Thị trường cà phê Việt: Vàng thau lẫn lộn

Bột cà phê được giao bán với giá thành từ 60 -70 ngàn đồng một cân (ảnh minh họa).
Bột cà phê được giao bán với giá thành từ 60 -70 ngàn đồng một cân (ảnh minh họa).
Đủ loại cà phê độn bắp, cà phê trộn đậu nành được bán tràn lan trên thị trường với giá thành rẻ, mùi vị đậm đà, thơm ngon khiến người dùng rơi vào 'ma trận' hỗn loạn, không biết đâu là thật, đâu là giả.

Buổi sáng cuối tuần đầu tháng 7, đang ngồi nhâm nhi cà phê với người bạn thời đại học ở một quán vỉa hè ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Q.Phú Nhuận), chúng tôi bỗng thấy một thanh niên ăn mặc nhàu nhĩ, chạy chiếc xe Wave cà tàng biển số Bình Dương dừng trước quán.

Người này mở giỏ xách lớn như chiếc cần xé để ở gác ba ga giữa xe, lấy ra 4 gói ni lông được bao bằng lớp giấy có màu giống như vỏ bao xi măng, bước vào đưa cho chị chủ quán. “Thì ra là người bỏ mối cà phê bột”, tôi nghĩ như để giải đáp cho thắc mắc của mình.

Cà phê giá rẻ bất ngờ

Lúc người này trở ra, đi ngang qua bàn chúng tôi, tò mò tôi lên tiếng: “Cà phê nhiêu một ký hả em?”. Người thanh niên quay lại dòm tôi rồi nhoẻn miệng cười, lộ ra hàm răng vàng ố có lẽ do hút thuốc, uống cà phê quá nhiều. “Dạ, có nhiều loại anh, 60 ngàn, 70 ngàn, 80 ngàn, anh mua về cho gia đình uống hay mở quán?”.

Tôi hỏi tiếp: “Anh tính mở quán, chú cho anh số điện thoại, có gì anh alô sau”. Người thanh niên dạ liên hồi rồi đọc số điện thoại cho tôi kèm lời tiếp thị: “Bên em cà phê đảm bảo ngon, hợp khẩu vị người Sài Gòn, rất nhiều tiệm lấy hàng của em, khi nào anh mở tiệm nhớ ủng hộ tụi em nha, lấy nhiều em giảm giá cho”.

Khi người bỏ mối cà phê đi rồi, ông bạn tôi cười khẩy rồi xổ một tràng: “Giá đó lấy đâu ra cà phê thiệt, tao là dân Đắc Lắc nên rành quá mà. Hiện nay giá cà phê hạt trên đó đại lý mua của người dân khoảng 40.000đ/kg.

Một kg cà phê hạt khi rang xay được khoảng 0,6 đến 0,7kg cà phê bột. Như vậy để làm ra 1 kg cà phê bột nguyên chất, chỉ tính giá thành thôi đã vào khoảng 60.000đ đến 70.000đ rồi.

Còn nếu tính cả công rang xay, rồi lợi nhuận qua các khâu trung gian, buôn bán thì giá rẻ nhất cũng phải trên 100.000đ/kg. Thứ cà phê mình đang uống đây có khi toàn đậu nành với bắp trộn hóa chất đấy mày ạ”.

Một người quen mở tiệm cà phê nho nhỏ ở Q.Thủ Đức cũng cho tôi biết, thực ra trong giới ai cũng thừa hiểu làm gì có cà phê nguyên chất, người ta cũng phải độn thứ này thứ nọ vào, vừa tăng hương vị, hợp gu khách, như vậy quán mới đông, mới có lãi.

Tuy nhiên mình vẫn phải nói với khách là cà phê thật để họ yên tâm, chứ mình bán cà phê nguyên chất, mùi vị không đậm như họ uống mỗi ngày, có khi họ lại chê bỏ quán mình thì mất khách. Ngoài ra các cơ sở rang xay đến chào hàng, ai cũng khẳng định là cà phê thiệt 100%, mình đâu có biết được, giờ vàng thau lẫn lộn.

