Đưa điện về nông thôn:

Nan giải bài toán hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư

Theo EVN, để cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn hiện nay đòi hỏi hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư
Theo EVN, để cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn hiện nay đòi hỏi hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư
TP - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 5 năm qua, đã hoàn thành vượt kế hoạch đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn; bán điện dưới giá thành, góp phần đảm bảo phúc lợi, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Chính phủ.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Báo cáo của EVN cho thấy, giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đã nỗ lực đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo vượt kế hoạch đề ra. Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2011-2015 đã góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, cùng Trung ương và Chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế-xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh tại các địa bàn trọng điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc. Trên tuyến biên giới quốc gia. “Đến nay hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới”, Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An đánh giá.

Theo đại diện EVN, 5 năm qua, hướng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, chương trình đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi đã được Tập đoàn đặc biệt quan tâm. Các Tổng công ty Điện lực, các Công ty Điện lực thi đua, phấn đấu hoàn thành Chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ tiêu thụ điện ở nông thôn. Đây là một phong trào thi đua có quy mô rộng lớn, triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, có hiệu quả tác động tích cực đến lợi ích cho người dân nông thôn, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội.

“Xác định điện khí hóa nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, đóng góp hiệu quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng cung cấp điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là khu vực biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, Tây Nam bộ, Tây Nguyên”, đại diện EVN cho biết.

Hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo lãnh đạo ngành điện, trong các năm tới, sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình đưa điện về nông thôn theo Quyết định 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đến năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện với số vốn đầu tư của Chương trình là gần 29.000 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc hoàn thành tiêu chí điện nông thôn vẫn là vốn. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã xác định: đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn. Theo đó, số xã được cấp điện (đạt 100% số xã có điện) 17 xã, số thôn, bản được cấp điện 6.025 thôn, bản. Số hộ dân được cấp điện từ điện lưới quốc gia khoảng 1,12 triệu hộ dân. Số hộ dân được cấp điện từ nguồn điện ngoài lưới điện quốc gia khoảng 21.300 hộ dân. Để thực hiện việc đầu tư này, tổng vốn đầu tư khoảng 23.928 tỷ đồng, trong đó hoàn thành cấp điện các xã chưa có điện 338 tỷ đồng; Đầu tư cấp điện cho các thôn bản từ lưới điện quốc gia 22.059 tỷ đồng và đầu tư cấp điện bằng các nguồn ngoài lưới điện quốc gia 1.481 tỷ đồng.

Dự kiến, ngay trong năm 2015, ngành điện sẽ hoàn thành toàn bộ công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đăng ký vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công 2016-2020 đối với tất cả các dự án của các tỉnh, địa phương được Chính phủ giao cho Tập đoàn thực hiện. Tập đoàn cũng sẽ bố trí đầy đủ theo tiến độ nhu cầu vốn đối ứng trong kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện đúng tiến độ trong các năm tiếp theo.

“Thời gian qua EVN đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước để  thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện, nhằm bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của các xã xây dựng nông thôn mới. Đây là việc đòi hỏi nỗ lực rất lớn, phải thực hiện trong nhiều năm nhưng EVN sẽ quyết tâm làm bằng được. Tập đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện để việc thực hiện các dự án gắn kết với các nhiệm vụ chính trị ưu tiên và giải quyết chính sách đồng bào dân tộc ở địa phương”, ông Lộc cho biết.   

Theo EVN, trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đã chú trọng đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo với 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện, vượt mục tiêu của Chính phủ là tới cuối năm 2015 đạt 98% hộ nông thôn có điện.

Tỷ lệ có điện tại khu vực nông thôn các tỉnh Tây Nguyên đã đạt 99,83% về số xã và 95,8% về số hộ dân. Khu vực nông thôn Tây Nam Bộ là 98,85% số xã và hơn 97% số hộ dân. Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt gần 97% về số xã và xấp xỉ 84% số hộ dân.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.