Ngân hàng toan tính nhân sự

Ngân hàng xác định bỏ công sức đào tạo nhân sự bài bản
Ngân hàng xác định bỏ công sức đào tạo nhân sự bài bản
TP - Nâng cao chất lượng nhân sự được coi là giải pháp then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng thịnh của một nhà băng. Bài toán đặt ra là làm thế nào để phát triển được đội ngũ nhân sự đạt chuẩn. Trước thực tế này, nhiều  NHTM đặc biệt là  khối cổ phần ráo riết vào cuộc.

Sinh viên: thiếu và yếu kiến thức

Là một ngành dịch vụ, đặc trưng của ngành ngân hàng là yếu tố con  người quyết định chất lượng sản phẩm dịch vụ. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 10 năm, quy mô nhân lực ngành ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng, từ  67.558 người năm 2000 đến 172.547 người năm 2010. 

Tốc độ tăng nhân lực bình quân từ năm 2000 đến năm 2010 là 10,03%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn này (7,2%).  Trong giai đoạn tiếp theo, theo dự báo, nhu cầu về nhân lực cho ngành ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng lên. 

Đến năm 2015, nhu cầu nhân sự cấp cao của ngành tài chính ngân hàng cần khoảng 94.000 người, nếu không kịp thời nâng cao chất lượng đào tạo từ cấp độ cơ bản đến chuyên sâu, lực lượng lao động cấp cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng từ năm 2015.

Trong khi đó, nguồn cung nhân sự cho ngân hàng lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Đa số sinh viên tài chính ngân hàng sau khi tốt nghiệp đều hổng cả về kỹ năng và kiến thức chuyên sâu. Kết quả khảo sát của Viện nhân lực ngân hàng tài chính cho thấy trong 2 năm 2012 và 2013 có khoảng 30.000 - 32.000 sinh viên tài chính ngân hàng ra trường nhưng chỉ có khoảng một nửa trong số đó được nhận vào làm việc trong các ngân hàng. 

Hổng về kiến thức và kinh nghiệm khiến cho cơ hội việc làm của các sinh viên mới tốt nghiệp trở nên khó khăn vì không có nhiều ngân hàng chấp nhận tuyển sinh viên trẻ để phải mất công đào tạo. Lãnh đạo Ernst&Young cho biết đối với mỗi sinh viên mới ra trường được nhận vào làm việc, doanh nghiệp cần ít nhất 3-4 tuần đào tạo lại mới bắt nhịp được công việc.

Ngân hàng vào cuộc

Nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng nhân sự, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp ở nhiều cấp độ trong thời gian vừa qua. Nhiều kế sách nhân sự đang được các NHTM triển khai để có nguồn nhân sự đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Như tại Sacombank, Eximbank, Oecababank, các ngân hàng đều chú trọng đến công tác đào tạo mọi cấp, từ cán bộ quản lý cho đến chuyên viên, nhân viên. Đáng chú ý, chính sách tuyển dụng gắn với đào tạo  được triển khai mạnh mẽ tại Techcombank với 60-65% nhân viên được tuyển dụng vào là sinh viên mới tốt nghiệp. 

Lãnh đạo Techcombank chia sẻ, với những hạn chế trong công tác đào tạo hiện nay, ngân hàng xác định phải bỏ công xây dựng hệ thống đào tạo bài bản để xây dựng được bộ khung vững chắc. Chiến lược về nhân sự của Techcombank chuyển từ “buy” (mua) sang “build” (xây) - có nghĩa là chú trọng vào  phát triển năng lực nhân sự trong quá trình làm việc.

Techcombank nhận thực tập sinh tập trung từ năm thứ 3, mỗi năm sàng lọc được trung bình 400 người trong khoảng 3.000 hồ sơ trúng tuyển. Sau đó, mỗi thực tập sinh cần khoảng 3 tuần đào tạo về sản phẩm, kỹ năng và các nghiệp vụ ngân hàng và kết thúc đợt thực tập có khoảng 62% đủ trình độ được giữ lại. 

Đặc biệt sau khi trúng tuyển, ngân hàng có một quá trình đệm lót cho nhân sự, giúp các cá nhân hòa nhập văn hóa chung trước khi chính thức phục vụ cho công việc.

Giữ vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển từ “buy” sang “build” của ngân hàng là  những chương trình đào tạo chuyên biệt, chuẩn mực dành cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung và cao. 

Nổi bật như khóa đào tạo Techcom Lead kéo dài 6 tháng, dành cho cán bộ quản lý cấp cao đã đạt những thành tích nổi bật và được đề cử. Trong khóa học, các cán bộ sẽ được phát triển và vượt qua rất nhiều bài kiểm tra thử thách, nhằm phát huy tối đa khả năng lãnh đạo.       

MỚI - NÓNG