Trước lời “phán” của ông bạn và thông tin của người quen là chủ quán, cùng với những vụ việc về cà phê do các báo đồng nghiệp đăng tải trước đây, tôi làm một chuyến “phượt” vào giới kinh doanh cà phê đang “vàng thau” lẫn lộn.

Mua hóa chất phù phép cà phê dễ như mua… rau

Chợ Kim Biên (P.13, Q.5, TP.HCM) từ lâu được ví như “chợ trời” chuyên kinh doanh các loại hóa chất, hương liệu thực phẩm trôi nổi trên thị trường lớn nhất khu vực phía Nam, không chỉ cung cấp cho TP.HCM mà còn bỏ sỉ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Nơi đây chuyên cung cấp các loại hóa chất nguy hại đến sức khỏe dùng để phù phép các loại thực phẩm, trong đó hóa chất dùng để “phù phép” cà phê là nhiều và đa dạng nhất vì đây là loại thức uống phổ biến nhất hiện nay.

Hiện chợ này có khoảng gần 30 sạp kinh doanh hương liệu, hóa chất, ngoài ra các tuyến đường xung quanh chợ cũng có gần 20 công ty, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng này. Tại các điểm bán hóa chất, hương liệu, các loại bịch, chai, lọ, bình, bao bì… xếp chồng đống lên nhau, hầu hết đều không có nhãn mác mà chỉ được ghi chú bằng bút lông.

Thị trường cà phê Việt: Vàng thau lẫn lộn ảnh 1

Đủ loại phụ gia, hương liệu để 'pha chế cà phê' được bán công khai, giá thành rẻ (ảnh minh họa).

Trong vai người chuẩn bị mở quán cà phê vỉa hè ở cổng một xưởng may ở Q.Thủ Đức, chúng tôi được một chủ sạp ở chợ Kim Biên bật mí: “Bán cho công nhân giá rẻ, phải xài chiêu mới có lời. Hàng chị bán đảm bảo mùi vị y như thật, nhiều bọt, giá rẻ nhất mà lại… không hại sức khỏe”.

Nói rồi chị chủ sạp lấy một chai nhựa màu xám không nhãn mác, bên trong chứa dung dịch đặc sệt y như màu cà phê cốt, đưa cho chúng tôi rồi nói: “Đây là tinh chất cà phê, khi bán cho khách em chỉ pha chút cà phê bột thôi, rồi nhúng đầu tăm vào tinh chất này sau đó quậy vào ly cà phê, hương thơm ngào ngạt bốc lên ngay, vị lại đậm đã hết chê”.

Tôi mở nắp chai ra ngửi, qủa thật mùi hương cà phê xốc thẳng lên đậm đặc muốn choáng đầu. Chị chủ sạp nói thêm: “Em kinh doanh cà phê còn lạ gì, cà phê bột hiện giờ toàn bặp với đậu nành rang, có mấy hột cà phê trong đó đâu, nêu không cho thêm tinh chất này vào làm sao mà có mùi vị cà phê, khách sẽ chê ngay”.

Một chai “tinh chất cà phê” làm bằng hương liệu, hóa chất này giá 400.000đ, có thể làm hàng ngàn ly “cà phê” trở nên thơm ngon cho người dân uống hàng ngày, nghĩ đến mà chúng tôi không khỏi rùng mình.

Tiếp tục thực tế qua một số sạp bán hương liệu, hóa chất khác ở chợ Kim Biên, trong vai một chủ lò rang xay cà phê, chúng tôi được chào mời các loại hóa chất, hương liệu dạng bột (màu trắng sữa) và nước dùng để đổ vào trong qúa trình rang xay nhằm tạo mùi cà phê.

