Đâu là tiêu chí chọn sữa tốt?

Nguồn gốc nguyên liệu có thể đến từ một quốc gia khác.
Nguồn gốc nguyên liệu có thể đến từ một quốc gia khác.
TP - Làm sao chọn sữa cho đúng chuẩn, sản phẩm sữa nào trên thị trường đã công bố đầy đủ thông tin? Việc chọn mua sữa cho con tưởng chừng đơn giản hóa ra lại “không-hề-dễ” đối với người tiêu dùng!

Sữa con uống đạt bao nhiêu “tiêu chuẩn”?

Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng bậc nhất đối với trẻ nhỏ. Cũng vì lý do này nên bất kỳ bà mẹ nào, dù điều kiện kinh tế đầy đủ hay khó khăn, đều sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng” để cố gắng chọn cho con những gì tốt nhất.

Một số khảo sát mới đây cho thấy, những tiêu chí chọn sữa được người tiêu dùng Việt Nam đưa ra bao gồm: nguyên liệu, quy trình sản xuất, nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… Song, hầu hết không ai có thể tự mình tìm hiểu và kiểm chứng những điều này.

Nếu hỏi cụ thể một câu đơn giản như: “Làm cách nào để biết nguồn gốc nguyên liệu trong sản phẩm sữa mua cho con từ đâu?”, không ít người trở nên lúng túng. Một số mẹ sẽ đoán dựa theo xuất xứ của sản phẩm, như: “Nhãn sữa đó đến từ Nhật Bản thì hẳn là nguồn nguyên liệu lấy từ… Nhật Bản?” (tương tự với các quốc gia khác). Trong khi đó, thực tế một sản phẩm sữa từ Việt Nam thì nguồn gốc nguyên liệu vẫn có thể đến từ rất nhiều quốc gia khác như Hà Lan, New Zealand, Ireland…

Với những tiêu chí chọn sữa có phần phức tạp hơn như về thành phần dinh dưỡng, dây chuyền sản xuất, các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…, người tiêu dùng càng hầu như mù tịt. Hầu hết các bà mẹ tham gia khảo sát cho biết họ chỉ biết tin cậy vào thông tin do hãng sữa cung cấp thông qua quảng cáo và nhân viên tư vấn. Chỉ cần con uống mà không gặp vấn đề gì là có thể yên tâm. Ở chiều ngược lại của quá trình kiểm định thông tin, người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn khi không thể tự mình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tìm hiểu cặn kẽ các chi tiết liên quan đến sản phẩm muốn mua.

Quyền truy xuất thông tin sản phẩm: Người tiêu dùng Việt Nam đã có?

Truy xuất nguồn gốc là giải pháp cho phép trực tiếp người tiêu dùng có thể dễ dàng thu thập thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu.

Hình dung một cách đơn giản, thay vì chỉ nghe hoặc đọc thông tin nhà sản xuất cung cấp một chiều, người tiêu dùng có thể tự “truy xuất” trở lại từ hộp sữa mình đang cầm trên tay các thông tin như: Sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu từ đâu, vào lúc nào, ở trang trại nào và những giống bò nào đã cung cấp nguồn nguyên liệu đó, quy trình thu hoạch sữa từ trang trại được thực hiện ra sao. Người tiêu dùng cũng có thể biết được về dây chuyền sản xuất, quá trình nghiên cứu ra công thức sữa, cách thức bảo quản, thời gian sản phẩm được lưu kho, vận chuyển,… cho đến khi đến tay người dùng một cách minh bạch và cụ thể nhất.

Thực tế, truy xuất nguồn gốc không phải là điều quá xa lạ. Nhiều sản phẩm khác nhau trên thế giới đã áp dụng công nghệ này từ cách đây nhiều năm. Kể cả nông sản Việt Nam, muốn xuất khẩu sang nước ngoài cũng buộc phải trải qua quy trình nói trên của quốc gia nhập khẩu mặt hàng đó để kiểm định chất lượng. Đây được xem là giải pháp hàng đầu trên thế giới để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với một sản phẩm dinh dưỡng nhạy cảm, gắn liền với sức khỏe trẻ em như sữa, người tiêu dùng phải được biết nguồn gốc sữa đó từ đâu, xuất xứ nước nào, nuôi theo công nghệ nào, quá trình nghiên cứu công thức ra sao... Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà sản xuất sữa cần phải áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu bức thiết này của người tiêu dùng. Bởi lẽ, chỉ khi hiểu thật cặn kẽ và theo dõi được thường xuyên mọi thông tin liên quan đến sản phẩm sữa chọn mua cho con, mẹ mới tự chủ hơn trong việc chọn sữa và tin tưởng vào lựa chọn của mình.

MỚI - NÓNG