Hàng điện lạnh: Trả tiền thật, dính hàng dởm

Hàng điện lạnh: Trả tiền thật, dính hàng dởm
Hàng nhập lậu về từ Trung Quốc giá chỉ bằng một nửa hàng thật. Tuy nhiên lại được dán nhãn các hãng nổi tiếng như Panasonic, LG, Niko, Toshiba, Samsung..., bán trà trộn với hàng thật.
Hàng điện lạnh: Trả tiền thật, dính hàng dởm ảnh 1

Những bộ điều hòa giả nhãn hiệu Panasonic bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ ảnh: Tú Anh

Trong vai khách hàng đi mua máy điều hoà, chúng tôi đã có một cuộc khảo giá ở nhiều cửa hàng, siêu thị điện tử, điện lạnh nằm trên các tuyến phố của Hà Nội như: Hai Bà Trưng, Huế, Giải Phóng, Bà Triệu, Quang Trung... Giá mỗi nơi mỗi khác, còn chất lượng thì không biết đâu mà lần.

Chẳng hạn, cùng là loại điều hoà 2 cục hiệu Panasonic, công suất 11900BTU/h, có nơi giá là 12 triệu đồng/ chiếc, có nơi thì giá chỉ có 6 triệu đồng/chiếc; loại 13000 BTU của hãng Toshiba  có nơi giá là 10,6 triệu đồng, nơi khác giá là 6 triệu đồng/chiếc.

Đem băn khoăn này hỏi một chủ cửa hàng điện lạnh ở Hai Bà Trưng, thì được biết “đây là hàng nhập lậu, hàng từ Trung Quốc sang nên giá bằng nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với hàng chính hãng”.

Thấy chúng tôi có vẻ không yên tâm về chất lượng, ông chủ trấn an: “Tuy là hàng nhập lậu, hàng Trung Quốc nhưng là loại hàng “xịn”. Cứ mua đi, ở đây bảo hành cho 2 năm, đảm bảo dùng thoải mái...”.

Điều đáng nói, nhiều nơi hàng lậu còn được chào bán một cách công khai. Vào những ngày nắng nóng này, nếu dạo qua khu “chợ trời” ở phố Huế, chúng ta sẽ thấy cảnh rất nhiều “con buôn” đứng dọc đường chèo kéo khách qua đường mua điều hoà, quạt điện.

Thường thì chúng chỉ bày biện những mẫu hàng, tờ rơi để quảng cáo nhưng khi khách có yêu cầu thì loại gì, giá nào cũng có.

Quả thật khi đi xem các mặt hàng điện lạnh như: điều hoà, tủ lạnh, quạt gió...chúng tôi không thể phân biệt được, đâu là hàng giả, đâu là hàng của “chính hãng”.

Bởi lẽ về mặt hình thức, mẫu mã các loại hàng nhái, hàng giả không khác gì so với loại hàng “xịn”, thậm chí có loại hàng giả còn được làm “trơn tru” hơn cả hàng “xịn”.

Những loại này, sau khi được dán tem, mang cho mình cái nhãn mác nổi tiếng như: Panasonic, LG, Niko, Toshiba, Samsung... chúng được bày bán trà trộn với hàng “xịn”, hoặc có nơi chúng được bán dưới danh nghĩa là hàng của “đại lý chính hãng”. Điều này người tiêu dùng chỉ biết trông cậy vào lòng “trung thực” của người bán và phải đi mua trong tình trạng “may hơn khôn”.

Ông Nguyễn Văn Thuần, chủ một xưởng chuyên sửa chữa điện lạnh nằm trên đường Trường Chinh cho biết: Mới đầu mùa hè nhưng đã có rất nhiều khách hàng mang điều hoà, tủ lạnh...vừa mua đến xưởng của ông để sửa rồi...

Ông Thuần cho biết, ngay cả thợ có thâm niên sửa điều hòa như ông, nếu không “bóc” máy ở bên trong ra xem thì khó có thể phát hiện đâu là giả, đâu là thật.

