Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội:

Tăng cường hiệu suất phục vụ người dân

Điểm đỗ xe trên đường Trần Nhật Duật
Điểm đỗ xe trên đường Trần Nhật Duật
TP - Hà Nội đang đối mặt với thực trạng thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, trong khi đó, các bãi đỗ xe cũ lại bị thu hẹp để chuyển đổi mục đích sử dụng, càng làm người Hà Nội “ngột ngạt” vì thiếu điểm đỗ.

Phương tiện tăng, bãi đỗ xe bị thu hẹp

Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 2 triệu xe máy và hơn 500.000 ô tô, chưa kể xe ngoại tỉnh hàng ngày ra vào thành phố. Với số lượng phương tiện như vậy nhưng bãi đỗ xe của Hà Nội hiện có gần 15 ha với sức chứa hơn 20.000 đầu phương tiện, chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu của người dân. 

Phương tiện tăng nhanh không chỉ tạo sức ép cho các tuyến đường mà còn tạo áp lực rất lớn cho giao thông tĩnh. Khu vực trung tâm như: quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng lại quá thiếu điểm đỗ xe. Tỷ lệ đất cho giao thông tĩnh mới đạt 0,45% đất đô thị dành cho giao thông.

Đơn cử tại khu chung cư cao tầng N thuộc khu tái định cư Trung Hòa- Nhân Chính là khu đô thị mới với mật độ dân cư rất cao dù xung quanh liên tục xuất hiện các tòa nhà cao tầng san sát nhau (hiện có 19 toà chung cư cao tầng) khiến nhu cầu trông giữ, gửi xe ngày càng bức thiết… Tại các khu đô thị mới như Linh Đàm, Mễ Trì Hạ, Pháp Vân, Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính… cũng thiếu bãi đỗ xe nghiêm trọng vì nhiều tòa chung cư tại đây không có tầng hầm chứa ô tô.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng, thực tế nhiều khu vực, nhiều tuyến phố nội thành dù hạ tầng, đường sá đã quá tải nhưng vẫn phải gồng mình gánh những khu nhà chọc trời kéo theo nhiều hệ lụy. 

“Quy hoạch không phải là bất biến nhưng nếu thay đổi xoành xoạch, phá vỡ quy hoạch các dự án về hạ tầng như bãi đỗ xe, trường học, công viên… thì không phải là an toàn nữa. Khi quy hoạch bị phá vỡ sẽ làm rối loạn vận hành của đô thị”, ông Liêm nói.

Tăng cường tối đa hiệu suất để phục vụ người dân

Là đơn vị chủ lực đảm bảo giao thông tĩnh của Thủ đô, nhưng trên thực tế, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Hà Nội mới chỉ được quản lý 5 bãi đỗ xe được xây dựng theo quy hoạch: Ngọc Khánh, Mỹ Đình 1 và 2, Gia Thuỵ, Dịch Vọng. 

Thời gian tới đây, diện tích các điểm đỗ cũ còn bị thu hẹp do bị chuyển đổi cho các mục đích khác. Đơn cử như điểm đỗ xe Gia Thuỵ sắp bị thu hồi một phần để phục vụ xây dựng Dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên; Điểm đỗ xe công cộng Ngọc Khánh sẽ bị trưng dụng làm nhà ga tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội… 

Còn lại hơn 170 điểm trông giữ xe là các bãi đỗ xe tạm, tận dụng trên vỉa hè và dưới lòng đường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của giao thông tĩnh trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, các bãi đỗ xe phân bố không đều về mật độ, khu vực Từ Liêm có nhưng chưa thể khai thác hết công suất, trong khi khu vực nội thành, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng lại quá thiếu điểm đỗ xe.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội- Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, để đảm bảo giao thông tĩnh trên địa bàn, thời gian tới công ty sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp, như: Đổi mới phương thức điều hành quản lý, nâng cao hiệu suất khai thác tối đa tại những bến bãi đã có. 

Một mô hình đã và đang được triển khai hiệu quả tại Điểm đỗ xe Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan; Đổi mới công nghệ quản lý doanh thu và giám sát chất lượng dịch vụ; Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như những kỹ năng giao tiếp, vận hành của đội ngũ trật tự viên, nhân viên điều hành bến bãi.

Công ty Khai thác điểm đỗ xe đề xuất UBND thành phố Hà Nội và các Sở, ngành, quận huyện liên quan về việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các bến đỗ xe công cộng để phù hợp điều kiện mới là Thủ đô đã mở rộng, có mức tăng trưởng phương tiện rất nhanh. 

Trong lúc chờ các điểm đỗ xe được đầu tư mới, cơ quan chức năng cần rà soát, sắp xép lại bãi, bến đỗ xe hiện có nhằm đảm bảo trật tự giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân.

MỚI - NÓNG