Chờ đợi 13 năm vẫn chưa nhận được mặt bằng

Toàn bộ mặt tiền của dự án đã bị lấn chiếm, xây dựng trái phép
Toàn bộ mặt tiền của dự án đã bị lấn chiếm, xây dựng trái phép
Một số hộ dân sau khi nhận tiền bồi thường, nhận đất tái định cư đã quay lại bao chiếm, ngăn cản không cho chính quyền giao đất cho CIC. Nhiều hàng quán lấn chiếm được dựng lên san sát tại mặt tiền dự án...

Ngày 1/7/2003, Cty Tư vấn đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (nay là Tập đoàn Tư vấn đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (CIC) được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt làm chủ đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng Bà Kèo – Phú Quốc, trong đó có Dự án Khu biệt thự cao cấp Bà Kèo với diện tích 44.000m2. Đất trong vùng dự án chủ yếu là đất công, đất nhà nước quản lý.

CIC đã nhanh chóng triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Năm 2006 UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt qui hoạch chi tiết 1/500 và cuối năm 2007 ra quyết định phê duyệt dự án. CIC sau đó cũng đã nộp toàn bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo phương án đã được tỉnh phê duyệt với số tiền trên 15,3 tỷ đồng. Có 28 hộ dân đã nhận tiền đền bù với số tiến gần 11 tỷ đồng, tỷ lệ trên 70%. Còn 4 hộ chưa nhận tiền (4,4 tỷ đồng), Trung tâm phát triển quỹ đất đã chuyển vào tài khoản tiền gởi ngân hàng.

Sau khi chi trả bồi thường, BQL Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đã ra hàng loạt quyết định về việc giao đất cho CIC, tuy nhiên suốt nhiều năm liền chính quyền và ngành chức năng huyện Phú Quốc chỉ bàn giao được cho đơn vị này 6.431m2 (chiếm 15% quỹ đất của dự án) vào tháng 2/2012.

Một số hộ dân sau khi đã nhận tiền bồi thường, được hỗ trợ tái định cư, nhận nền tái định cư rồi nhưng vẫn quay lại bao chiếm, ngăn cản không cho chính quyền thực hiện giao đất cho CIC. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, không chỉ dân trong vùng dự án tái chiếm mà có cả những người nơi khác đến mua bán đất trái phép, dựng hàng quán san sát tại mặt tiền của dự án trên đường đường Trần Hưng Đạo...

Phó tổng giám đốc Tập đoàn CIC, ông Lê Quang Tuấn cho biết, việc chậm bàn giao đất làm phức tạp tình hình khi ngày càng có nhiều công trình nhà ở, hàng quán kiên cố liên tục mọc lên. Sự việc còn gây thiệt hại về tài chính cho chủ đầu tư, ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá giao đất của chính quyền cho chủ đầu tư (hiện giá giao đất gấp 10 lần so với năm 2007) cũng như việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, kế hoạch kinh doanh dự án và phát sinh chi phí của chủ đầu tư.

Trong một thông báo mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - ông Phạm Vũ Hồng chỉ đạo: Giao cho Sở TNMT chủ trì, cùng UBND huyện Phú Quốc và các sở, ngành liên quan rà soát lại quy trình, thủ tục thu hồi đất của dự án, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết, hoàn thành trong tháng 5/2016.

Đối với tình trạng xây dựng, bao chiếm trái phép các khu đất nhà nước, lãnh đạo tỉnh yêu cầu UBND huyện Phú Quốc chỉ đạo xử lý theo quy định; trường hợp quá thời hạn mà không tự tháo dỡ, di dời thì cưỡng chế.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.