Thực chất đây là những loại hương liệu dùng để biến bắp, đậu nành thành cà phê bột. Giá của chúng rẻ bất ngờ, một chai dung dịch này loại nửa lít giá 60.000đ có thể rang được 300kg “cà phê”; còn loại bột giá 30.000đ/100gram dùng để rang một tạ “cà phê”.

“Loại này xịn lắm đó, hàng của Pháp, chuẩn luôn”, anh chủ sạp vừa nói vừa đưa cho chúng tôi chai hương liệu cà phê không hề có nhãn mác, xuất xứ.

Viện lý do đi tham khảo thêm một số nơi chúng tôi rời sạp trên, anh chủ tiệm còn nói theo: “Ở đây sạp nào cũng có bán, giá cả như nhau, em cứ tham khảo kỹ nhưng khi mua thì ghé ủng hộ anh nhé”.

Đúng như lời nói của anh này, chúng tôi ghé qua những điểm bán hóa chất, hương liệu khác cũng không khó để tìm mua các loại hương liệu, hóa chất cà phê bởi nó được trưng bày ngay trên các kệ và được chào mời công khai.

Đi đến sạp nào, sau khi tìm hiểu chúng tôi cũng được cho số điện thoại hoặc danh thiếp để tiện liên lạc. Muốn mua loại nào cứ alô, không cần đến chợ sẽ có người giao hàng và thu tiền tận nơi.

Thị trường cà phê Việt: Vàng thau lẫn lộn ảnh 2

Nguyên liệu chế biến cà phê đựng trong xe đẩy, thùng đựng trên sàn nhà cáu bẩn tại một xưởng sản xuất cà phê trộn đậu nành thuộc địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM) / Ảnh: Bùi Thư.

Còn ở Hà Nội, chợ Đồng Xuân và phố Hàng Buồm là hai trung tâm buôn bán hóa chất, hương liệu lớn nhất, cung ứng cho cả thị trường miền Bắc. Khảo sát hai nơi này chúng tôi cũng ghi nhận việc buôn bán các loại hóa chất, hương liệu dùng để rang xay và pha trực tiếp vào ly cà phê, được bán công khai, mua bao nhiêu cũng có. Nhất là ở khu vực phố Hàng Buồm, mỗi khi có khách đến đây luôn nhận được những lời chào mời và chèo kéo nhiệt tình của chủ các cửa hàng.

Ghé vào một cửa hàng, hỏi mua về hương liệu cà phê, chủ sạp xách ra một can nhựa rồi nói: “Loại này đây, mỗi cốc cà phê cho vào một giọt nhỏ thôi, rồi quậy điều lên, đảm bảo thơm lừng mà hương lại có vị đậm đặc. Có thứ này rồi, mình pha cà phê loãng thôi, cho một tí xíu vào, vừa ngọn vừa rẻ, tha hồ mà lãi”, bà chủ bật mí.

Theo báo cáo về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ phát hành vào tháng 1-2016, trong niên vụ 2015-2016, nước ta tiêu thụ khoảng 2,25 triệu bao (khoảng 135 ngàn tấn) cà phê nguyên, liệu tương đương với gần 17 tỷ ly cà phê pha loãng.

Ở một đất nước được xem là nơi sản xuất cà phê lớn nhất nhì thế giới, với thương hiệu cà phê nổi tiếng được các ưa chuộng và coi là đặc sản nông nghiệp, là thương hiệu của quốc gia. Thế nhưng hiện nay nhiều người dân trong nước đang phải uống cà phê bị pha trộn các loại hóa chất, hương liệu độc hại. Liệu trong hơn 16,8 tỉ ly cà phê đó, ai có thể phân biệt được ly cà phê nào là thật, ly nào là “cà phê hóa chất”? Không một ai biết được có bao nhiêu người đã uống phải loại “cà phê” này, nạp vào cơ thể bao nhiêu chất độc hại hóa chất không rõ nguồn gốc...

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gián tiếp khiến cho thương hiệu cà phê Việt Nam mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Theo Theo VTC News
MỚI - NÓNG