 “Với loại điều hoà, tủ lạnh làm giả, làm nhái khi mua về vài tuần đầu chạy tốt, nhưng chỉ một thời gian sau chúng bắt đầu phát ra âm thanh rất ồn, đồng thời bộ phận làm lạnh bắt đầu có vấn đề. Tiếp đó vỏ ngoài của máy có chỗ bị bong sơn, gỉ sét…” - Ông Thuần nói.

Nhiều trường hợp, khi khách hàng đưa đến để yêu cầu bảo hành thì được trả lời: “Chúng tôi chỉ bán hàng, còn việc bảo hành là do hãng thực hiện. Khi hỏi hãng thì hãng trả lời, hàng không rõ xuất xứ nên hãng không có trách nhiệm bảo hành”.

Quay đi quẩn lại người tiêu dùng phải chịu tất.

Việc phát hiện và xử lý rất khó khăn

Ông Trương Thành Nhân-Trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (CCQLTT), rất bức xúc khi nói về tình trạng các mặt hàng điện lạnh nhập lậu, bị làm giả, làm nhái nhiều như hiện nay.

Ông Nhân cho biết, chỉ tính trong tháng 5 năm vừa qua, lực lượng quản lý thị trường của thành phố đã phát hiện và bắt giữ 17 vụ buôn lậu, làm giả nhãn mác máy điều hòa nhiệt độ, với trị giá hàng trăm triệu đồng.

Thu giữ được 109 bộ điều hoà các loại, và nhiều phụ kiện khác. Đấy là chỉ riêng về mặt hàng điều hoà, chứ theo ông Nhân nếu kể cả tủ lạnh, quạt điện... thì rất nhiều.

Mới đây, qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh tại 39-đường Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng), lực lượng kiểm tra đã phát hiện và thu giữ được 40 cục nóng, 32 cục lạnh và nhiều linh kiện máy điều hoà nhập lậu khác.

Các loại điều hoà này được nhập lậu từ Trung Quốc, sau đó chủ cửa hàng thay đổi nhãn mác biến thành sản phẩm của hãng Panasonic.

Ông Nhân cho rằng, việc phát hiện và xử lý mặt hàng này là rất khó khăn. Hiện có rất nhiều điểm kinh doanh mặt hàng điện lạnh ở thị trường trung tâm như Hà Nội.

Chỉ tính riêng ở quận Đống Đa đã có trên 140 điểm kinh doanh mặt hàng điện tử, điện lạnh. Trong khi đó, nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau mà chúng sử dụng để sản xuất hàng giả, nhái cho nên lực lượng kiểm tra rất khó phát hiện và kiểm soát hết được tất cả.

Ông Bùi Hữu Hoà - Đội trưởng đội 5 (CCQLTT Hà Nội) thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng cho biết, trong 5 vụ phát hiện và bắt giữ được mới đây của đội đều phải cho lực lượng đi trinh sát rất lâu và do cơ sở báo mới biết.

Thường thì để qua mắt và đối phó với lực lượng kiểm tra, sau khi tách rời các bộ phận, chúng vận chuyển hàng lậu trên các tuyến xe khách liên tỉnh như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An đi Hà Nội... mỗi chuyến chúng chỉ vận chuyển 2 đến 3 chiếc điều hoà, hoặc một thùng quạt điện thôi.

Sau khi hàng về tới Hà Nội, chúng tung một đội quân “đồng nát” chuyên đi thu gom tất cả vỏ hàng máy lạnh “xịn”, bao bì của các hãng nổi tiếng, rồi đóng gói hay dập lại series.

Cứ thế chúng đánh nhỏ lẻ. Còn khi hàng lậu đã nằm trong cửa hàng rồi thì khó có thể phát hiện và nếu bị kiểm tra, chúng sẽ tẩu tán hàng rất nhanh.

Trước tình hình này, đại diện của các hãng điện lạnh đã khuyến cáo khách hàng nên mua hàng ở các đại lý chính hãng và yêu cầu phải có phiếu bảo hành của chính hãng đó.

Ngoài ra người tiêu dùng cần phải kiểm tra lại tem, nhãn mác, xuất xứ hàng, tránh bị đánh tráo với hàng giả, hàng kém chất lượng. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.