công viên khoa học trên địa bàn Nghệ An theo hình thức PPP.

Đối với hoạt động cấp tín dụng, BIDV sẽ ưu tiên tín dụng hỗ trợ“tăng trưởng xanh”, tập trung cho các ngành được xác định là trụ cột kinh tế của tỉnh như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu, công nghệ thông tin, du lịch... BIDV sẽ ban hành gói tín dụng trung dài hạn quy mô 20.000 tỷ với các ưu đãi về lãi suất, thời hạn khoản vay, phương thức trả gốc linh hoạt đối với các DN có các dự án đầu tư khả thi vào các lĩnh vực trên. Riêng trong năm 2015, tại buổi gặp mặt đầu Xuân này, BIDV ký 4 thỏa thuận cấp tín dụng cho các khách hàng với tổng mức vốn thu xếp là 9.100 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, BIDV cam kết tham gia tích cực hơn nữa các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, y tế và giáo dục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa hóa địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, BIDV đã đổi mới công tác ASXH, trong đó tập trung hướng đến hỗ trợ 10 tỉnh với số tiền 100 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực trẻ phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Các cố vấn của chương trình đào tạo bao gồm Nhà sử học Dương Trung Quốc; TS. Trần Du Lịch và các nhà khoa học hàng đầu trong nước. Tại buổi gặp mặt này, BIDV sẽ trao tặng UBND Tỉnh Nghệ An gói hỗ trợ chương trình đào tạo nâng cao kiến thức hội nhập cho các cán bộ công chức trẻ Tỉnh Nghệ An trị giá 10 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An, tại hội nghị lần này, BIDV cam kết tài trợ vốn cho 4 thỏa thuận/dự án với tổng mức vốn đầu tư là 9.100 tỷ đồng.


MỚI - NÓNG