Tín hiệu vui của thị trường thực phẩm bao gói

Mì 3 miền của Uniben nằm trong top 3 hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường nông thôn.
Mì 3 miền của Uniben nằm trong top 3 hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường nông thôn.
TP - Mức tăng trưởng của thực phẩm bao gói ở khu vực nông thôn đang trở thành tín hiệu vui cho các ngành hàng và là thị trường tiềm năng để các thương hiệu Việt tận dụng lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu ngoại.

Thương hiệu nội trỗi dậy

Theo đánh giá của Cty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, mặc dù mức tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam chỉ tăng khoảng 4 – 5%, một mức tăng khá khiêm tốn so với năm 2013 nhưng đã tạo ra nhiều thách thức và cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt tối đa hóa lợi nhuận, thay đổi cục diện thị phần. Theo số liệu điều tra, lượng hàng tiêu dùng nhanh 6 tháng đầu năm trong các hộ gia đình tại khu vực nông thôn tăng 2% so với cùng kỳ, đạt tổng giá trị 78.000 tỷ đồng, gấp 3 lần khu vực thành thị. Trong đó, thực phẩm đóng gói đóng góp nhiều nhất, đến 26.000 tỷ đồng, ngành hàng nước giải khát có doanh số 24.000 tỷ đồng, sản phẩm sữa mang về 16.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Worldpanel, các thương hiệu nội địa dường như tăng trưởng tốt hơn các nhãn hàng quốc tế (11,7% so với 5,9%). Năm 2015, khối nội vượt lên khối ngoại, chiếm hơn một nửa thị trường, tập trung tại khu vực nông thôn (khối nội 54% và khối ngoại 46%). Cụ thể, tổng doanh thu khu vực đô thị đo lường ở 4 thành phố lớn trong 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 22.000 tỷ đồng, giá trị từng phân khúc tính ra đều ít hơn so với vùng nông thôn như thực phẩm đóng gói 5.000 tỷ, nước giải khát và sữa cùng ghi nhận mức thu về 6.000 tỷ. Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng nhanh có dấu hiệu bão hòa ở khu vực thành thị, thì nông thôn với gần 70% dân số là cơ hội tốt để các doanh nghiệp phát triển.

Thị trường nông thôn là bàn đạp

Báo cáo của Kantar Worldpanel cũng chỉ ra mì gói là phân khúc có giá trị cao nhất trong ngành hàng thực phẩm đóng gói ở khu vục nông thôn, khoảng hơn 5.000 tỷ đồng mì gói đã được các hộ gia đình tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm nay. Nhưng đây cũng là sân chơi “khó nhằn” khi tỷ lệ tăng trưởng chung đang dậm châm tại chỗ, chỉ tăng 3% nếu tính về số lượng, thậm chí giảm 2% nếu tính về giá trị. Nhiều doanh nghiệp, thương hiệu mì gói thậm chí bị âm đến hai con số, cả về số lượng lẫn giá trị hàng hóa được các hộ gia đình sử dụng.

Trong tình hình còn nhiều điểm trừ của thị trường, có những Cty vươn lên trở thành điểm sáng cho các thương hiệu Việt như thương hiệu mì 3 Miền của Uniben đang dẫn đầu khu vực nông thôn, chiếm 26% số lượng mì gói tiêu thụ, đóng góp 22% giá trị thị trường. Theo đại diện Kantar Worldpanel, thương hiệu 3 Miền là một ví dụ điển hình cho việc thâm nhập thị trường nông thôn của các thương hiệu Việt khi đảm bảo tốt yếu tố sản phẩm, giá bán và hệ thống phân phối.

Nằm trong ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, ngành bánh kẹo cũng chứng kiến sự tăng trưởng về doanh thu lẫn lợi nhuận của không ít doanh nghiệp như Cty bánh kẹo Hải Hà có doanh thu thuần quý 2 tăng 18% lên 145 tỷ đồng, lãi gộp tăng gần 37%, chạm mức 25,7 tỷ đồng.

Kantar Worldpanel dự báo từ đây đến cuối năm, các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục dẫn đầu ở mảng thực phẩm đóng gói, đảm bảo mức tăng trưởng 6% ở thị trường nông thôn. Tuy nhiên, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở cửa cho doanh nghiệp ngoại, hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Do đó, doanh nghiệp nội địa cần nắm chắc vùng nông thôn để nâng cao tiềm lực, từ đó trụ vững và làm bàn đạp phát triển ra các thị trường khác.

Dự báo về thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, theo Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, tổng doanh thu của ngành này sẽ vào khoảng 140 tỷ USD trong năm 2016. Các nhóm hàng đồ uống, thực phẩm, sữa, hàng chăm sóc gia đình... đều có tiềm năng tăng trưởng tốt ở giai đoạn 2016-2020. Dự kiến đến năm 2020, người tiêu dùng Việt Nam sẽ chi đến 173 tỷ USD cho các sản phẩm tiêu dùng nhanh.

MỚI - NÓNG